Chủ Nhật, 28/4/2024
Dân vận - Miệng nói, tay làm

“Dân vận khéo việc gì cũng thành công”, lời Bác Hồ căn dặn luôn được  thành viên Tổ dân vận bản Bút Dưới (xã Trung Đồng, huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu) khắc ghi. Tổ được thành lập năm 2012. Khi ấy, đời sống của Nhân dân còn nhiều khó khăn, tình trạng tảo hôn tồn tại, mâu thuẫn gia đình, hàng xóm dẫn đến mất đoàn kết, học sinh bỏ học giữa chừng. Tổ xác định, đối tượng dân vận không phải một mà từ người già đến trẻ nhỏ và đòi hỏi “đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”. Thuận lợi là các thành viên đều là trưởng ban, ngành, đoàn thể của bản nên Tổ thống nhất giao nhiệm vụ cụ thể phù hợp với cương vị công tác và có sự phối hợp chặt chẽ. Giảm nghèo bền vững, Tổ đề xuất với xã, phòng chuyên môn của huyện hỗ trợ giống cây, con phù hợp nguyện vọng của Nhân dân, đồng thời tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong chăn nuôi, trồng trọt. Các chương trình, dự án hỗ trợ của Nhà nước đều được tổ chức họp, phân bổ đúng đối tượng, ưu tiên hộ nghèo. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo của bản giảm dần; không xảy ra tình trạng tảo hôn, thả rông gia súc; Nhân dân tích cực vệ sinh môi trường bản, giúp nhau gặt lúa, chằng chống nhà khi mùa mưa bão đến. Chúng tôi cũng phối hợp với công an viên bản giải quyết mâu thuẫn gia đình, trong Nhân dân, cùng nhau xây dựng đời sống văn hóa mới.


Anh Lò Văn Sọn - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận bản Chăn Nuôi
 vận động dân bản xây dựng nếp sống văn hóa mới

Được biết, năm 2012, Ban Dân vận Huyện ủy Tân Uyên thành lập thí điểm 2 Tổ dân vận là Kim Pu và Bút Dưới (xã Trung Ðồng), đến nay toàn huyện tăng lên 35 tổ dân vận, tổ dân phố. Điều này cho thấy hiệu quả của mô hình rất rõ nét thông qua huy động cả hệ thống chính trị tham gia công việc làng, bản, giải quyết kịp thời những vụ việc bức xúc trong Nhân dân, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương. Minh chứng là hết năm 2017, tổng diện tích gieo trồng cây lương thực của huyện đạt 6.974ha; diện tích lúa hàng hóa 553ha; trồng mới342ha chè giâm cành, nâng diện tích toàn huyện lên 2.438,1ha; trồng 182ha cây mắc ca; thu nhập bình quân đầu người đạt 19,5 triệu đồng (tăng 4,9 triệu đồng so với năm 2016); Nhân dân hiến 563.195m2 đất, đóng góp 1.819 triệu đồng làm đường giao thông. Toàn huyện có 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Việc đưa đồng chí bí thư chi bộ làm Tổ trưởng tổ dân vận cũng là cách nâng cao vai trò, đổi mới phương thức lãnh đạo của cấp ủy đối với công tác dân vận, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác vận động quần chúng trong tình hình mới.  Anh Lò Văn Sọn - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận bản Chăn Nuôi (xã Bản Hon, huyện Tam Đường) chia sẻ: “Tổ có 9 thành viên (gồm cấp ủy, chính quyền, chi hội trưởng đoàn thể bản). Ngoài tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, tích cực tham gia phong trào thi đua yêu nước, Tổ còn xây dựng và triển khai thực hiện mô hình kiểu mẫu về môi trường. Khó khăn lớn nhất là thói quen chăn nuôi gia súc, gia cầm của bà con không dễ thay đổi, do vậy, Tổ yêu cầu các thành viên gương mẫu thực hiện trước. Vì nói phải đi đôi với làm, nói xong rồi để đấy thì sẽ phản tác dụng. Nhờ đó, bà con chủ động tham gia vệ sinh môi trường vào ngày cuối tuần, làm chuồng nuôi xa nhà ở và có hố chứa chất thải; đóng góp tiền mua cột, dây, bóng thi công đường điện chiếu sáng nông thôn. Khi bản được cấp 4 xe rác thì phân đều cho các cụm dân cư và cuối tuần tổ chức thu gom, phân loại và xử lý rác”.

