Thứ Ba, 24/12/2024
Nhà giàn DK1 kỷ niệm 30 năm ngày thành lập và đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì

 Quá khứ oai hùng

Sáng 5/7, tại Căn cứ quân sự Long Sơn thành phố Vũng Tàu tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu, Tiểu đoàn DK1  phối hợp với Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm ra đời phát triển trưởng thành và đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc hạng Nhì.

 
Ban chỉ huy DK1 nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì 


Dự lễ kỷ niệm có Chuẩn Đô đốc Phạm Xuân Điệp, nguyên Phó Tư lệnh Quân chủng Hải quân; các tướng lĩnh quân đội đã công tác tại Vùng 2; Chính ủy Vùng 2- Chuẩn đô đốc Nguyễn Phong Cảnh, Tư lệnh Vùng Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, các thế hệ sĩ quan, chiến sĩ, quân nhân chuyên nghiệp đã, đang làm nhiệm vụ tại các nhà giàn DK1 trong suốt 30 năm qua; đại diện các đơn vị quân đội đóng quân trên địa bàn và nhân dân xã đảo Long Sơn.

Thay mặt Đảng ủy chỉ huy và hơn 200 cán bộ chiến sĩ cùng thế hệ người lính đã “sinh tử” với nhà giàn 1/3 thế kỷ qua, Thiếu tá Nguyễn Trung Dũng, Phó Bí thư Đảng ủy, Tiểu đoàn trưởng tiểu đoàn DK1 đã ôn lại truyền thống quá trình ra đời, xây dựng nhà giàn giữa biển khơi, sự cống hiến và thầm lặng làm nhiệm vụ của cán bộ chiến sĩ, sự kiên cường bám trụ nơi đầu sóng ngọn gió với bao khó khăn gian khổ “chia nhau từng ca nước ngọt, nhường nhau từng nắm rau xanh” với nỗi nhớ đất liền luôn canh cánh trong lòng; đặc biệt sự chiến đấu chống chọi với bão tố cuồng phong và anh dũng hi sinh của 10 liệt sĩ. Tất cả tinh thần và nghị lực, ý chí và hành động, sự cống hiến và hi sinh thầm lặng cao cả ấy, đều nhằm mục tiêu bảo vệ nhà giàn DK1 mãi mãi trường tồn bất tử trên biển Đông. Công lao to lớn và sự hi sinh thầm lặng cống hiến tuổi xuân cho sự vững chãi trường tồn của mỗi nhà giàn DK1 trong 30 năm qua, không những là sứ mệnh thiêng liêng của người lính biển thời bình lặng im tiếng súng, mà còn thể hiện tình yêu, nghĩa cử, trách nhiệm  đối với biển đảo của Tổ quốc.

Mỗi nhà giàn DK1 đang hiện diện giữa biển Đông, là mỗi cột mốc chủ quyền mang hồn thiêng dân tộc, cán bộ chiến sĩ trên mỗi nhà giàn ấy là “bia chủ quyền sống”. “Những thành tích lớn lao và sự hi sinh anh dũng của 10 cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 trong suốt 30 năm qua chính là nguồn cội, là tình yêu cao hơn hết thảy đối với biển đảo của Tổ quốc. Sự hi sinh thầm lặng và dâng hiến quên mình của ngày hôm qua đã trở thành sức mạnh, để thế hệ bộ đội nhà giàn hôm nay tiếp bước, tiếp tục bảo vệ vững chắc những “cột mốc chủ quyền” trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc”, Thiếu tá Dũng nhấn mạnh.

Thay mặt Đảng ủy Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng, Tư lệnh Vùng đã biểu dương, ghi nhận thành tích của DK1 qua 30 năm xây dựng và trưởng thành. Trong giờ phút trang trọng, Chuẩn đô đốc Phạm Khắc Lượng cũng kêu gọi cán bộ chiến sĩ nhà giàn DK1 phát huy truyền thống đơn vị anh hùng, tiếp tục phấn đấu, cống hiến sức lực, quyết tâm bảo vệ vững chắc chủ quyền vùng biển được phân công, để mỗi nhà giàn DK1 là một pháo đài vững chắc canh đường biên trên biển của Tổ quốc trong thời kỳ mới.

