Thứ Ba, 24/12/2024
Lễ trao Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII - năm 2018

Tới dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ; Nông Đức Mạnh, nguyên Tổng Bí thư; Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Chủ tịch Quốc hội; Trần Quốc Vượng, Thường trực Ban Bí thư; các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng: Phạm Minh Chính, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương; Võ Văn Thưởng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương; Nguyễn Văn Bình, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương; các đồng chí Bí thư Trung ương Đảng: Nguyễn Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao; Phan Đình Trạc, Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Nguyễn Xuân Thắng, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; các đồng chí ủy viên BCH Trung ương Đảng, lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương...


 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng
trao giải thưởng cho các tác giả có bài dự thi đoạt giải A

Phát biểu tại Lễ trao Giải, trong không khí phấn khởi kỷ niệm 94 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam, thay mặt Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trân trọng gửi lời chúc mừng tốt đẹp nhất và đánh giá cao những đóng góp to lớn của các thế hệ người làm báo trong cả nước, đặc biệt nhiệt liệt chúc mừng các nhà báo vinh dự được nhận giải thưởng Báo chí quốc gia năm 2018.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân phúc nhấn mạnh, trong suốt quá trình hình thành và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, với sự ủng hộ, giúp đỡ của các tầng lớp nhân dân, báo chí cách mạng Việt Nam không ngừng lớn mạnh, trưởng thành, luôn đồng hành cùng đất nước và đóng góp to lớn cho sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Đảng, của dân tộc ta.

Thủ tướng đánh giá, trong những năm qua, báo chí nước nhà đã bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, phản ánh sinh động mọi mặt đời sống chính trị, kinh tế, xã hội; tích cực tuyên truyền những giá trị tốt đẹp, nhân tố mới, mô hình và cách làm hay, biểu dương tấm gương người tốt, việc tốt; đưa hình ảnh đất nước, con người Việt Nam thân thiện, hòa bình, hữu nghị đến với bạn bè thế giới. Các nhà báo là những chiến sỹ xung kích đi đầu trên mặt trận đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, xuyên tạc, góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, cũng như bảo vệ Đảng, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa; tích cực đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; phê phán những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống trong xã hội, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh của đất nước thời gian qua.

Đề cập đến những yêu cầu đối với đội ngũ người làm báo của nền báo chí cách mạng Việt Nam, Thủ tướng đề nghị Báo chí cách mạng Việt Nam cần phát huy những giá trị cốt lõi của mình về tính cách mạng và tiên phong. Báo chí phải thể hiện, phản ánh trung thực về một đất nước Việt Nam đang phát triển năng động, đổi mới; môi trường sống an toàn, thân thiện, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, uy tín và vị thế trên trường quốc tế tiếp tục được nâng cao.

Thủ tướng nhấn mạnh: Thông tin tích cực phải là dòng chủ lưu chính trên báo chí, dù viết về tham nhũng, tiêu cực, cũng phải trên tinh thần đấu tranh, xây dựng; chú trọng tuyên truyền những mặt tốt, mặt tích cực, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, làm lan tỏa những giá trị tốt đẹp, tạo niềm tin, sự đồng thuận trong xã hội, góp phần khơi dậy và nuôi dưỡng khát vọng về một đất nước Việt Nam hùng cường, giàu mạnh. Báo chí cần tăng cường phát hiện, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, “tự diễn biến”, sự suy thoái chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và những biểu hiện tiêu cực khác trong đời sống, nhất là trong cán bộ, đảng viên.

Cho rằng tình trạng thông tin thiếu kiểm chứng, xuyên tạc, xấu độc, thông tin giả mạo gây hại cho xã hội trên mạng xã hội đang ngày càng gia tăng, có nguy cơ lấn át thông tin chính thống, Thủ tướng đề nghị: "Hơn lúc nào hết, báo chí phải thể hiện những nguyên tắc cơ bản của nghề báo: Chính xác – chính thống – nhanh nhạy – có kiểm chứng, khẳng định vai trò dẫn dắt, định hướng thông tin của báo chí".

Nhân dịp này, Thủ tướng cũng đề nghị Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp chặt chẽ với các cơ quan quản lý và cơ quan báo chí quán triệt và triển khai thực hiện hiệu quả Quy hoạch báo chí nhằm xây dựng nền báo chí cách mạng chuyên nghiệp, hiện đại, lành mạnh, góp phần định hướng tư tưởng, nâng cao dân trí, giữ gìn bản sắc và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong giai đoạn mới.