Theo báo cáo của Ban Dân vận Tỉnh ủy Lai Châu, hết năm 2017, toàn tỉnh có 365 tổ dân vận (tăng 7 tổ so với năm 2016). Các tổ dân vận chủ động, thường xuyên nắm tình hình địa bàn, tâm tư, nguyện vọng, tuyên truyền, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tham gia các cuộc vận động, phong trào thi đua yêu nước. Theo đó, trên lĩnh vực kinh tế, văn hóa - xã hội, an ninh - quốc phòng, xây dựng nông thôn mới, dân tộc... có những góp nhất định.

Xây dựng nông thôn mới mục đích cao nhất là giúp bản làng đổi thay, đời sống Nhân dân nâng cao, tuy nhiên lại liên quan đến lợi ích của nhiều hộ dân: góp đất, tiền, ngày công làm các công trình phúc lợi; đòi hỏi sự nỗ lực vươn lên của Nhân dân để hoàn thành các tiêu chí. Do vậy, vai trò của Tổ dân vận rất quan trọng. Các tổ dân vận cùng cấp ủy, chính quyền, đoàn thể tập trung tuyên truyền, vận động, giải thích chủ trương, nhiệm vụ, mục tiêu về xây dựng nông thôn mới, nhất là tổ chức cho Nhân dân đóng góp ý kiến xây dựng quy hoạch và thực hiện quy hoạch, đề án, dự án về xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học, trạm xá; vận động Nhân dân đóng góp đất, tiền, vật liệu, ngày công xây dựng các công trình tại bản, xã. Nhiều tổ cụ thể hóa tiêu chí xây dựng nông thôn mới phù hợp điều kiện của bản, gắn với phát động các phong trào quần chúng để tổ chức triển khai, thực hiện. Tiêu biểu như Tổ dân vận huyện Tam Đường vận động Nhân dân góp 955 triệu đồng, hiến 43.276mđất làm đường, góp 2.865 ngày công đổ bê tông đường giao thông nông thôn, đường nội đồng với chiều dài 10.609.5m; vận động Nhân dân đóng góp kéo 540m dây, làm 11 cột điện thắp sáng đường thôn bản.

Tổ dân vận tham gia giải quyết những vụ việc nổi cộm, bức xúc trong Nhân dân ngay từ khu dân cư, tổ dân phố, góp phần xây dựng tình đoàn kết, ổn định ở cơ sở để tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều mâu thuẫn, vấn đề phức tạp nảy sinh được phản ánh kịp thời với cấp ủy Đảng có chủ trương giải quyết sớm, không để phát sinh thành điểm nóng.

Vận động Nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, thâm canh tăng vụ, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay ủy thác với Ngân hàng Chính sách xã hội... là những việc làm thiết thực, cụ thể mà các tổ dân vận đã và đang triển khai phù hợp với đặc thù địa phương. Tận dụng lợi thế thị trường tiêu thụ rộng, tiềm năng, Nhân dân có kinh nghiệm sản xuất, Tổ dân vận thành phố Lai Châu vận động Nhân dân tăng diện tích lúa đông xuân lên 20ha, trồng 16ha quýt chum, trồng mới 24,2ha chè kim tuyên, trồng rau, ngô trên chân ruộng 1 vụ. Tổ dân vận huyện Phong Thổ vận động Nhân dân trồng rau sạch, lúa 2 vụ/năm; trồng chuối, thảo quả các xã vùng cao.

Trên lĩnh vực văn hóa - xã hội, các thành viên tổ dân vận phối hợp với nhà trường, cơ sở y tế vận động phụ huynh cho con đi học đầy đủ, đảm bảo tỷ lệ chuyên cần cũng như chủ động đến khám, chữa bệnh tại cơ sở y tế, thực hiện kế hoạch hóa gia đình, phòng chống ma túy, tệ nạn HIV/AIDS. Thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, các tổ dân vận tích cực tham gia, vận động Nhân dân giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống, xây dựng nếp sống mới trong việc cưới, việc tang và lễ hội. Tổ dân vận bản Lao Chải 2 (xã Khun Há, huyện Tam Đường) vận động 100% hộ dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, làm chuồng nuôi gia súc, gia cầm, trồng 100 gốc hoa (cây cảnh) các loại quanh tuyến đường trục bản, đóng góp 145 triệu đồng làm 540m đường dây điện chiếu sáng nông thông.

Không phụ sự ủy thác của cấp ủy, chính quyền, các tổ dân vận đã và đang thể hiện vai trò là cầu nối giữa ý Đảng với lòng dân, để rồi tạo sức mạnh tổng hợp, thống nhất về chủ trương, giải pháp trong giải thích, tuyên truyền, vận động, giúp Nhân dân yên tâm, tin tưởng vào Đảng, Nhà nước, khắc phục khó khăn, bám bản làng vươn lên xây dựng cuộc sống mới./.

Nguồn: baolaichau.vn, ngày 8/4/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất