|
Buổi đối thoại trực tiếp giữa lãnh đạo UBND tỉnh, huyện Lệ Thủy và bà con tiểu thương chợ Tréo (Lệ Thủy).
|
Các buổi đối thoại được tổ chức dân chủ, thẳng thắn, trách nhiệm đã góp phần tăng cường sự tham gia của người dân vào quá trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, củng cố mối liên kết bền chặt giữa người dân và chính quyền. Đồng thời, lãnh đạo các cấp cũng xem đây là dịp để nhìn nhận lại quá trình lãnh đạo, chỉ đạo, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân và từ đó có sự điều chỉnh, giải quyết phù hợp.
Với mục tiêu để bộ máy chính quyền các khu dân cư tinh gọn, hoạt động hiệu quả hơn, giảm ngân sách cho Nhà nước trong chi trả phụ cấp cho cán bộ cấp thôn, năm 2018, xã Trường Thủy (Lệ Thủy) tiến hành sáp nhập 9 thôn thành 4 thôn.
Theo đồng chí Phan Hữu Tình, Chủ tịch UBND xã Trường Thủy, quá trình sáp nhập được diễn ra theo đúng lộ trình, kế hoạch và tất nhiên cũng xuất hiện một khó khăn, vướng mắc trong tâm tư, tình cảm của người dân. Đáng chú ý, một bộ phận cán bộ thôn sau khi sáp nhập sẽ không còn giữ vị trí, mất phụ cấp dẫn đến tâm lý lo ngại, chưa sẵn sàng; thêm nữa, nhiều phong tục, tập quán truyền thống cũng bị ảnh hưởng…
Do đó, bên cạnh việc chỉ đạo các tổ chức, đoàn thể, chi bộ triển khai hiệu quả công tác tuyên truyền, giải thích về tầm quan trọng, lợi thế của việc sáp nhập cho người dân hiểu rõ, công tác đối thoại trực tiếp giữa chính quyền xã với người dân cũng được đẩy mạnh.
Đồng chí Phan Hữu Tình cho biết, bên cạnh lịch tiếp dân vào thứ 5 hàng tuần do cán bộ lãnh đạo xã trực tiếp thực hiện, bất kỳ thời điểm nào, người dân có vướng mắc về việc sáp nhập cũng được lãnh đạo xã trực tiếp đối thoại, trả lời mọi thắc mắc, giải quyết các khó khăn.
Ngoài ra, xã cũng tích cực chủ động tổ chức các sân chơi thể thao, giao lưu văn hóa… để người dân ở các thôn được gặp gỡ, trao đổi, thêm gắn kết, thân thiết trước khi bắt đầu sáp nhập. Nhờ đó, người dân Trường Thủy đồng lòng, đồng sức trong suốt quá trình triển khai sáp nhập, kết quả là xã đã xây dựng mới 2 nhà văn hóa thôn, duy trì các sân chơi thể thao, vui chơi giải trí cho bà con đến sinh hoạt.
Không chỉ những vấn đề liên quan đến quản lý hành chính, nhiều vụ việc nổi cộm cũng được huyện Lệ Thủy giải quyết thấu đáo thông qua công tác đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với người dân.
Theo đó, năm 2017, UBND huyện đã thực hiện 6 cuộc đối thoại với 569 người tham gia, trong đó 2 cuộc đối thoại định kỳ và 4 cuộc đối thoại đột xuất; năm 2018, 3 cuộc đối thoại với 481 người tham gia, trong đó 1 cuộc định kỳ và 2 cuộc đột xuất.
Đồng chí Võ Minh Hải, Phó Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy Lệ Thủy cho hay, thời gian qua, UBND huyện đã chủ động tổ chức nhiều phiên đối thoại với nhân dân và xem đây như một trong những giải pháp hữu hiệu để làm dịu bớt các điểm nóng về khiếu kiện của người dân, đồng thời, để người dân hiểu hơn về các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nhờ đó, tình hình khiếu kiện và nỗi bức xúc trong nhân dân được giảm đáng kể, tạo thuận lợi để giải quyết các nội dung khiếu nại, kiến nghị, phản ánh của người dân. Để các cuộc đối thoại mang lại kết quả cao nhất, trình tự đối thoại được triển khai hiệu quả, chặt chẽ từ khâu chuẩn bị, quá trình thực hiện cho đến thông báo kết luận.
