(Danvan.vn) Ngày 07/6/2017, tại tỉnh Thái Bình, Ban Dân vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị Bàn giải pháp tiếp tục thực hiện có hiệu quả Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội” và “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”; đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
|
Quang cảnh hội nghị
|
Đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương dự và chủ trì Hội nghị. Đồng chủ trì Hội nghị có các đồng chí: Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Phạm Văn Sinh, Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình; Nguyễn Văn Hùng, Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương. Tới dự có hơn 200 đại biểu đại diện cho lãnh đạo tỉnh Thái Bình; lãnh đạo một số tỉnh, thành ủy, UBND tỉnh; đại diện lãnh đạo Ban Dân vận, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội của Trung ương và 29 tỉnh, thành phố khu vực miền Bắc và một số tỉnh Bắc Trung bộ.
Hội nghị đã nghe 10 ý kiến phát biểu trực tiếp nhằm bổ sung và làm sâu rõ thêm những nội dung được Ban Tổ chức Hội nghị quan tâm, đó là: Tác động của việc thực hiện Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW đối với đời sống xã hội, với việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững mạnh; những khó khăn, vướng mắc trong thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW. Cơ chế để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân giám sát người đứng đầu, cán bộ chủ chốt, cán bộ, đảng viên...
|
Đồng chí Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt
Nam phát biểu tại hội nghị
|
Các tham luận và phát biểu tại Hội nghị tiếp tục
khẳng định
những kết quả tích cực qua 03 năm triển khai thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW
và Quyết định số 218-QĐ/TW của Bộ Chính trị
(khóa XI) như: Các tỉnh ủy, thành ủy, các ban, ngành, MTTQ,
các đoàn thể chính trị - xã hội ngày càng nâng cao nhận thức
và tích cực chỉ đạo, tổ chức thực hiện hoạt động giám sát, phản biện xã hội,
tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền; nội dung giám sát, phản biện
xã hội, góp ý kiến ngày càng có chiều sâu, gắn với cuộc sống thiết thực của người
dân, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân... Hội nghị cũng thẳng thắn chỉ ra những
mặt còn hạn chế, rút ra những nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và đưa ra những
đề xuất kiến nghị với Đảng, Nhà nước, Ban Dân vận Trung ương, MTTQ Việt Nam và
các cơ quan, tổ chức có liên quan để tiếp tục quan tâm lãnh đạo, phối hợp, tổ
chức thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ được giao trong thời gian tới. Nhiều ý kiến
góp ý, đề xuất thẳng thắn đối với
dự thảo kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và
nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ
chốt và cán bộ, đảng viên.
Phát biểu tại Hội nghị, đồng
chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng
Thư ký Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đánh giá cao những kết quả bước đầu của
MTTQ và các đoàn thể trong triển khai thực hiện các Quyết định số 217 và 218 của
Bộ Chính trị (khóa XI). Tiếp thu những ý kiến, kiến nghị, đồng chí Trần Thanh Mẫn
khẳng định trong thời gian tới MTTQ Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường hoạt động
giám sát, phản biện bài bản, nề nếp; có những giải pháp khắc phục hạn chế, yếu
kém; tăng cường công tác tổ chức cán bộ; tăng cường tập huấn, phát hành sổ tay về
công tác giám sát, phản biện của MTTQ Việt Nam; hướng dẫn thực hiện Thông tư
337/2016/TT-BTC ngày 28/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản
lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo đảm hoạt động giám sát, phản biện xã hội
của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội; đặc biệt là chuẩn bị cho
triển khai, quán triệt Nghị quyết liên tịch giữa Quốc hội, Chính phủ và MTTQ về
hoạt động giám sát, phản biện xã hội sắp được ký kết...
|
Đồng chí Trương Thị Mai phát biểu chỉ đạo hội nghị
|
Phát biểu chỉ đạo và kết luận
hội nghị, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng,
Trưởng Ban Dân vận Trung ương khẳng định thông qua Hội nghị đã tiếp tục cho thấy
tính đúng đắn, vai trò, ý nghĩa quan trọng của việc tổ chức thực hiện các Quyết
định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW. Hội nghị cũng đã đem lại nhiều thông
tin, rút ra những bài học kinh nghiệm bổ ích để các địa phương, tổ chức nghiên
cứu, áp dụng một cách sinh động, hiệu quả, thực chất hơn.
Đồng chí Trương Thị Mai nhấn
mạnh sự cần thiết của việc thực hiện các Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số
218-QĐ/TW đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn
hiện nay; nhất là trong việc xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền trong sạch, vững
mạnh để lãnh đạo, điều hành đất nước, củng cố lòng tin của nhân dân. Thực hiện
tốt các Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW cũng bảo đảm việc chăm
lo và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, qua đó giúp tăng sự
đồng thuận của nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, điều hành của chính quyền.
Nhân dịp này, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá
cao các cấp ủy đã tích cực, sáng tạo trong cụ thể hóa các Quyết định số 217-QĐ/TW
và Quyết định số 218-QĐ/TW phù hợp với tình hình địa phương, tổ chức. Bên cạnh đó,
đồng chí cũng nhấn mạnh yếu tố các kiến nghị mà MTTQ và các đoàn thể chính trị
- xã hội và nhân dân đưa ra phải được lựa chọn, chắt lọc phù hợp với thực tiễn
quá trình phát triển.
|
Đồng chí Trương Thị Mai chụp ảnh với các đại biểu dự hội nghị
|
Lắng nghe, tiếp thu các ý kiến của đại biểu, đồng chí Trương Thị Mai đặt ra những “đầu việc”, những yêu cầu để triển khai thực hiện tốt Quyết định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW trong thời gian tới, đó là: Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng và thường xuyên nâng cao nhận thức cấp ủy, chính quyền, MTTQ, các đoàn thể và nhân dân. Các cấp ủy Đảng, chính quyền, Ban Dân vận, MTTQ và các đoàn thể phải tham gia với trách nhiệm cao để nội dung giám sát, phản biện đảm bảo chủ động, sáng tạo, hiệu quả, kịp thời, đáp ứng yêu cầu, nguyện vọng của nhân dân. Khi triển khai thực hiện cần có sự phối hợp có hiệu quả; có phương thức, cách thức giám sát, phản biện phù hợp, đặc biệt chú trọng phương thức đối thoại để tạo ra sự đồng thuận trong nhân dân. Ban Dân vận phải tích cực tham mưu cho cấp ủy; MTTQ và các đoàn thể chủ động lựa chọn những vấn đề quan trọng để kiến nghị, đề xuất, phản biện. Đội ngũ cán bộ MTTQ và các đoàn thể phải nâng cao năng lực, trình độ, bản lĩnh để phản biện đúng các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước. Chính quyền phải sẵn sàng lắng nghe, tiếp thu việc giám sát, phản biện, góp ý. Bên cạnh đó phải tạo điều kiện để các cơ quan thông tin đại chúng tham gia, bởi đây là nhân tố quan trọng, một kênh góp phần triển khai thực hiện hoạt động giám sát, phản biện hiệu quả. Các cơ quan chức năng phải đảm bảo tốt kinh phí cho hoạt động giám sát, phản biện.
Đồng chí Trương Thị Mai yêu cầu
trong thời gian tới, việc thực hiện Quyết
định số 217-QĐ/TW và Quyết định số 218-QĐ/TW phải
được triển khai “Thực tâm, thực chất”, hiệu quả hơn nữa, gắn với việc thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng,
Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về “Đẩy mạnh học tập và làm
theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” và Nghị quyết số 04-NQ/TW của
Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII) về
"Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về
tư tưởng, chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự
chuyển hóa” trong nội bộ".
Phan Thanh