Thực hiện công tác dân vận nhằm củng cố và tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân là một nhiệm vụ chiến lược của Đảng ta. Làm theo lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Lực lượng của dân rất to. Việc dân vận rất quan trọng. Dân vận kém thì việc gì cũng kém. Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, nhiều địa phương đã xây dựng các tổ dân vận bám sát địa bàn, kịp thời giải quyết kiến nghị, vướng mắc của người dân.
Phát huy vai trò các tổ dân vận
Với đặc thù là địa bàn có tốc độ đô thị hóa nhanh, phường Ngọc Lâm (quận Long Biên) đã phát huy hiệu quả vai trò của các tổ dân vận trong việc vận động nhân dân thực hiện văn minh đô thị, giữ gìn vệ sinh môi trường. Phó Bí thư Chi bộ, tổ trưởng tổ dân phố 25, kiêm tổ phó tổ dân vận, phường Ngọc Lâm Nguyễn Thị Hát cho biết, bám sát chủ trương của Thành ủy Hà Nội về đẩy mạnh “Dân vận khéo”, tổ dân vận đã tăng cường vận động nhân dân giữ gìn trật tự, văn minh đô thị.
Bên cạnh việc vận động, nhắc nhở bà con không làm mái che, mái vẩy, bục bệ... gây mất mỹ quan đô thị, các tổ dân vận còn phối hợp chặt chẽ với tổ dân phố và 10 liên gia (mỗi liên gia quản lý 10-20 hộ) thực hiện nghiêm việc giữ gìn vệ sinh môi trường, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Đến nay, dọc tuyến đường Nguyễn Văn Cừ, đặc biệt là đoạn đường thuộc địa bàn của tổ dân phố 25 quản lý luôn phong quang, sạch đẹp.
“Ban đầu, không phải người dân nào cũng tự giác thực hiện. Qua tuyên truyền, vận động, nhắc nhở và đặc biệt là phát huy vai trò nêu gương của cán bộ cơ sở, nhân dân đã tự giác chấp hành, góp phần giữ gìn tuyến phố xanh, sạch, đẹp” - bà Nguyễn Thị Hát chia sẻ.
Trong khi đó, phường Định Công (quận Hoàng Mai) từng là một trong những địa bàn phức tạp về vi phạm trật tự xây dựng và quản lý đất đai. Nhờ triển khai nhiều giải pháp, trong đó có việc phát huy vai trò các tổ dân vận, phối hợp chặt chẽ với MTTQ và các đoàn thể tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân, đến nay, cơ bản phường đã xử lý xong các vi phạm trong lĩnh vực này, từng bước giải quyết những tồn tại.
Ngoài hai địa phương nêu trên, nhiều xã, phường, thị trấn trên địa bàn thành phố đã và đang duy trì khá hiệu quả hoạt động của các tổ dân vận, góp phần tạo sự đồng thuận trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị, xây dựng và phát triển địa phương.
Củng cố mối quan hệ giữa Đảng với dân
Thực hiện "Dân vận khéo", hướng tới sự đồng thuận trong nhân dân là vấn đề được Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt coi trọng. Trong bài viết “Dân vận” đăng trên Báo Sự thật ngày 15-10-1949, Bác Hồ đã viết: "Dân vận là vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào, góp thành lực lượng toàn dân, để thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho…".
Thực hiện Chỉ thị 05-CT/TƯ của Bộ Chính trị (khóa XII) về "Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh", những mô hình hay, cách làm mới trong thực hiện “Dân vận khéo” đã được triển khai sâu rộng trên địa bàn TP Hà Nội. Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Trưởng ban Dân vận Thành ủy Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, thời gian qua, ngành Dân vận đã nỗ lực đổi mới phương thức hoạt động theo hướng sâu sát cơ sở, tham mưu kịp thời cho Thành ủy và cấp ủy các cấp giải quyết nhiều vấn đề quan trọng.
Nhận xét về hiệu quả công tác dân vận, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng cho rằng, những cách làm thiết thực do các tổ dân vận triển khai đã góp phần quan trọng củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, chính quyền với nhân dân. Phát huy kết quả đó, thời gian tới, công tác dân vận cần đi sâu vào những vấn đề đang được người dân quan tâm, đặc biệt là phải đổi mới phương thức hoạt động để theo kịp, bám sát tình hình mới. Trước hết, cán bộ ngành Dân vận phải gương mẫu, thực hiện đúng pháp luật, có năng lực, trình độ cao hơn.
Đặc biệt là các tổ dân vận cần thường xuyên sâu sát, gần gũi với nhân dân, nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của người dân địa phương. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả công tác vận động quần chúng ở cơ sở, đưa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến với người dân, tạo sự đồng thuận cao giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân.
Cùng với việc duy trì hiệu quả các tổ dân vận, hiện nay toàn thành phố xây dựng được 7.984 mô hình “Dân vận khéo”, trong đó, cấp thành phố là 378 mô hình; cấp quận, huyện, thị xã là 2.123 mô hình và các xã, phường, thị trấn là 5.483 mô hình. Các mô hình “Dân vận khéo” được chia thành 4 lĩnh vực, gồm kinh tế (710 mô hình tập thể, 780 mô hình cá nhân), văn hóa - xã hội (1.664 mô hình tập thể, 1.896 mô hình cá nhân), an ninh - quốc phòng (594 mô hình tập thể, 547 mô hình cá nhân) và lĩnh vực xây dựng hệ thống chính trị (863 mô hình tập thể, 930 mô hình cá nhân).
|
Hương Ly