Nước mắt tự hào chen lẫn niềm đau

Tại lễ kỷ niệm có nhiều nhân chứng lịch sử sống sót trở về trong các cơn bão cuồng phong như anh Hoàng Văn Thuỷ- nguyên chiến sĩ báo vụ nhà giàn Phúc Nguyên 2A; Thiếu tá chuyên nghiệp Hồ Thế Công, cựu binh Trung tá Trần Văn Dũng, Trung tá Bùi Xuân Bổng. Thân nhân, vợ con của các liệt sĩ cũng có mặt trong lễ kỷ niệm này như chị Vương Thị Trâm - vợ của liệt sĩ Dương Văn Bắc, ông Vũ Quang Dương, bố của liệt sĩ Anh hùng LLVTND Đại uý Vũ Quang Chương...

Đã 21 năm trôi qua kể từ đêm cơn bão Fathes đánh sập nhà giàn Phúc Nguyên 2 A, nhấn chìm 1 sĩ quan và 2 quân nhân chuyên nghiệp xuống biển, anh Thuỷ vẫn nhói lòng khi nhắc lại quá khứ đau thương ngày ấy. “Bão đổ vào nhà giàn lúc nửa đêm. Sóng dựng như quả núi. Đói và rét vô cùng. Biết không trụ được trước sóng ngày càng lớn, anh Chương đã chỉ huy chúng tôi rời nhà giàn và nhảy xuống sau cùng. Lúc đó không ai nghĩ mình sẽ sống. Trong phút giây sinh tử ấy, tôi gọi điện về đài canh Hải phòng nhờ chuyển lời chào vĩnh biệt đất liền, bố mẹ ở Nghện An rồi nhảy xuống biển. Giữa đêm đen, chúng tôi tìm nhau, gọi tên nhau, cố chống chọi với sóng gió để sống. Anh Chương, đồng chí Nguyễn Văn An, Lê Đức Hồng hi sinh trong trận bão này. 30 năm gặp lại, kể chuyện vụ nhà giàn Phúc Nguyên 2 A bị đánh sập, không kìm được nước mắt”,- giọng anh Thuỷ nghẹn đi vì xúc động.

 
Nhà giàn DK1 vững vàng giữa bạt ngàn sóng gió


Vượt hơn 400 cây số đến từ Đăk Lăk, cha người anh hùng liệt sĩ Đại uý Vũ Quang Chương - ông Vũ Quang Dương đem theo tấm ảnh con trai. Tấm ảnh đen trắng đã ngả màu và nhiều chỗ rỗ lấm tấm. Ông Dương bỏ trong túi áo ngực. 7 năm trước, ông đến Bộ Tư lệnh Vùng 2 để nhận Danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho con trai, lần này ông đến dự lễ kỷ niệm 30 năm DK1 với tư cách thân nhân liệt sĩ.

21 năm qua kể từ ngày nhận giấy báo tử con trai hi sinh, ông Chương vẫn tâm niệm một điều con trai ông còn sống. Dẫu điều đó là không thể, song tình thương con của người cha, ông vẫn hi vọng. Trong niềm xúc động chen lẫn tự hào, ông kể về tuổi thơ của anh Chương, chuyện ông xin nhành san hô đặt lên bàn thờ coi đó là xương cốt con trai thắp hương mỗi ngày, chuyện những ước vọng của anh Chương khi còn quân ngũ, và cả chuyện anh Chương chưa có người yêu trước lúc hi sinh: “Dù có 21 năm chứ bao lâu đi nữa tôi cũng không nguôi được. Tôi biết con tôi hi sinh là nỗi đau không gì bù đắp được, nhưng đó cũng là niềm vinh quang cho gia đình. Nếu không có những hi sinh mất mát, ai là người bảo vệ nhà giàn” ông Chương, chia sẻ

Suốt trong Lễ kỷ niệm, có một phụ nữ ngồi cuối dãy bàn dẫn theo con nhỏ mắt đỏ hoe chực khóc. Người phụ nữa ấy là Vương Thị Trâm, vợ của liệt sĩ Đại uý Dương Văn Bắc.

Cũng như nhiều thân nhân khác đến dự lễ kỷ niệm DK1 tròn tuổi 30, chen lẫn niềm vui là nỗi lòng trăn trở của người vợ liệt sĩ goá bụa. Chị Trâm không trải lòng về nỗi đau mất chồng, nỗi buồn nuôi con một mình vò võ, mà nói về sự hi sinh thầm lặng và chí khí chống chọi với bão tố cuồng phong của bộ đội DK1. “Đã là bộ đội thì nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải đặt lên hàng đầu. Càng bộ đội DK1 càng coi đó là nhiệm vụ thiêng liêng. Vẫn hiểu thời bình lặng im tiếng súng, sự hi sinh là thiệt thòi, mất mát lớn lao, nhưng nếu không có các anh bảo vệ biển đảo, thì đất liền làm gì có giây phút yên bình. Chồng tôi cũng như bao liệt sĩ khác, hi sinh để nhà giàn trường tồn bất tử thì đó là sự hi sinh cao cả vì nghĩa lớn, vì Tổ quốc”, chị Trâm chia sẻ

Hỏi về cuộc sống hiện tại, người vợ liệt sĩ của hai con nhỏ dãi bày, sau khi anh Bắc hi sinh, chị được đơn vị tuyến vào làm trong quân đội theo chế độ “tạo công ăn việc làm cho thân nhân liệt sĩ”. Hiện chị Trâm đang làm kế toán cho Chi đội Kiểm ngư 2. Theo chế độ con liệt sĩ, hai con trai chị được hưởng trợ cấp đến năm 18 tuổi. Trong căn nhà cấp bốn cuối hẻm sâu ở  đường 30-4 phường 12 Vũng Tàu lúc nào cũng “trống vắng”, ba mẹ con đùm bọc nuôi nhau. Mỗi lần có đồng đội đến thắp hương cho chồng, chị Trâm lại đem những kỷ vật cho đồng đội xem như để sẻ chia bớt niềm đau đã lùi vào dĩ vãng. “Anh Bắc hi sinh gần chục năm rồi nhưng quả thật em không nguôi được. Mỗi lần gió bão, em lại nghĩ ngày đưa thi thể anh từ biển trở về. Hai con em cứ hỏi “bố chết rồi phải không mẹ”, lúc đó em chỉ muốn khóc”, chị Trâm chia sẻ.

Tiểu đoàn DK1 thành lập ngày 5/7/1989 với tên gọi đầu tiên là Cụm Kinh tế- Khoa học-Dịch vụ (gọi tắt là DK1) để đáp ứng yêu cầu bảo vệ chủ quyền, biển, đảo, thềm lục địa của Tổ Quốc trong tình hình mới. Nhà giàn xa đất liền nhất là Ba Kè C, cách đất liền khoảng 630km, nhà giàn DK1/10 (Bãi cạn Cà Mau tỉnh Cà Mau) cách Vũng Tàu gần 700km, nhưng cách mũi Cà Mau chỉ 110 hải lý, tương đương gần 200km, cách An Giang 385km.  

30 năm thành lập, xây dựng chiến đấu và trưởng thành, thế hệ cán bộ chiến sĩ đã làm nên truyền thống “Đoàn kết hiệp đồng, khắc phục khó khăn, kiên trì cảnh giác, giữ vững chủ quyền”. Thành tích nổi bật nhất 30 năm qua là hơn 2.000 tập thể, cá nhân được tặng bằng khen, giấy khen, chiến sĩ thi đua, chiến sĩ tiên tiến. Năm 2005, tiểu đoàn DK1 đã vinh dự được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ đổi mới. Có 10 liệt sĩ hi sinh, trong đó 6 liệt sĩ vĩnh viễn nằm lại biển khơi.

Tháng 12/2013, liệt sĩ - Đại úy Vũ Quang Chương, chỉ huy trưởng nhà giàn DK1/6 được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều phần thưởng cao quí khác. Và dịp kỷ niệm 30 năm này, Tiểu đoàn DK1 được vinh dự đón nhận Huân chương bảo vệ Tổ quốc Hạng Nhì 

 
Tin và ảnh: Mai Thắng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi