|
Buổi đối thoại giữa người dân với chính quyền quận Cầu Giấy
về dự án xây dựng bãi đỗ xe ngầm ở Công viên Cầu Giấy |
Giải pháp hiệu quả giảm bức xúc
Đầu tháng 5 vừa qua, hàng chục người dân có kiến nghị liên quan đến dự án xây dựng bãi xe ngầm kết hợp trung tâm thương mại tại một phần Công viên Cầu Giấy đã đối thoại với lãnh đạo quận Cầu Giấy (Hà Nội) và các cơ quan liên quan. Dù còn vấn đề cần tiếp tục trao đổi nhưng buổi đối thoại đã cho thấy tiếng nói của người dân luôn được tôn trọng. “Tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với lãnh đạo quận, chúng tôi có lòng tin là các kiến nghị chính đáng sẽ không bị bỏ qua”, ông Trần Hữu An, cư dân phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy cho biết.
Tiếp xúc, đối thoại với nhân dân nhằm thực hiện các nhiệm vụ chính trị đã trở thành giải pháp thường xuyên, quan trọng của Quận ủy Cầu Giấy. Về hoạt động này, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Đào Ngọc Triệu đánh giá: “Cầu Giấy là một trong những nơi thực hiện công tác tiếp xúc, đối thoại với người dân thường xuyên, bài bản và hiệu quả nhất”. Nhờ đó, đây là một trong những địa phương đầu tiên của thành phố giải quyết xong các vụ việc phức tạp theo tinh thần Nghị quyết số 15-NQ/TU ngày 4-7-2017 của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội.
Lãnh đạo UBND thành phố tiếp 42 lượt công dân
Ngày 3/6, Văn phòng UBND thành phố Hà Nội cho biết, ngày 21/5, tại trụ sở tiếp công dân thành phố Hà Nội, lãnh đạo UBND thành phố đã chủ trì tiếp công dân định kỳ tháng 5-2019 theo quy định của Luật Tiếp công dân. Kết thúc ngày làm việc, các đồng chí chủ trì đã tiếp 42 lượt (179 người) là công dân các quận, huyện, thị xã: Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hà Đông, Sơn Tây, Thanh Trì, Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Mỹ Đức, Thanh Oai, Thạch Thất, Ứng Hòa. Trong số đó có 3 đoàn khiếu kiện đông người.
Các đồng chí chủ trì buổi tiếp công dân đã yêu cầu giám đốc các sở, ngành, chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị theo đúng thẩm quyền và ý kiến kết luận, chỉ đạo của UBND thành phố (có văn bản chỉ đạo riêng đối với từng vụ việc). Đối với các vụ khiếu kiện đông người, cơ quan chức năng và chính quyền địa phương tiếp, đối thoại với công dân, xem xét, giải quyết, không để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị vượt cấp, kéo dài...
Cùng với Cầu Giấy, nhiều quận như Hoàn Kiếm, Đống Đa, Bắc Từ Liêm, Long Biên, thị xã Sơn Tây; các huyện Quốc Oai, Phúc Thọ, Gia Lâm, Ứng Hòa, Phú Xuyên, Chương Mỹ... đã thực hiện có chất lượng, hiệu quả việc tiếp xúc, đối thoại với người dân, xử lý kịp thời phản ánh, kiến nghị và đơn thư của công dân.
Theo thống kê, đến nay, 100% các quận, huyện, thị xã và phường, xã, thị trấn đã thực hiện không chỉ một lần mà nhiều lần đối thoại với nhân dân theo chủ trương chung của thành phố. Hơn 2 năm qua, cấp quận, huyện, thị xã đã tổ chức 96 hội nghị đối thoại định kỳ, 1.041 hội nghị đối thoại đột xuất; cấp xã, phường, thị trấn tổ chức 1.454 hội nghị đối thoại định kỳ, 1.641 hội nghị đối thoại đột xuất.
Trong 5 tháng đầu năm 2019 đã tổ chức 1 hội nghị đối thoại cấp thành phố giữa Chủ tịch UBND thành phố với công nhân lao động; 53 hội nghị đối thoại cấp quận, huyện, thị xã (có 45 hội nghị đột xuất); 262 hội nghị đối thoại cấp xã, phường, thị trấn (86 hội nghị đột xuất)... Đặc biệt, tại cuộc đối thoại giữa Chủ tịch UBND thành phố với công nhân lao động, nhiều vấn đề an sinh đã được lãnh đạo thành phố trực tiếp chỉ đạo các sở, ngành giải quyết, như: Mở thêm tuyến xe buýt, xây dựng thiết chế văn hóa, chăm lo đời sống cho công nhân…
"Trong 2 năm qua, việc tiếp xúc, đối thoại với người dân đã có sự chuyển biến về chất trong nhận thức và hành động của cấp ủy, chính quyền các cấp thành phố, nhất là người đứng đầu", đồng chí Đào Ngọc Triệu nhấn mạnh.
Nhiều kinh nghiệm có thể nhân rộng
Kinh nghiệm thực hiện tiếp xúc, đối thoại của các quận, huyện, thị xã cho thấy, việc đề cao trách nhiệm người đứng đầu là nhân tố quyết định hiệu quả. Tại quận Cầu Giấy, Bí thư Quận ủy, Chủ tịch UBND quận đã trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo công tác này với yêu cầu bắt buộc thủ trưởng các phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch UBND các phường phải định kỳ hằng tháng báo cáo kết quả giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, coi đây là căn cứ đánh giá hiệu quả công tác.
|
Hội nghị đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền phường Yên Phụ (quận Tây Hồ)
với Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân |
Tại quận Long Biên, theo Bí thư Quận ủy Đỗ Mạnh Hải, Ban Thường vụ Quận ủy chỉ đạo xây dựng quy trình xử lý thông tin phản ánh, kiến nghị của người dân gắn với ứng dụng phần mềm quản lý việc tiếp dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo. Thông tin phản ánh, kiến nghị được thu thập từ các kênh như bí thư chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố và các cộng tác viên dư luận xã hội. Ban Tuyên giáo Quận ủy làm đầu mối tổng hợp, phân loại, tham mưu đề xuất với Thường trực Quận ủy phân công xử lý theo thẩm quyền. Trên cơ sở đó, các Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy phụ trách địa bàn chịu trách nhiệm theo dõi, giám sát hoặc đứng ra chủ trì chỉ đạo phối hợp giữa phường với các cơ quan của quận để xử lý phản ánh, kiến nghị của nhân dân.
Từ thực tế thực hiện tại địa phương, Bí thư Huyện ủy Phú Xuyên Phạm Hải Hoa và Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú đều cho rằng, để giải quyết phản ánh, kiến nghị, đặc biệt là đơn thư khiếu nại, tố cáo của người dân thông qua tiếp xúc, đối thoại thì việc chuẩn bị kỹ nội dung trước khi đối thoại, có giải pháp giải quyết thỏa đáng kiến nghị của người dân là yêu cầu quan trọng. Ngoài ra, định kỳ người đứng cầu cấp ủy phải kiểm tra tiến độ, chỉ đạo cụ thể việc giải quyết các nội dung, yêu cầu liên quan sau đối thoại, tiếp xúc.
Trao đổi kinh nghiệm trên địa bàn, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Chương Mỹ Trịnh Tiến Tường cho biết, cùng với người đứng đầu, đối với những vụ việc phức tạp, cả Thường trực Huyện ủy, thậm chí cả Ban Thường vụ Huyện ủy cùng tham gia đối thoại. Không chỉ đối thoại một, hai lần mà có thể là nhiều lần để đạt sự đồng thuận.
Tuy nhiên, để xử lý hiệu quả, kịp thời các phản ánh, kiến nghị của người dân, bên cạnh sự chủ động của địa phương rất cần sự phối hợp, giúp đỡ của các sở, ban, ngành thành phố. Trong đó, việc cần làm ngay là khi có đề nghị của địa phương, các sở, ban, ngành cử cán bộ hoặc tổ công tác hỗ trợ phải là những cán bộ thực sự am hiểu, có năng lực, thay vì những người “chỉ đi nghe rồi về báo cáo”.
Ngày 18/2/2019, Bộ Chính trị ban hành Quy định số 11-QĐi/TƯ về “Trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân”. Ngày 7-5-2019, Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội ban hành Kế hoạch số 138-KH/TU về thực hiện quy định trên. Đây là cơ sở để các cấp ủy Đảng, nhất là người đứng đầu cấp ủy các cấp thành phố tiếp tục tăng cường thực hiện tiếp xúc, đối thoại trực tiếp để xử lý phản ánh, kiến nghị của người dân.
(hanoimoi.com.vn)