Thứ Ba, 24/12/2024
‘Xã hội ảo phản ánh xã hội thật’

Nhân dịp ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 và bài viết “Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam” của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Tuần Việt Nam xin giới thiệu bài viết của Nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp, .

Tôi đánh giá cao bài viết "Truyền thông xã hội đối với ổn định chính trị, xã hội ở Việt Nam" của Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng.

Bài viết nhìn nhận rất đúng rằng, “hệ sinh thái” mạng xã hội đã hình thành tầng lớp KOLs (Key Opinion Leader), influencers là những người có “thương hiệu” hoặc là người bình thường mà thông tin, quan điểm nêu ra có sức thu hút, ảnh hưởng, được “cư dân mạng” chia sẻ, khuếch tán nhanh trên phạm vi rộng. Họ đa phần là những chủ thể tích cực góp phần tạo nên đời sống thông tin lành mạnh. Nhưng, cũng đã lộ diện những KOLs, influencers có động cơ không tốt, bất mãn, thậm chí từng vi phạm pháp luật nhưng lại biết khơi gợi những cảm xúc xấu xa; lạm dụng “quyền lực bàn phím”, luôn tìm cách điều hướng dư luận; tấn công doanh nghiệp nhằm trục lợi; đe dọa, xúc phạm cá nhân, tổ chức…

Chúng ta không thể phủ nhận mạng xã hội đang bùng nổ không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới. Gần đây, tôi được biết rằng, tổng doanh thu trực tuyến ở Việt Nam đạt tới 550 triệu USD Năm 2018 và dự kiến đạt 630 triệu USD năm 2019 này. Điều đáng nói là doanh thu của Google và Facebook chiếm phần lớn doanh thu này. Trong khi đó, tỷ lệ doanh thu trực tuyến của các cơ quan báo chí giảm xuống 31% năm 2018 và tiếp tục giảm xuống 29% năm 2019, giảm rất nhanh so với 81% của 2010. Đây là thách thức lớn đối với báo chí nước nhà.

‘Xã hội ảo phản ánh xã hội thật’
Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Lê Doãn Hợp: ‘Xã hội ảo phản ánh xã hội thật’.

Trên thế giới có nhiều giải pháp chống thông tin xấu độc mà chúng ta cần học hỏi. Tôi tạm liệt kê:

Thứ nhất, quản lý báo chí trên môi trường mạng, khoa học công nghệ. Cái gì báo chí chính thống không theo kịp thì mạng xã hội sẽ bổ sung. Vì vậy báo chí truyền thống phải bám sát đời sống xã hội.

Thứ hai, hệ thống pháp luật phải hoàn chỉnh hơn, luật pháp phải tạo ra khung pháp lý ủng hộ người tốt, thông tin tốt; nhưng ngược lại cũng phải răn đe người không tốt, xử lý người đưa tin xấu, độc.

Thứ ba là nâng cao dân trí để phòng vệ bản thân trên mạng xã hội. Việc tìm hiểu thông tin trên mạng cũng phải tự phòng vệ, trình độ khác nhau sẽ có những nhận thức khác nhau vì vậy nâng dân trí sẽ là cách phòng vệ tốt nhất.

Thứ tư, mỗi cá nhân đều phải có ý thức ngăn chặn và phản bác cái xấu một cách có lý, có tình giàu sức thuyết phục. Chúng ta không thờ ơ trước mạng xã hội nhưng nếu chúng ta không có cách ứng xử điềm tĩnh, trí tuệ, khoa học trước thông tin từ mạng xã hội thì cũng không thể đẩy lùi được thông tin xấu độc.

Tuy nhiên, ngoài chuyện thách thức từ mạng xã hội, tôi muốn nhấn mạnh đến cơ hội. Báo chí chúng ta có lợi nhiều hơn trong tương quan với sự phát triển của mạng xã hội. Nếu chỉ đề cập đến thách thức từ mạng xã hội thì chúng ta phải luôn bị động đối phó; còn nếu nói cơ hội, báo chí sẽ biết cách đóng vai trò làm chủ trước mạng xã hội. Vai trò của báo chí đối với xã hội phải là chủ đạo. Báo chí phải đưa thông tin nhanh, chính xác, kịp thời. 

Đáng tiếc là nhiều sự kiện gần đây, báo chí chúng ta đưa tin quá chậm. Nhiều sự kiện được người dân cả nước quan tâm mà được báo chí đưa tin chậm tới cả mấy ngày. Như vậy là rất không nên là thua kém trước mạng xã hội.

Báo chí phải có các bài viết sâu hơn, đa chiều hơn so với mạng xã hội. Báo chí bình luận, phân tích chính là định hướng dư luận xã hội. Khi còn làm Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, tôi lo ngại nhất là thiếu thông tin và nhiễu thông tin. Tất cả các trường hợp nhiễu thông tin đều do thiếu thông tin, thông tin không được cung cấp, hay cung cấp không kịp thời. Báo chí cần có các bài phản bác, thuyết phục hơn nữa, phân tích sâu sắc thuyết phục sẽ giúp định hướng dư luận tốt hơn. Báo chí thời đại Internet phải tự chủ cao và sáng tạo cao hơn. Chúng ta phải chịu trách nhiệm về thông tin của mình.

Ở Việt Nam, báo chí vừa là tiếng nói của Đảng, vừa là diễn đàn của nhân dân. Vế thứ hai báo chí chúng ta làm chưa tốt. Tôi nhớ, một lãnh đạo cao cấp của Trung Quốc đóng cửa mấy ngày để xem truyền hình trung ương. Ông nhận xét,  hơn 70% thời lượng là đưa tin về đường lối, chủ trương, các sự kiện của lãnh đạo đảng và nhà nước, lượng thông tin về nhân dân rất ít. Ông muốn điều ngược lại, làm sao để đến giờ thời sự, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cần ngồi trước tivi để biết được nhân dân nói cái gì, mong muốn điều gì để làm cho dân. Chúng ta cần có tỷ lệ cân bằng để thông tin đáp ứng cả hai chiều vì dân và vì Đảng.

Xã hội ảo chính là phản ánh xã hội thật, vì thế rất nhiều vấn đề trong xã hội ảo phải được giải quyết từ xã hội thật. Báo chí công dân gây áp lực làm báo chí chúng ta phải nhanh nhạy hơn.

Nghề báo có nhiều lợi thế. Làm báo phải rất sáng tạo. Báo chí là quyền lực thứ 4, ai cũng nói rồi. Nhà báo vừa có danh, có thế, có lực, chẳng có nghề nào được như thế.  Các nhà báo chân chính nếu biết gắn kết sẽ chống tiêu cực tốt hơn. Nghề báo chí cũng là nghề lan tỏa tốt, khuyếch tán nhanh, hội tụ mau trong thời đại toàn cầu hóa.

Ngài Phó Chủ tịch Google có nói một câu rất thực tiễn: “Sự nghiệp của chúng tôi chỉ làm một việc là tập hợp tất cả văn minh của loài người, phân loại và đưa đến cho người đọc nhanh nhất”. Báo chí có thể làm giàu từ chính tín nhiệm của tờ báo, tín nhiệm trong lòng độc giả. Vì vậy, muốn làm giàu phải có tín nhiệm. Đó là thương hiệu của tờ báo, tín nhiệm của Tổng biên tập, của phóng viên và biên tập viên. Mỗi nhà báo phải trở thành một thương hiệu và 17.000 nhà báo trở thành 17.000 thương hiệu thì đủ sức dẫn dắt dư luận xã hội rất tốt.

Báo chí là công cụ của Đảng và Nhà nước cũng cần có sự đóng góp, hỗ trợ của Nhà nước cho báo chí. Theo tôi “xoá bao cấp là xoá những cái cần xoá để có tiền bao cái cần bao”. Cho nên báo chí, xuất bản hay một số ngành nghệ thuật phải bao. Phải coi phóng viên là công chức truyền thông. Trên thế giới những tác phẩm “xấu” đối với chúng ta thì được tài trợ đưa vào Việt Nam rất nhanh, còn ở Việt Nam rất nhiều tác phẩm hay nhưng tác giả nghèo nên không đưa ra được với công chúng. Chúng ta cần có quỹ xuất bản để tài trợ cho các tác phẩm tốt sớm đến với công chúng nhiều hơn.

Một lần tôi sang Úc và hỏi Bộ trưởng Truyền thông, ai quản lý báo chí. Họ bảo không có cơ quan nhà nước nào quản lý báo chí, dân quản lý báo chí. Nhà báo viết hay, viết tốt thì dân mua; viết sai thì dân kiện. Nhà nước xử nghiêm.

Tôi mong, các nhà báo phát huy hết các lợi thế của mình, có trách nhiệm xã hội cao hơn; trong tác nghiệp luôn thấm nhuần 6 chữ: Trung thực, Khách quan, Hướng thiện.

Lê Doãn Hợp, Nguyên Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông/vietnamnet.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi