Chủ Nhật, 29/12/2024
Nhanh chóng triển khai gói hỗ trợ an sinh xã hội tới người hưởng

Nhóm lao động tự do cũng cần sự hỗ trợ để vượt qua ảnh hưởng của đại dịch Covid-19
(Ảnh minh họa)


Khoản hỗ trợ đến tay người dân trong tháng 4

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19. Theo đó, khoảng 20 triệu người bị đại dịch này ảnh hưởng sẽ được thụ hưởng gói hỗ trợ an sinh xã hội với kinh phí hơn 62 nghìn tỷ đồng.

Theo Bộ trưởng Lao động, Thương binh và Xã hội, Đào Ngọc Dung, riêng trong quý I năm nay, đã có 153 nghìn người nộp hồ sơ hưởng chính sách bảo hiểm thất nghiệp. Đời sống người lao động (NLĐ), nhất là lao động trong các khu vực du lịch, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và lực lượng lao động tự do rất khó khăn. Phần đông đã phải nghỉ việc. "Ngành lao động - thương binh và xã hội đã tiến hành đánh giá, khảo sát tại các đơn vị, cơ sở. Nếu dịch bệnh cứ tiếp tục như thế này, tỷ lệ thất nghiệp và thiếu việc làm, mất việc làm trong tháng 4 và tháng 5 sẽ là khoảng 2,5 triệu người. Nếu dịch tiếp tục bùng phát, số lao động mất việc, thiếu việc làm, thậm chí thất nghiệp, sẽ nên dẫn đến khoảng 3,5 - 4 triệu người”, ông Dung bày tỏ.

Nghị quyết về các biện pháp hỗ trợ người dân gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 là gói hỗ trợ rất toàn diện, thể hiện được vai trò “bà đỡ” của Nhà nước. Qua đó, góp phần khẳng định chủ trương hết sức nhân văn của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội Việt Nam, hướng tới thực hiện mục tiêu kép. Gói hỗ trợ 62 nghìn tỷ đồng là khoản ngân sách không nhỏ, chưa từng có tiền lệ và mang tính cấp bách dành cho người dân và doanh nghiệp (DN), giúp chia sẻ bớt gánh nặng khó khăn.

Để triển khai rất nhanh nhất chính sách này đến tay người thụ hưởng, ông Đào Ngọc Dung cho biết, trong tháng 4, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội áp dụng ngay với với một số đối tượng như: người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, bảo trợ xã hội... Còn đối tượng thụ hưởng từ chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH), có thể áp dụng ngay trong tuần này, khi Thủ tướng ký quyết định về tiêu chí và cách làm đầy đủ.

Địa phương nào chậm nhất cũng chỉ có thể kéo dài việc hỗ trợ nhóm đối tượng trên tới đầu tháng 5 năm 2020. “Tôi nghĩ đây là một tin rất vui với những người dân đang chờ mong gói hỗ trợ này", ông Đào Ngọc Dung nhận định.

Hỗ trợ lao động tự do như thế nào?

Một vấn đề đặt ra là, việc triển khai gói hỗ trợ hơn 62 nghìn tỷ đồng phải bảo đảm đúng đối tượng trong thời gian sớm nhất, không để lòng vòng, không để độ trễ trong thực hiện chính sách.

Đánh giá về bảy nhóm đối tượng được thụ hưởng chính sách, ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng, các nhóm đối tượng như người có công, người nghèo, đối tượng bảo trợ xã hội đang nhận trợ cấp xã hội hằng tháng, đối tượng là lao động có hợp đồng tương đối dễ rà soát. Tuy nhiên, nhóm lao động không có giao kết hợp đồng lao động (hay còn gọi là lao động tự do) bị mất việc làm hiện nay rất đông, nhưng lại khó xác định chính xác.

Thực tế, lao động tự do di cư nhiều nơi, làm nhiều nghề, chỗ ở không ổn định… Vì vậy, để không bỏ sót, không trùng lặp đối tượng, các địa phương phải vào cuộc tích cực, phối hợp triển khai rà soát đối tượng lao động tự do. "Trong nhóm lao động tự do, tôi cho rằng đối tượng nên ưu tiên được thụ hưởng chính sách là người bán hàng rong, lao động thu gom rác, người làm nghề bốc vác, người bán vé số lưu động, NLĐ tại các cơ sở dịch vụ ăn uống, lưu trú…", ông Lợi nói.

Ông Bùi Sỹ Lợi cho rằng, việc rà soát các đối tượng thụ hưởng cũng cần quan tâm đến NLĐ thuộc các đơn vị sự nghiệp đã chuyển đổi thành đơn vị tự chủ, tự chịu trách nhiệm và những cơ sở giáo dục ngoài công lập. Hiện tại, đời sống của những đối tượng này đang gặp nhiều khó khăn.

Nếu dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, theo ông Lợi, thời gian tới, có thể có một bộ phận lao động ở khu vực nông nghiệp, nông thôn bị tác động sâu, nhưng không nằm trong hộ nghèo, cận nghèo, bảo trợ xã hội. Nhóm này phải do chính quyền các địa phương nghiên cứu, xem xét, tổng hợp, thống kê để tránh bỏ sót.

Về tổng thể, việc triển khai gói an sinh xã hội đòi hỏi phải có sự vào cuộc tích cực, chủ động của tất cả các bên liên quan, bảo đảm tinh thần nhất quán là “Không để ai bị bỏ lại phía sau”.

 

“Với nguồn kinh phí lớn, đối tượng đa dạng, để đồng tiền hỗ trợ không đi “lạc đường”, việc triển khai gói an sinh xã hội cần linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với đặc thù từng địa phương", ông Lợi cho hay.

Do đó, trước tiên các cấp, ngành chức năng, trực tiếp là Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cần xây dựng rõ tiêu chí để xác định, khoanh vùng các nhóm đối tượng, nhất là nhóm lao động tự do. Tiêu chí này phải thống nhất từ Trung ương đến địa phương, tuyệt đối không được bỏ sót hoặc trùng lặp, phải rõ ràng đến từng ngành, nghề, lĩnh vực, địa phương…

Theo ông Lợi, chính quyền địa phương phải nắm rõ đối tượng lao động tự do trên địa bàn, căn cứ vào đó tiến hành tổng hợp, thống kê, lên danh sách và công khai để toàn dân được biết.

Đặc biệt, sau khi công khai danh sách này, mỗi người dân sẽ là một người giám sát để bảo đảm sự công bằng cao nhất trong cộng đồng dân cư. Ngoài ra, các địa phương cần đánh giá mức độ ảnh hưởng đến lao động tự do trên cơ sở theo dõi sát sao diễn biến thị trường lao động trong thời gian gần đây.

 

Còn ông Đào Ngọc Dung khẳng định, khó mấy vẫn phải làm. “Chúng tôi đang dự thảo đã liệt kê dự kiến gồm có một số nhóm lao động cơ bản bao gồm: bán hàng rong, xe ôm, những người thu rác, bán vé số… Việc thống kê danh sách của nhóm đối tượng trên cần triển khai đồng bộ qua hệ thống DN và việc xác nhận của chính quyền địa phương. Quy trình thực hiện hỗ trợ có thể chấp nhận thêm thời gian nhất định Có như vậy mới bảo đảm sự minh bạch và công khai.

Theo ông Dung, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sẽ ban hành Thông tư chi tiết hóa một bước nữa chủ trương trên để các địa phương dựa vào đó khảo sát, đánh giá và lên danh sách cụ thể. Vấn đề cuối cùng là quyết tâm thực hiện của chính quyền địa phương tại các cơ sở.

* Bảy nhóm đối tượng được hỗ trợ

1. NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động phải thỏa thuận tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương từ một tháng trở lên do các DN gặp khó khăn bởi đại dịch Covid-19, được hỗ trợ 1,8 triệu đồng/người/tháng. Thời gian hỗ trợ không quá ba tháng theo thời gian thực tế.

2. Người sử dụng lao động có khó khăn về tài chính và đã trả trước tối thiểu 50% lương ngừng việc cho NLĐ trong khoảng thời gian từ tháng 4 - 6 thì được vay không có tài sản bảo đảm tối đa 50% tiền lương tối thiểu vùng đối với từng NLĐ theo thời gian trả lương thực tế, nhưng không quá ba tháng với lãi suất 0%. Thời hạn vay tối đa 12 tháng tại NHCSXH để trả phần lương còn lại và giải ngân trực tiếp hằng tháng đến người bị ngừng việc.

3. NLĐ bị chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp; NLĐ không có giao kết hợp đồng lao động bị mất việc làm được hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng theo hằng tháng, tùy tình hình thực tế của diễn biến dịch, nhưng tối đa không quá ba tháng. Thời gian áp dụng từ tháng 4 - 6.

4. Hộ kinh doanh cá thể có doanh thu khai thuế dưới 100 triệu đồng/năm tạm ngừng kinh doanh từ ngày 1-4-2020 được hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng theo hằng tháng, tùy tình hình thực tế của diễn biến dịch, nhưng không quá ba tháng.

5. Hộ nghèo, hộ cận nghèo, hỗ trợ 1 triệu đồng/hộ/tháng. Chi trả một lần mức hỗ trợ của ba tháng.

6. Người có công với cách mạng, đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Chi trả một lần mức hỗ trợ của ba tháng.

7. Đối tượng bảo trợ xã hội đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng, hỗ trợ 500.000 đồng/người/tháng. Chi trả một lần mức hỗ trợ của ba tháng.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi