Thứ Bảy, 4/1/2025
Công tác dân vận của thành phố Hà Nội được thực hiện đồng bộ, gắn với đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị

 Quang cảnh buổi làm việc

Tham gia đoàn còn có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thanh Hải; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương Điểu K’ré; Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương Nguyễn Văn Hùng và lãnh đạo một số cơ quan Trung ương.

Đồng chí Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội chủ trì tiếp và làm việc với đoàn. Cùng dự có các đồng chí: Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Đức Chung; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn; các Ủy viên Ban Thường vụ; lãnh đạo Văn phòng Thành ủy, các ban Đảng và một số sở, ngành thành phố.

Triển khai đồng bộ các nhiệm vụ công tác dân vận

Báo cáo tại buổi làm việc, Phó Bí thư Thành ủy Đào Đức Toàn cho biết, ngay sau khi nghị quyết được ban hành, Thành ủy Hà Nội đã khẩn trương xây dựng kế hoạch triển khai việc học tập, quán triệt và xây dựng Chương trình hành động 23-Ctr/TU ngày 25/7/2017 về thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 3/6/2013 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” với những nhiệm vụ và giải pháp cụ thể gắn với cá nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị và các phong trào thi đua yêu nước..


 Đồng chí Trương Thị Mai và Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải trao đổi với các đại biểu

Sau 5 năm triển khai thực hiện Nghị quyết 25 và Chương trình hành động số 23, công tác dân vận trên  địa bàn thành phố đã có nhiều chuyển biến rõ nét, tích cực. Nhận thức về vị trí, vai trò công tác dân vận, trách nhiệm của tổ chức trong hệ thống chính trị, của cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu được nâng lên rõ rệt. Thành ủy và các cấp ủy đã tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo, chấn chỉnh lề lối, phong cách làm việc theo hướng trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân, có trách nhiệm với dân. Hệ thống dân vận từ thành phố đến cơ sở tiếp tục được kiện toàn, củng cố; chủ động, hiệu quả, thiết thực hơn trong công tác tham mưu.

Công tác dân vận được các cấp chính quyền thành phố chú trọng, giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, góp phần củng cố mối quan hệ giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. UBND thành phố các giải pháp thực hiện hiệu quả, hiệu lực quản lý, điều hành của các cấp chính quyền; tập trung thực hiện quyết liệt công tác cải các thủ tục hành chính, nâng cao hiệu quả công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo, các đề nghị chính đáng, hợp pháp, xử lý dứt điểm các vấn đề bức xúc trong nhân dân. Kịp thời điều chỉnh những chủ trương, cách làm không phù hợp; quan tâm thực hiện tốt các chính sách đối với người có công, người nghèo, người khuyết tật...

Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp của thành tích cực đổi mới nội dung phương thực hoạt động, phát huy vai trò là nòng cốt của khối đại đoàn kết toàn dân, bám sát các nhiệm vụ trọng tâm; Các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ngày càng phát triển cả bề rộng, chiều sâu và đã góp phần tích cực thúc đẩy sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của đất nước.

Phong trào thi đua "Dân vận khéo" được nhân dân ủng hộ phát triển mạnh mẽ cả về chất lượng lẫn số lượng. Giai đoạn từ 2013 - 2017, toàn thành phố đã có tổng số gần 36.000 mô hình, điển hình "Dân vận khéo". Trong đó nhiều mô hình, điển hình được triển khai nhân rộng trong cộng đồng.

"Dù có làm bao nhiêu cho dân cũng là chưa đủ"

Trong chương trình thảo luận tại buổi làm việc, đoàn kiểm tra đã nghe các đồng chí lãnh đạo thành phố trả lời các nhóm vấn đề được nêu ra về công tác dân vận trong điều kiện kinh tế thị trường; trách nhiệm của cả hệ thống chính trị với công tác dân vận và công tác dân vận của chính quyền thành phố; thực hiện quy chế đối thoại của người đứng đầu cấp ủy,chính quyền với nhân dân, kinh nghiệm xây dựng nông thôn mới...


