|
Thành viên Tổ dân vận bản Bút Dưới 1 vận động Nhân dân thực hiện xây dựng nông thôn mới |
Thành lập tổ dân vận - yêu cầu bức thiết
Xã Trung Đồng huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu , có 23 bản, 1.394 hộ, gồm 4 dân tộc cùng sinh sống: Thái, Mông, Khơ Mú, Kinh. Mặc dù thuận lợi về vị trí địa lý - sát trung tâm huyện, các bản gần nhau nhưng do tập quán canh tác, trình độ nhận thức của một bộ phận Nhân dân hạn chế, nhất là dân bản tái định cư chưa thực sự yên tâm xây dựng cuộc sống mới... Do đó, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh - quốc phòng địa phương.
Thực hiện Đề án số 01-ĐA/BDVTU, ngày 17/5/2012 của Ban Dân vận Tỉnh ủy; Kế hoạch số 15-KH/BDVTU của Ban Dân vận Huyện ủy Tân Uyên về thực hiện Đề án thí điểm thành lập tổ dân vận bản, tổ dân phố, sau khi họp bàn, đánh giá đặc thù địa phương, Thường trực Đảng ủy xã thí điểm thành lập 2 tổ dân vận bản Bút Dưới 1 và bản tái định cư Kim Pu. Đây là những bản có bộ máy lãnh đạo được kiện toàn nhưng hoạt động của các tổ chức đoàn thể hiệu quả chưa cao, chưa nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân. Công tác vận động Nhân dân còn nhiều hạn chế; sự phối hợp giữa các tổ chức đoàn thể trong công tác dân vận chưa chặt chẽ và thường xuyên.
Ông Tòng Văn Cu - Trưởng bản, Tổ phó Tổ dân vận bản Bút Dưới 1 kể “Mặc dù là người bản địa nhưng trước năm 2012, tình hình kinh tế của bản thực sự đáng bàn. Cây trồng chỉ 1 vụ lúa hoặc ngô, chăn nuôi nhỏ lẻ, thả rông, còn xảy ra mâu thuẫn giữa các gia đình, học sinh nghỉ học sớm... Tổ chức đoàn thể chưa vào cuộc do thiếu nhiệt huyết. Khi bản được thí điểm thành lập Tổ dân vận mà thành viên là cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, có quy chế, mục đích hoạt động rõ ràng, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên, chúng tôi mừng lắm!. Bởi, đây sẽ là luồng gió mới để đổi thay bản làng”.
2 năm sau đó, thực hiện chủ trương của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc mở rộng thành lập và hoạt động của tổ dân vận, tổ dân phố, Đảng ủy xã tiếp tục lựa chọn thành lập thêm 3 Tổ dân vận bản: Phiêng Phát 3, Pá Kim, Hua Cưởm. Trong đó, bản Phiêng Phát 3 thuộc diện đặc biệt khó khăn; Hua Cưởm (100% đồng bào dân tộc Mông) có những khó khăn riêng về di cư tự do, bất ổn về an ninh trật tự; Pá Kim thuộc diện tái định cư, dù được đầu tư về hệ thống hạ tầng cơ sở nhưng bà con chưa yên tâm sinh sống.
Đồng chí Lường Xuân Hòa - Bí thư Đảng ủy xã Trung Đồng khẳng định, chủ trương thành lập tổ dân vận bản đối với xã là giải pháp thiết thực, yêu cầu bức thiết để củng cố hệ thống chính trị ở cơ sở, vực dậy bản khó. Quan trọng là phát huy tinh thần đoàn kết, đồng lòng, vai trò, trách nhiệm của những người đứng đầu bản, sự đồng thuận trong Nhân dân thực hiện chủ trương, chính sách của Nhà nước, địa phương, nỗ lực thi đua xây dựng quê hương, bản làng. Đến nay, các tổ dân vận đã không phụ sự kỳ vọng của cấp ủy Đảng các cấp.
Nỗ lực đổi thay bản làng
Đảm bảo các tổ dân vận hoạt động đúng hướng, đúng tôn chỉ mục đích, Đảng ủy xã chỉ đạo khối Dân vận xã phân công thành viên phụ trách, giúp đỡ, hướng dẫn triển khai thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo tổ dân vận xây dựng quy chế hoạt động, phân công nhiệm vụ cho các thành viên phụ trách theo nhóm hộ nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của đoàn viên, hội viên và Nhân dân. Từ đó, kịp thời đề xuất với cấp ủy, chính quyền các cấp xem xét, giải quyết; duy trì tổ chức sinh hoạt định kỳ vào ngày 15 hàng tháng và họp bất thường khi cần thiết. Chú trọng xây dựng điển hình, mô hình “Dân vận khéo” tới các chi bộ trực thuộc, cán bộ, đảng viên, Nhân dân trong xã
Các chi bộ có tổ dân vận xây dựng kế hoạch, nhiệm vụ đưa vào nghị quyết đại hội và nội dung sinh hoạt hàng tháng để lãnh, chỉ đạo tổ dân vận thường xuyên phối hợp với cấp ủy, chính quyền, tổ chức đoàn thể tuyên truyền, phổ biến, vận động Nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, quy ước bản. Phối hợp với các chi hội, chi đoàn tổ chức cho đoàn viên, hội viên thực hiện việc học và làm theo lời Bác bằng những việc làm cụ thể, thiết thực. Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động; cụ thể hóa chủ trương, nghị quyết của cấp ủy Đảng và cấp trên phù hợp điều kiện địa phương.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, các tổ dân vận phối hợp với cấp ủy, chính quyền, đoàn thể xã tuyên truyền, giải thích mục đích, ý nghĩa, chủ trương, nhiệm vụ, trách nhiệm của người dân về Chương trình, nhất là tổ chức cho Nhân dân góp ý kiến vào xây dựng, thực hiện quy hoạch, đề án, dự án về xây dựng hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện, trường học. Vận động Nhân dân tự nguyện đóng góp tiền, 5.590 ngày công lao động, hiến 2.580m2 đất làm đường giao thông, xây dựng nhà văn hóa.
