Ban Dân vận Trung ương vừa tổ chức hội nghị toàn quốc triển khai
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ
XII của Đảng và các văn bản chỉ đạo của Trung ương về công tác dân vận. Đồng chí Thào Xuân
Sùng, UVTƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương đã trao đổi với phóng viên về
một số yêu cầu mới đặt ra đối với công tác dân vận.
- Hệ thống văn bản lãnh đạo, chỉ đạo về công tác dân vận có lẽ chưa
lúc nào đầy đủ, toàn diện và có tầm như lúc này. Xin ông cho biết đánh
giá của mình về nhận định này?
- Có thể nói nhiệm kỳ vừa qua, Ban Dân vận Trung ương đã nghiên cứu để
tham mưu với Trung ương ban hành được nhiều văn bản nhất và khá đồng bộ.
Trong đó có những văn bản hết sức giá trị. Ban Chấp hành Trung ương ban
hành Nghị quyết 25-NQ/TƯ về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng
đối với công tác dân vận trong tình hình mới”. Bộ Chính trị ban hành
hai quyết định: 217, 218 để MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã
hội, đoàn thể nhân dân và nhân dân giám sát, phản biện, góp ý xây dựng
Đảng, xây dựng chính quyền. Đây là bước ngoặt về phát huy dân chủ gián
tiếp và trực tiếp của nhân dân. Đặc biệt, để đất nước tiếp tục phát
triển nhanh hơn, chúng ta phải giải quyết được khó khăn thách thức, một
trong số đó là ở vùng dân tộc thiểu số. Vì vậy, Ban Bí thư đã quyết định
ban hành Chỉ thị 49-CT/TƯ, ngày 20-10-2015, về “Tăng cường và đổi mới
công tác dân vận của Đảng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”. Đây là một
trong 4 văn bản được quán triệt tại hội nghị toàn quốc về dân vận lần
này. Từ khi thành lập Đảng đến nay, đây là lần thứ hai Trung ương có chỉ
thị lãnh đạo về công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, lần
trước là năm 1948.
- Vì sao Trung ương lại ban hành Chỉ thị 49 ở thời điểm này, thưa ông?
- Chúng ta phải thẳng thắn nhìn rõ thực tế là đất nước đã qua 30 năm Đổi
mới mà có những vùng đường ô tô không đến nơi, điện không đến được,
nước sạch không có. Chúng ta nói thành tích xây dựng nông thôn mới là
hơn 80% hạ tầng đã được thiết kế xây dựng tốt, nhưng 20% còn lại mới là
điều đáng suy nghĩ, vì chủ yếu rơi vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số,
vùng sâu, vùng xa. Nên Chỉ thị 49 là nhằm giải quyết khó khăn này.
- Thực hiện Chỉ thị 49, việc trước tiên phải làm là gì, thưa ông?
- Đầu tiên là công tác dân vận chính quyền, hoạch định chính sách phải
đúng. Muốn làm chính sách đúng thì bộ phải phối hợp với các đoàn thể để
khảo sát, tìm hiểu cụ thể chứ không nên ngồi trong phòng điều hòa để
làm. Thời gian qua, chúng tôi vẫn nói với nhau rằng, ngoài lực lượng vũ
trang và phóng viên là hay đến với vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân
tộc thiểu số, các lực lượng khác hình như đến hơi ít. Muốn làm tốt công
tác dân vận, hãy đến với dân.
- Trong Chỉ thị 49 có yêu cầu đáng chú ý là phải triển khai thực
hiện tốt Quyết định 217, 218 của Bộ Chính trị. Ông nói đây là hai quyết
định có ý nghĩa bước ngoặt. Vậy tiếp theo chúng ta phải làm gì để thực
hiện, thưa ông?
- Theo chúng tôi, cần tập trung để phát huy dân chủ trực tiếp của nhân
dân. Đó là các cơ quan nhà nước phải thể chế hóa hai quyết định này để
đón nhận góp ý trực tiếp của nhân dân. Hy vọng, sau khi Thủ tướng Chính
phủ ban hành Chỉ thị 16/CT-TTg ngày 16-5-2016 về “Tăng cường và đổi mới
công tác dân vận trong cơ quan hành chính nhà nước, chính quyền các cấp
trong tình hình mới” thì sẽ có chuyển biến.
- Ông có thể nói khái quát về công tác dân vận trong tình hình mới theo tinh thần của Nghị quyết Đại hội XII của Đảng?
- Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã nêu rõ rằng, phải thực hiện tốt tư
tưởng Bác Hồ. Đó là thực sự tin dân, trọng dân, gần dân, hiểu dân, đặc
biệt là phải dựa vào dân. Nghị quyết Đại hội XII nhấn mạnh là phải dựa
vào dân. Vì có dựa vào dân thì cán bộ mới biết được họ muốn gì. Đến như
chính khách nước ngoài còn đi ăn phở, ăn bún ở ngoài đường phố, vào chợ
mua cái này cái kia để tìm hiểu đời sống người dân, huống chi mình là
cán bộ dân vận.
- Và không chỉ có riêng cán bộ dân vận?
- Đúng vậy. Chúng tôi mong sau hội nghị này đội ngũ cán bộ, đảng viên,
đoàn viên, hội viên sẽ là đội ngũ thực sự tin dân, gần dân, sát dân, dựa
vào dân, hiểu dân, gắn bó với dân và có trách nhiệm với dân từ tâm của
mình để lo cho dân. Chỉ có như thế, mỗi người mới là cầu nối giữa Đảng
với dân. Vì như chúng ta đều biết, Đảng không phải khái niệm chung
chung, Đảng là cán bộ, đảng viên cụ thể.
- Xin ông cho biết Ban Dân vận Trung ương có đổi mới gì trong công tác để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới?
- Tập thể Ban Dân vận Trung ương mong muốn xây dựng đội ngũ cán bộ
chuyên trách của hệ thống dân vận đủ đức, đủ tài ngang tầm với yêu cầu
nhiệm vụ chính trị. Trước hết, chúng tôi thực hiện ở ban. Năm nay, nhiệm
vụ Ban Dân vận Trung ương đặt ra đầu tiên là bàn một kế hoạch chi tiết
nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên của Ban Dân vận Trung ương. Theo
đó, từ nay đến năm 2020, cùng với giải pháp đồng bộ khác, Ban Dân vận
Trung ương sẽ luân chuyển số cán bộ trẻ trong quy hoạch về cơ sở công
tác, mỗi năm 2-3 đồng chí để đào tạo, đi thành hai ba đợt, mỗi đợt một
tháng, đi những địa phương khó nhất để vừa giúp đỡ vừa học tập. Chúng
tôi vừa đưa 3 đồng chí đi Tây Nguyên. Cũng với tinh thần đổi mới đó,
chúng tôi sẽ tập trung triển khai 8 nhiệm vụ trọng tâm trong Chương
trình hành động số 31-CTr/BDVTƯ ngày 18-5-2016 của ban về thực hiện Nghị
quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng về công tác dân vận.
- Xin cảm ơn ông!
Nguồn: hanoimoi.com.vn, ngày 30/5/2016