Thủ tướng mong muốn, phát huy những kết quả tốt đẹp đạt được qua 13 lần tổ chức, trong thời gian tới, Hội Nhà báo Việt Nam tiếp tục đổi mới, tổ chức tốt hơn nữa Giải Báo chí quốc gia hàng năm, nâng tầm của Giải cả về quy mô và chất lượng tác phẩm; thu hút ngày càng nhiều những tác phẩm báo chí xuất sắc cả về nội dung tư tưởng và hình thức thể hiện; tôn vinh và động viên khen thưởng kịp thời, xứng đáng các hội viên, nhà báo. Đảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, ủng hộ và tiếp tục có các cơ chế, chính sách phù hợp, tạo điều kiện cho báo chí phát triển theo đường lối, chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Chúc mừng thành công của Giải Báo chí quốc gia năm 2018 và chúc mừng các tác giả đoạt giải thưởng lần này, Thủ tướng cũng đề nghị đội ngũ những người làm báo chủ động, tích cực lắng nghe từ cơ sở, bám sát hơi thở cuộc sống, phát hiện những nhân tố mới, mô hình hay, kinh nghiệm tốt để đóng góp thiết thực vào thành công Đại hội Đảng các cấp, tiến tới Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.  

Trình bày báo cáo tổng kết Giải Báo chí quốc gia lần thứ XIII - năm 2018, đồng chí Thuận Hữu - Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia nhấn mạnh: “Các tác phẩm được chọn trao giải là những tác phẩm tiêu biểu về nội dung và hình thức, có tính định hướng dư luận xã hội, nhiều tác phẩm đã cho thấy hiệu quả tác động xã hội tốt, được các cơ quan chức năng tiếp thu, giải quyết, dư luận xã hội đánh giá cao về vai trò phát hiện, phản biện, đấu tranh phê phán cũng như biểu dương, xây dựng của báo chí”.

Để chọn lọc các tác phẩm xứng đáng được giải với đội ngũ hơn 36.000 người đang làm việc trong lĩnh vực báo chí, gần 850 cơ quan báo chí trong cả nước, các nhà báo đã không quản ngại khó khăn, gian khổ, ở bất kỳ lĩnh vực nào, bất cứ nơi đâu trên mọi miền đất nước đều có dấu chân không mệt mỏi của các nhà báo, tất cả vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho nhân dân.

Giải đã thu hút hơn 1.800 tác phẩm tham dự từ khắp nơi trên cả nước, ở mức cao nhất trong 13 năm qua. Mặt bằng chất lượng chung các tác phẩm dự giải đồng đều hơn, nhất là sự vươn lên của các Hội Nhà báo tỉnh, thành phố với sự tham gia tích cực về số lượng, chất lượng báo chí các địa phương cũng đã được nâng lên rõ rệt. Đặc biệt, tất cả 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố có tác phẩm dự giải, đã khẳng định hiệu quả và sức thu hút của giải đối với hội viên. Số lượng tác phẩm chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, đấu tranh chống các thế lực thù địch chiếm tỷ lệ lớn, với các loạt bài dài kỳ được đầu tư bài bản, công phu.

Năm nay, Ban tổ chức đã nhận được 1.810 tác phẩm, trong đó có 1.671 tác phẩm đủ điều kiện dự Giải theo quy định, cao hơn so với năm 2016, tương đương 2017. Trong số 147 tác phẩm được vào chung khảo, Hội đồng đã chọn được 106 tác phẩm bảo chí xuất sắc, gồm: 6 giải A, 24 giải B, 42 giải C và 34 giải Khuyến khích.

Về chất lượng các tác phẩm dự Giải, Hội đồng đánh giá, năm nay nhiều đề tài được đầu tư công phu, bài bản, với việc các tác phẩm nhiều kỳ (nhất là báo in) chiếm tỉ lệ ngày càng cao. Đối với báo điện tử, hình thức thể hiện mới được sử dụng ngày càng nhiều, như longform, megastory...

Tại buổi lễ, Ban Tổ chức đã trao giải thưởng cho các tác giả của 106 tác phẩm báo chí xuất sắc được vinh danh.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác