Thứ Hai, 13/5/2024
Triển khai công tác dân vận ở đảng bộ các cơ quan nhà nước trong “Năm dân vận chính quyền 2018”

Xác định rõ công tác dân vận của đảng bộ cơ quan nhà nước đạt hiệu quả sẽ có tác động quan trọng đến kết quả công tác dân vận của Đảng bộ Khối và ảnh hưởng tích cực đến công tác dân vận trên phạm vi cả nước, vì thế Ban Chấp hành, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương đã thường xuyên quan tâm lĩnh vực công tác này, có nhiều chủ trương và biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đảng ủy Khối đã sớm ban hành Chương trình hành động số 16-CTr/ĐUK ngày 18-8-2013 thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) về “Tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới” với nhiều nội dung cụ thể. Trong đó, một trong hai khâu đột phá được xác định là công tác dân vận của cơ quan nhà nước. Ngày 25-01-2017, Ban Chấp hành Đảng bộ Khối tiếp tục ban hành Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK về “Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của đảng bộ các cơ quan nhà nước”, nhằm cụ thể hóa việc thực hiện Nghị quyết số 25-NQ/TW ngày 03-6-2013 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI).

Với sự nỗ lực của Đảng ủy Khối và các cấp ủy, công tác dân vận của đảng bộ các cơ quan nhà nước trong Đảng bộ Khối đã có những chuyển biến quan trọng cả về nhận thức và hành động. Các cấp ủy, lãnh đạo cơ quan, đơn vị và ban chấp hành các đoàn thể đã có nhận thức đúng và đầy đủ hơn về vị trí, vai trò của công tác dân vận. Nhiều đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên, người lao động và bí thư cấp ủy, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trong Đảng bộ Khối đã thấy được trách nhiệm cá nhân đối với công tác dân vận trong tình hình mới. Phong cách làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức có nhiều thay đổi tiến bộ; tinh thần trách nhiệm, thái độ ứng xử trong việc tiếp, trao đổi, giải quyết công việc của nhân dân tốt hơn. Việc tham mưu chủ trương, chính sách, văn bản có chất lượng và hợp lòng dân hơn; việc tổ chức thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ngày càng sát với thực tiễn.

Tuy vậy, công tác dân vận của đảng bộ các cơ quan nhà nước thuộc Đảng bộ Khối vẫn có những hạn chế. Một số cấp ủy còn lúng túng trong việc xác định nội dung, nhiệm vụ công tác dân vận, từ đó triển khai thực hiện chưa đạt kết quả như mong muốn. Việc xây dựng và thực hiện mô hình dân vận gặp nhiều khó khăn, chưa được chú trọng để có thể triển khai sâu rộng, do vậy kết quả thực hiện phong trào thi đua “Dân vận khéo” còn hạn chế. Cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính chuyển biến chậm, chưa được như mong muốn. Tình trạng quan liêu, gây phiền hà cho người dân còn diễn ra ở nhiều nơi. Việc giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân ở một số nơi chưa kịp thời, hiệu quả chưa cao.

Triển khai Năm dân vận chính quyền 2018, với việc Đảng ủy Khối lựa chọn công tác dân vận của đảng bộ cơ quan nhà nước là khâu đột phá, trong thời gian tới, các cấp ủy trong toàn Đảng bộ cần triển khai những công việc cụ thể, tạo chuyển biến rõ nét hơn nữa trong hành động đối với công tác dân vận, chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm và giải pháp cơ bản đã được nêu trong Nghị quyết số 04-NQ/ĐUK ngày 25-01-2017 của Ban Chấp hành Đảng bộ Khối, cụ thể là:

Một là, thường xuyên quán triệt và cụ thể hóa Quyết định số 290-QĐ/TW ngày 25-02-2010 của Bộ Chính trị (khóa X) ban hành “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” để tổ chức thực hiện. Đảng ủy cơ quan nhà nước tổ chức thực hiện Quy chế công tác dân vận trong Đảng bộ Khối các cơ quan Trung ương trực thuộc (ban hành kèm theo Quyết định số 763-QĐ/ĐUK ngày 06-12-2012 của Ban Thường vụ Đảng ủy Khối); phối hợp với ban cán sự đảng và lãnh đạo bộ, ngành trong việc cụ thể hóa trách nhiệm lãnh đạo và thực hiện công tác dân vận theo “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị”.

Hai là, tuyên truyền, bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò và nhiệm vụ của công tác dân vận tới các cấp ủy, ban chấp hành các đoàn thể, lãnh đạo cơ quan, đơn vị; đảng viên, cán bộ, đoàn viên và hội viên. Thường xuyên quán triệt các nghị quyết, chỉ thị của Đảng về công tác dân vận bằng nhiều hình thức phù hợp; định kỳ bồi dưỡng, tập huấn về nội dung, phương pháp công tác dân vận. Các cấp ủy phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cấp ủy viên, chi ủy phân công nhiệm vụ cụ thể đối với đảng viên về công tác dân vận.

Ba là, phát huy vai trò của các đoàn thể trong việc tham gia ý kiến, phản biện xã hội đối với các văn bản của cơ quan được giao tham mưu xây dựng; quy định trách nhiệm của cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình xây dựng văn bản. Tăng cường tính chuyên nghiệp, công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan và việc thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

Bốn là, tổ chức thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Các cấp ủy cơ sở kiện toàn ban chỉ đạo thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, phân công đồng chí bí thư hoặc phó bí thư cấp ủy làm trưởng ban. Phối hợp với thủ trưởng cơ quan để xây dựng, bổ sung, hoàn thiện Quy chế dân chủ ở cơ sở của cơ quan, đơn vị. Phối hợp rà soát, xây dựng và hoàn thiện các quy chế, quy định của cơ quan về công tác tổ chức cán bộ, công tác quản lý tài chính, tài sản và việc thực hiện chế độ chính sách đối với người lao động. Quy định cụ thể trách nhiệm của đảng viên là người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở, bảo đảm thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị. Cấp ủy lãnh đạo, chỉ đạo công đoàn phối hợp với thủ trưởng cơ quan để tổ chức thực hiện đầy đủ các nội dung của hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hằng năm và ban hành, tổ chức thực hiện nghị quyết hội nghị. Phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện để ban thanh tra nhân dân cơ quan thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ, giám sát việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là giám sát việc thực hiện nghị quyết hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

Năm là, xây dựng và tổ chức thực hiện mô hình dân vận. Cấp ủy các cấp cần xác định rõ nội dung, phương thức công tác dân vận của cấp ủy, từ đó xây dựng thành chương trình, kế hoạch công tác cụ thể. Việc xây dựng các mô hình dân vận cần phải làm ngay từ việc “dân vận” cho chính bản thân và tổ chức mình, nêu cao tinh thần gương mẫu, từ đó tạo chuyển biến trong tác phong làm việc của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong thực hiện nhiệm vụ và trong trao đổi, giải quyết công việc, ứng xử với nhân dân. Phát hiện các mô hình đã có, được tổ chức, cá nhân thực hiện có kết quả, các mô hình ở cơ sở nhưng chưa định hình rõ nét hoặc mô hình đã triển khai nhưng có nhiều khó khăn, phức tạp để có biện pháp hỗ trợ, kiên trì thực hiện. Tổng kết đánh giá, nhân rộng các mô hình, từ đó làm cơ sở lựa chọn điển hình “Dân vận khéo” để nhân rộng trong cơ quan, đơn vị. 

Sáu là, phát huy vai trò tham mưu, nòng cốt của các đoàn thể. Tạo điều kiện để các đoàn thể thực hiện tốt vai trò trong việc vận động đoàn viên, hội viên thực hành đạo đức công vụ, thể hiện ý thức trách nhiệm trong công tác chuyên môn, tham mưu chủ trương, chính sách và các văn bản có chất lượng, hợp lòng dân. Các đoàn thể phát huy vai trò và trách nhiệm trong việc tham gia giám sát và phản biện xã hội theo quy định đối với các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật do cơ quan chủ trì xây dựng. Quan tâm chăm lo, xây dựng đội ngũ cán bộ của các đoàn thể có tâm huyết, phẩm chất đạo đức tốt, đủ năng lực thực hiện nhiệm vụ.

Bảy là, phối hợp với lãnh đạo cơ quan, đơn vị thực hiện phương châm công tác dân vận trong các cơ quan nhà nước: “Đảng ủy, ban cán sự đảng lãnh đạo - Thủ trưởng cơ quan, đơn vị tổ chức thực hiện - ban bhấp hành các đoàn thể làm tham mưu và nòng cốt”, từ đó xác định rõ trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận. Phối hợp cụ thể hóa “Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị” để “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm” của cấp ủy, của ban cán sự đảng, của lãnh đạo các bộ, cơ quan nhà nước và của đoàn thể để thực hiện tốt nhiệm vụ công tác dân vận. Xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận có tâm huyết, năng lực.

Đảng ta luôn khẳng định: “đã lãnh đạo thì phải kiểm tra, lãnh đạo mà không kiểm tra thì coi như không lãnh đạo”. Do vậy, các cấp ủy cần đưa việc kiểm tra, giám sát thực hiện công tác dân vận vào chương trình, nhiệm vụ kiểm tra, giám sát hằng năm để tổ chức thực hiện. Chú trọng kiểm tra, giám sát việc thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ quan, đơn vị, nhất là trách nhiệm của đảng viên là người đứng đầu trong việc tổ chức thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở; kiểm tra, giám sát việc xây dựng và thực hiện mô hình dân vận, việc lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động của các đoàn thể.

 Theo Trang tin Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương

 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi