(Danvan.vn) Chiều 25/8, tại trụ sở cơ quan Ban Dân vận Trung ương, đồng chí Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đã chủ trì buổi họp Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập Đề án xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên.
|
Quang cảnh buổi họp |
Cùng dự buổi họp có các Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương: Nguyễn Văn Hùng, Ngô Thị Doãn Thanh, Hà Ngọc Anh và các thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập của Đề án.
Tại buổi họp, các đại biểu thảo luận những nội dung trong dự thảo Quy định về tham gia kiểm tra, giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên và dự thảo Báo cáo, Tờ trình Đề án xây dựng cơ chế kiểm tra, giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên. Các góp ý tập trung vào tên Đề án, chủ thể giám sát, phạm vi giám sát, nội dung giám sát, đối tượng giám sát, phương pháp giám sát, hình thức giám sát, xử lý kết quả giám sát… Trong đó, các ý kiến đều thống nhất đề nghị bỏ nhiệm vụ kiểm tra, Đề án chỉ tập trung vào nhiệm vụ giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân cho phù hợp với quyền và trách nhiệm của MTTQ và chức năng, nhiệm vụ của các tổ chức chính trị - xã hội, quy định của Hiến pháp.
Phát biểu kết luận buổi họp, đồng chí Trương Thị Mai ghi nhận những ý kiến đóng góp của các đại biểu; đồng thời nhấn mạnh: Qua các ý kiến của các thành viên của Hội đồng quần chúng Trung ương và thành viên Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập Đề án, Ban Chỉ đạo Đề án thống nhất xin ý kiến Ban Bí thư về tên Đề án “Quy định cơ chế giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên”.
Căn cứ của Đề án được xác định là Quyết định số 217-QĐ/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”, Luật MTTQ Việt Nam và Nghị quyết liên tịch số 403/2017/NQLT-UBTVQH14-CP-ĐCTUBTWMTTQVN của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ, Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam quy định chi tiết các hình thức giám sát, phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam.
Nhấn mạnh đến hình thức, nội dung giám sát, đồng chí Trương Thị Mai cho rằng, hình thức giám sát là tổ chức đoàn giám sát theo đúng quy định mục 2, Nghị quyết liên tịch số 403. Nội dung giám sát bao gồm việc xây dựng và thực hiện kế hoạch học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; việc thực hiện Quy định của BCH Trung ương về những điều đảng viên không được làm; việc xây dựng kế hoạch và thực hiện những nội dung cơ bản Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII); việc thực hiện những quy định của Luật Cán bộ, công chức về những điều cán bộ, công chức không được làm liên quan đến đạo đức công vụ…
Trên cơ sở đó, đồng chí Trương Thị Mai đề nghị Ban Chỉ đạo, Ban Biên tập Đề án tiếp thu, chỉnh sửa, xin ý kiến đóng góp của người đứng đầu MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương và của Thường trực các tỉnh, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Trung ương để sớm hoàn thiện các dự thảo văn bản của Đề án trình Ban Bí thư xem xét./.
Tin và ảnh: Hà Thanh