 Đồng chí Hoàng Trung Hải phát biểu tại buổi làm việc

Phát biểu tại buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải khẳng định: trong thực hiện công tác dân vận, Thành ủy Hà Nội đã thể chế hóa và triển khai nhiều nhiệm vụ từ cấp thành phố đến xã, phường.  Các cấp ủy, chính quyền thành phố luôn coi xây dựng và bồi đắp lòng tin trong Nhân dân là nhiệm vụ thường xuyên, quan trọng. Bí thư Thành ủy nhấn mạnh: “Lòng tin của dân không phải là sản phẩm có sẵn, nghiễm nhiên được hưởng, mà chúng ta phải thường xuyên quan tâm, đánh giá, bảo vệ, phát triển. Do vậy, thành phố đã luôn chú trọng lắng nghe tâm tư nguyện vọng của dân, quan tâm giải quyết từ việc nhỏ nhất. Chúng tôi nghĩ rằng, dù có làm bao nhiêu cho dân cũng là chưa đủ”. 

Cũng theo Bí thư Thành ủy, công tác dân vận trong giai đoạn hiện nay rất khó khăn. Vì vậy, Thành ủy, Ban Thường vụ Thành ủy sẽ tiếp tục tập trung lãnh đạo, chỉ đạo để thực hiện tốt công tác dân vận trong giai đoạn mới. Đặc biệt, sẽ xây dựng đội ngũ cán bộ dân vận ngày càng chất lượng; nâng cao trình độ, nhận thức, kỹ năng công tác dân vận của từng cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức.


 Đồng chí Trương Thị Mai kết luận buổi làm việc

Kết luận buổi làm việc, đồng chí Trương Thị Mai đánh giá cao tinh thần trách nhiệm, sự nghiêm túc và chất lượng nội dung báo cáo, giải đáp của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội đối với các yêu cầu của đoàn kiểm tra.

Đồng chí khẳng định, thời gian qua, thành phố đã xây dựng được chương trình, kế hoạch quán triệt, triển khai thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TƯ phù hợp với điều kiện thực tiễn; phổ biến, nâng cao nhận thức từ cán bộ trong hệ thống chính trị đến người dân, đặc biệt là đã mở rộng thêm các đối tượng đặc thù như trí thức, văn nghệ sĩ, phóng viên báo chí... Công tác dân vận đã được thực hiện đồng bộ, gắn với đổi mới hoạt động của hệ thống chính trị, đặc biệt lĩnh vực xây dựng, chỉnh đốn Đảng, cải cách hành chính, sắp xếp bộ máy, chất lượng cán bộ, chất lượng cán bộ làm công tác dân vận... Việc hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị của Hà Nội trong những năm qua đã thể hiện sự thành công của công tác dân vận.

Đồng chí Trương Thị Mai cũng ghi nhận, nhiều chủ trương, chính sách của thành phố đã thu hút sự tham gia ủng hộ của đông đảo người dân như chương trình xây dựng nông thôn mới; thực hiện việc cưới, việc tang văn minh; giải phóng mặt bằng, thu hồi đất... Thành công trong phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội đã tác động tốt đến đời sống của người dân và lấy được lòng tin trong nhân dân. “Cho dù có việc thành phố đã giải quyết xong, có việc còn đang tiếp tục giải quyết, nhưng nỗ lực của thành phố đã được người dân ghi nhận, cán bộ thể hiện trách nhiệm, có tấm lòng với việc của dân” - đồng chí Trương Thị Mai nói. 

Đề cập đến một số hạn chế của thành phố trong thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, Trưởng Ban Dân vận Trung ương đề nghị: Hà Nội cần quan tâm đến nguyện vọng thiết thân của người dân để làm dân vận. Bởi, khi Hà Nội mở rộng sẽ có sự phân hóa. Vì thế, cần dành sự quan tâm lớn hơn cho nhóm yếu thế, địa bàn vùng xa và nông thôn để giảm cách biệt giữa trung tâm với địa bàn xa, các vùng đồng bào dân tộc...

Bên cạnh đó, thành phố cũng cần tiếp tục thúc đẩy,  tạo sự đồng bộ trong hệ thống chính trị để làm tốt việc phục vụ nhân dân, nắm bắt, giải quyết tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân, gắn với xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh; gắn với việc nêu gương người đứng đầu để dân tin tưởng. Hệ thống chính trị phải tiếp tục thúc đẩy làm tốt hơn các nhiệm vụ phù hợp với chức năng nhiệm vụ, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, phục vụ người dân và doanh nghiệp ngày càng tốt hơn; làm cho công tác dân vận ngày càng đi vào thực chất. Lấy dân vận chính quyền làm trọng điểm trong công tác dân vận. Song song với đó, phải đổi mới phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội.

Hoàng Phong

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất