Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, chưa tính đến các nạn nhân do sạt lở thủy điện Rào Trăng 3 do địa phương đang xác minh, đến hết ngày 13/10, có 48 người chết và mất tích do mưa lũ ở miền trung, bảy tỉnh khu vực bão số 7 có khả năng đổ bộ đã tổ chức cấm biển.
Cụ thể, có 36 người chết, trong đó có 30 người do bị lũ cuốn; ba thuyền viên tử vong trên biển, ba người bị điện giật do dọn dẹp sau lũ, tăng 8 người do với ngày trước đó. Có 12 người mất tích, trong đó tám người do lũ cuốn và bốn thuyền viên mất tích trên biển.
Thiệt hại nặng nề nhất về người là Quảng Trị với 10 người chết và năm người mất tích. Tiếp đến là Quảng Nam có chín người chết và hai người mất tích; Thừa Thiên Huế có sáu người chết và ba người mất tích; Đà Nẵng có ba người chết và một người mất tích; Quảng Bình và Kon Tum có hai người chết; Gia Lai có một người chết và một người mất tích; các tỉnh Quảng Ngãi, Đắk Lắk, Lâm Đồng có một người chết
Để ứng phó với cơn bão số 7, có bảy tỉnh khu vực bão có khả năng đổ bộ đã tổ chức cấm biển. Cụ thể, Quảng Ninh cấm biển từ 11 giờ ngày 13/10; Hải Phòng từ 18 giờ ngày 13/10; Thái Bình từ 5 giờ ngày 14/10; Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa từ 19 giờ ngày 13/10; Nghệ An từ 15 giờ ngày 13/10.
Cũng theo báo cáo, Hải Phòng đã di dời 90 người ở khu vực nguy hiểm đảo Cát Hải đến nơi an toàn. Có sáu tỉnh đã lên kế hoạch tổ chức di dân khu vực ven biển, vùng trùng thấp. Cụ thể, Thái Bình di dời 3.019 người tại các bãi ngao, đầm thủy sản ven sông, ven biển. Nam Định di dời 1.100 người tại các bãi ngang, chòi canh đầm thủy sản ngoài đê. Ninh Bình di dời 412 người tại khu nuôi ngao Bình Minh III đến Cồn Nổi, dự kiến xong trước 12 giờ ngày 14/10.
Tỉnh Thanh Hóa đã sơ tán 10.824 hộ dân với 46.760 người trong phạm vi cách bờ biển 200m; Nghệ An sơ tán 12.341 hộ dân với 102.112 người.
Theo báo cáo của Bộ đội biên phòng, tính đến 6 giờ ngày 14/10, đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho 31.096 phương tiện tàu thuyền với 115.607 lao động biết để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm. Cụ thể, có 330 tàu với 700 lao động đang hoạt động trên biển, chủ yếu hoạt động ven bờ Quảng Ninh đang di chuyển về bờ. Có 45.805 tàu với 200.767 lao động neo đậu tại các bến.
Về thiệt hại do mưa lũ vừa qua ở miền trung, tính đến 23 giờ ngày 13/10, có 212 xã, phường với 135.329 hộ bị ngập, giảm năm xã so với báo cáo nhanh ngày 12-10), hiện nước đang rút chậm, độ ngập sâu giảm dần.
Có 585 ngôi nhà bị sập đổ, hư hỏng, 135.731 nhà bị ngập. Có 335 điểm trường bị ngập, 27 điểm trường bị hư hại
Về giao thông, có 137 điểm Quốc lộ, 14.737m đường giao thông địa phương bị sạt lở, hư hỏng tại các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Có 19 điểm ngập ở Quảng Bình (ba điểm) và Thừa Thiên Huế (16 điểm). Ngành giao thông đã lập rào chắn, trực điều tiết giao thông và tổ chức khắc phục các sự cố. Hiện tình trạng ngập lụt, sạt lở còn gây ách tắc ở một số vị trí trên các tuyến giao thông chính như: Quốc lộ 1A, 49, 49B (Thừa Thiên Huế); đường Hồ Chí Minh nhánh Tây, Quốc lộ 9 (Quảng Trị); Quốc lộ 9B, Quốc lộ 15 (Quảng Bình). Tuyến đường sắt Hà Nội-Đông Hà chưa thông tuyến. Có 26,3 km bờ biển bị sạt lở.
Về nông nghiệp, có 870 ha lúa, 5.314ha hoa màu bị ngập, vùi lấp; 3.588ha thủy sản bị thiệt hại; 332.350 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi.
Hiện nay, các tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam đã có báo cáo, tờ trình đề xuất về nhu cầu hỗ trợ khẩn cấp hàng dự trữ quốc gia, gồm: 6.500 tấn gạo (Quảng Bình: 3.000; Quảng Trị 1.500; Thừa Thiên Huế 1.000; Quảng Nam 1.000); 5,5 tấn lương khô (Quảng Trị: 1,5; Thừa Thiên Huế: 2,0; Quảng Nam: 2,0); 20.000 thùng mỳ tôm (Thừa Thiên Huế:10.000; Quảng Nam: 10.000); các loại thuốc, hóa chất khử trùng và vật tư, trang thiết bị cứu hộ, cứu nạn.
(nhandan.com.vn)