Từ hỗ trợ của Nhà nước về cây, con giống, phân bón, nông cụ sản xuất, vốn vay ưu đãi; tổ chức lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật của cơ quan chuyên môn huyện, tỉnh; định hướng, “cầm tay chỉ việc” của các tổ dân vận, Nhân dân hăng hái tăng gia sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng hàng hóa, chủ động đầu tư, phòng chống dịch bệnh. Bảo vệ môi trường sống thông qua vệ sinh đường nội, ngõ bản; xây dựng chuồng trại xa nhà ở; đào hố rác; trồng thêm cây xanh, cây ăn quả. Xây dựng đời sống văn hóa mới: đẩy lùi hủ tục lạc hậu, xóa bỏ tình trạng tảo hôn, kết hôn cận huyết thống, khi ốm đau đến cơ sở y tế để được thăm khám; duy trì, phát triển phong trào thể thao, văn nghệ quần chúng.
Điển hình như Tổ dân vận bản tái định cư Pá Kim. Trước đây, bản thuộc xã Pha Mu (huyện Tan Uyên) tái định cư Thủy điện Bản Chát về định cư tại xã Trung Đồng. Kinh tế của bà con khó khăn nên nguồn kinh phí hỗ trợ, đền bù của Nhà nước không giúp được hầu hết các gia đình làm nhà kiên cố, mua thêm đất sản xuất. Về bản mới, cuộc sống chưa ổn định ngay, có hộ tư tưởng về bản cũ để mưu sinh. Năm 2015, Tổ dân vận bản thành lập đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong việc tìm hướng thoát nghèo, ổn định tư tưởng, đời sống cho bà con.
Cùng với tuyên truyền, vận động bà con chuyển đổi cơ cấu kinh tế, chú trọng thâm canh tăng vụ trên đất ruộng, chăn nuôi gia súc, làm vườn rau xanh, đào ao thả cá, hái chè thuê cho Công ty Cổ phần Trà Than Uyên, Tổ dân vận bản Pá Kim yêu cầu các thành viên tiên phong thực hiện trước. Bên cạnh đó, chính sách hỗ trợ của Nhà nước, Tổ họp bàn và lấy ý kiến của Nhân dân, ưu tiên tối đa để hộ nghèo tự lực vươn lên. Anh Lò Văn Lả - Bí thư Chi bộ, Tổ trưởng Tổ dân vận bản Pá Kim hồ hởi khoe với chúng tôi: “Hết năm 2017, qua rà soát, Pá Kim chính thức “trắng” hộ nghèo. Thành quả ấy chính là món quà thiết thực, ý nghĩa đền đáp những nỗ lực của thành viên Tổ dân vận cũng như dân bản”.
Được biết, các tổ dân vận thực hiện tốt chức năng tham mưu để cấp ủy quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác dân vận; tham mưu chi bộ lãnh, chỉ đạo Ban công tác Mặt trận, các chi hội, chi đoàn bản, phối hợp tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên, Nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật; xây dựng tổ chức đoàn thể ở bản vững mạnh. Qua tổ chức, phát động các phong trào thi đua: “Dân vận khéo”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau vượt khó giảm nghèo và làm giàu chính đáng” , “Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình... góp phần quan trọng thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh chính trị, trật tự xã hội địa phương.
5 năm qua, các tổ dân vận bản của xã đã tham gia hòa giải 7 vụ việc, chủ yếu về tranh chấp đất đai, hôn nhân gia đình. Hết năm 2017, 5 bản có diện tích gieo trồng năm 2017 đạt 302,7ha (tăng 57ha so với năm 2011); bình quân lương thực đầu người đạt 527kg (tăng 86kg so với năm 2011). Tỷ lệ trẻ huy động ra lớp hằng năm đạt 95%. 3/5 bản đạt danh hiệu văn hóa; 231/302 hộ văn hóa. Và hơn hết, những đóng góp thiết thực của các tổ dân vận bản đã giúp xã Trung Đồng thêm vững tin trên hành chính cán đích nông thôn mới vào năm nay./.
Nguồn: baolaichau.vn, ngày 7/6/2018