Cùng với đó, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân… tham gia đối thoại được quy định chặt chẽ, phù hợp. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn còn bộc lộ một số hạn chế nhất định, như: một số thủ trưởng phòng, ban, đơn vị, Chủ tịch UBND xã, thị trấn còn ít trực tiếp đối thoại với nhân dân mà ủy thác cho cấp phó; đối thoại nhưng chưa đi sâu vào vướng mắc của bà con, còn chung chung, mang tính chất như hội nghị tiếp xúc cử tri; thiếu kiểm tra, đôn đốc, theo dõi các kiến nghị sau đối thoại…
Không riêng Lệ Thủy, các huyện, thị xã, thành phố và cơ quan, ban ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh cũng đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện, nâng cao hiệu quả công tác đối thoại với nhân dân. Ở cấp tỉnh, thời gian qua, các cuộc đối thoại giữa lãnh đạo tỉnh với người dân được tổ chức, tập trung giải quyết các vấn đề nổi lên, gây bức xúc.
Đơn cử, cuối tháng 3 vừa qua, UBND tỉnh tổ chức buổi đối thoại giữa 10 hộ dân có ki ốt kinh doanh tại chợ Tréo, thị trấn Kiến Giang (huyện Lệ Thủy). Đồng chí Lê Minh Ngân, Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chủ trì buổi đối thoại. Chỉ diễn ra trong khoảng hơn 3 giờ đồng hồ, nhưng buổi đối thoại đã giải quyết được những vướng mắc trong việc thu hồi và đền bù đất đai, dẫn đến khiếu kiện kéo dài suốt hơn 20 năm...
Qua buổi đối thoại này, người dân nói lên được những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của mình, còn lãnh đạo địa phương đã cầu thị lắng nghe, tiếp thu tiếng nói của người dân, để rồi đưa ra một phương án giải quyết bảo đảm hài hòa lợi ích của đôi bên.
Đáng chú ý, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã có Quyết định số 1518-QĐ/TU về việc ban hành Quy chế Bí thư Tỉnh ủy tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân. Theo đó, thời gian tiếp dân định kỳ vào ngày 25 hàng tháng, nếu ngày 25 trùng với ngày nghỉ, ngày lễ thì tổ chức vào ngày làm việc tiếp theo.
Theo đồng chí Trần Văn Lập, Trưởng phòng Dân vận các cơ quan Nhà nước, Ban Dân vận Tỉnh ủy, quá trình thực hiện công tác đối thoại trên địa bàn tỉnh vẫn còn tồn tại một số khó khăn nhất định, như: chưa triển khai đồng đều, mới chủ yếu ở cấp tỉnh, huyện, cấp cơ sở còn hạn chế, lúng túng; đối thoại chuyên đề còn ít, nội dung còn chung chung; công tác tham mưu, phối hợp còn chưa chặt chẽ, khiến đối thoại còn bị động, thiếu sâu sát…
Để triển khai hiệu quả công tác đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân, thời gian tới, bên cạnh việc nắm chắc nội dung của các quyết định, nghị quyết, quy định… liên quan, cần nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các kiến nghị, đề xuất của nhân dân.
Đồng thời, cần triển khai hiệu quả công tác khảo sát, nắm tình hình, lựa chọn nội dung trọng tâm để đối thoại và phát huy cao độ vai trò của Mặt trận và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân, phối hợp tổ chức đối thoại và giám sát thực hiện các kiến nghị sau đối thoại. Trong thời đại cách mạng công nghệ 4.0 hiện nay, bên cạnh đối thoại trực tiếp, các hình thức đối thoại "online" cũng rất cần được khuyến khích và phát huy hiệu quả.
Đồng chí Lập chia sẻ thêm, không phải cứ có sự việc bức xúc, nổi cộm, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền mới tiếp xúc đối thoại trực tiếp với dân, mà cần mạnh dạn triển khai thường xuyên để tạo sự gần gũi, nền nếp. Người dân cũng không phải chờ có đối thoại mới gặp gỡ lãnh đạo bởi sự gặp gỡ thường xuyên, chân tình sẽ tránh được tình trạng căng thẳng, mệt mỏi trong các cuộc đối thoại về những vấn đề nổi cộm tại địa phương.
(baoquangbinh.vn)