“Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác dân vận đối với việc phát triển của địa phương, thời gian qua, cả hệ thống chính trị tỉnh An Giang đã chủ động đổi mới công tác dân vận, tập trung hướng mạnh về cơ sở, bám sát thực tiễn, vận động nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị và đạt nhiều kết quả, góp phần phát triển kinh tế - xã hội (KTXH), đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn tỉnh.
Nâng cao vị thế của tỉnh
6 tháng đầu năm 2019, tình hình KTXH của tỉnh An Giang tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực. Tổng sản phẩm GRDP tăng 6,35% so cùng kỳ năm trước và đạt mức tăng cao nhất so cùng kỳ 5 năm trở lại đây. Kết quả trên là sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc tập trung triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phát triển KTXH mà nghị quyết đề ra, nhất là phương thức lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với công tác dân vận, quản lý, điều hành của chính quyền được đổi mới. Những chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước về phát triển KTXH được triển khai có hiệu quả, sáng tạo; đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân được quan tâm chăm lo thường xuyên.
Đặc biệt, các cấp, ngành đã tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện hiệu quả cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp đầu tư, phát triển sản xuất, góp phần nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Nhờ đó, năm 2018, PCI của tỉnh xếp hạng 28/63 tỉnh, thành phố (tăng 4 bậc so năm 2017), đứng thứ 6/13 tỉnh, thành phố khu vực ĐBSCL (tăng 1 bậc). Đạt kết quả trên do Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh và Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả cấp huyện, xã tiếp tục thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân; không ngừng nâng cao đạo đức công vụ, giải quyết kịp thời, có hiệu quả những bức xúc, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Nhiều địa phương còn thực hiện “Ngày không hẹn”, “Ngày không viết”, góp phần củng cố vững chắc lòng tin của nhân dân với Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương.
|
Nhờ “Dân vận khéo” nên nhân dân tích cực đóng góp ngày công làm đường
|
Tạo sự đồng thuận, ủng hộ của nhân dân
Để kịp thời lắng nghe những ý kiến từ cơ sở, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh và HĐND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc với hơn 4.500 cử tri, ở 59 xã, phường, thị trấn. Qua đó, đã tiếp nhận trên 290 lượt ý kiến của cử tri ở các lĩnh vực, vấn đề xã hội quan tâm, như: công tác phòng, chống tham nhũng; giá cả, việc tiêu thụ nông-thủy sản; vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm; chính sách cán bộ cơ sở, người có công… Qua tiếp xúc, 100% ý kiến của cử tri được tiếp nhận và trả lời thỏa đáng, tạo sự đồng thuận và đánh giá cao của nhân dân. Bên cạnh đó, các cấp ủy còn tổ chức hội nghị “Đối thoại giữa Đảng, chính quyền với nhân dân”, “Diễn đàn lắng nghe ý kiến nhân dân” để kịp thời giải quyết thỏa đáng những nguyện vọng chính đáng, hợp pháp, nhất là trong công tác tiếp nhận, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của nhân dân, góp phần củng cố mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, nhà nước với nhân dân.
Theo Ban Dân vận Tỉnh ủy, hiệu quả của công tác dân vận thể hiện rõ nét nhất thông qua phong trào “Dân vận khéo”, “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”. Trong đó phong trào thi đua xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh đã mang lại hiệu quả thiết thực, với sự tham gia tích cực của người dân (hiến đất làm đường, đóng góp ngày công xây nhà, làm đường, sửa cầu; thi đua tăng gia sản xuất, nâng cao chất lượng nông sản…). Toàn tỉnh hiện có 50/119 xã được công nhận đạt chuẩn “Xã nông thôn mới” (đạt 42,02%); có 7 xã đạt 15 - 18 tiêu chí, 37 xã đạt 10 - 14 tiêu chí và 25 xã đạt 5 - 9 tiêu chí. Bên cạnh đó, đông đảo cán bộ, công chức, nhân dân tham gia phong trào thi đua “Dân vận khéo” và “Dân vận khéo trong xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” tạo khí thế thi đua sôi nổi ở các cấp, ngành, địa phương. Đến nay, toàn tỉnh có gần 2.600 mô hình đăng ký thực hiện ở 2 nhóm danh hiệu, với gần 1.800 mô hình tập thể và trên 800 mô hình cá nhân. Thông qua các phong trào đã góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân, thay đổi bộ mặt vùng nông thôn.
Song song đó, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở; tập trung tuyên truyền, vận động các tầng lớp nhân dân chấp hành tốt các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của nhà nước, tham gia góp ý xây dựng chính quyền, xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Nhờ đó, các phong trào thi đua yêu nước, nhất là phong trào đóng góp quỹ “Vì người nghèo” được các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia. Ban Dân vận các cấp tăng cường công tác ở cơ sở, thường xuyên gặp gỡ, thăm hỏi các chức sắc, chức việc các tổ chức tôn giáo, người có uy tín trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần củng cố vững chắc khối đại đoàn kết toàn dân tộc./.
(baoangiang.com.vn)