Thứ Năm, 2/1/2025
Kênh quan trọng thực hiện công tác dân vận

 Toàn cảnh hội nghị

Chủ động theo dõi, giám sát từ đầu

Sau 5 năm thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác dân vận trong tình hình mới, nhiều chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận đã được QH thể chế hóa thành chính sách, pháp luật và tổ chức thực hiện có hiệu quả. Đặc biệt, công tác dân nguyện của QH được quan tâm cải tiến, đổi mới và thu được nhiều kết quả tốt đẹp, góp phần vào sự thành công chung trong các hoạt động của QH, được cử tri cả nước đánh giá cao.

Một trong những điểm đổi mới, thay đổi tích cực trong công tác dân nguyện thời gian qua là nhiều Đoàn ĐBQH đã chủ động theo dõi, giám sát ngay trong quá trình giải quyết vụ việc; chủ động nghiên cứu, yêu cầu các cơ quan chức năng của địa phương báo cáo, cung cấp thông tin việc giải quyết các vụ việc Đoàn ĐBQH đã chuyển đơn. Một số Đoàn ĐBQH đã xây dựng quy trình tiếp nhận, xử lý đơn và giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; xác định thứ tự ưu tiên xử lý đơn theo các tiêu chí cụ thể, qua đó công tác xử lý đơn được thực hiện nghiêm túc với quy trình hiệu quả, khoa học; công tác theo dõi, đôn đốc, giám sát cơ quan có thẩm quyền giải quyết khiếu nại, tố cáo được tăng cường.

Hoạt động tiếp xúc cử tri của các ĐBQH ngày một được nâng cao chất lượng, bước đầu đã khắc phục được tính hình thức, góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động chung của QH. Hoạt động tiếp xúc cử tri được đổi mới theo hướng mở rộng thành phần, đối tượng cử tri và tiếp xúc trực tiếp ở các cụm dân cư, khu phố, làng, thôn, bản, tạo điều kiện thuận lợi nhất để người dân gặp gỡ và trao đổi với ĐBQH. Nội dung tiếp xúc cử tri cũng đã được lựa chọn, chắt lọc từ các vấn đề nổi bật trong kỳ họp QH cũng như những vấn đề dư luận quan tâm.

Tuy nhiên, từ thực tế, các đại biểu cũng thẳng thắn chỉ ra rằng, hình thức tiếp xúc cử tri vẫn còn đơn điệu. Hiệu quả trả lời tại buổi tiếp xúc của một số ĐBQH còn thấp. Thời gian mỗi ĐBQH dành cho tiếp xúc cử tri còn hạn chế. Nội dung tiếp xúc cử tri mới chỉ tập trung vào kết quả các kỳ họp QH, tiến độ thực hiện các nhiệm vụ từ kỳ họp trước đến kỳ họp sau, trong khi đó những nội dung chuyên sâu, những vấn đề người dân quan tâm còn thiếu…

Tiêu chí đánh giá các bộ, ngành

Để có thể thực sự nâng cao chất lượng công tác dân nguyện của QH gắn với việc thực hiện Nghị quyết 25-NQ/TW, các đại biểu đề nghị, Đảng đoàn QH cần tiếp tục lãnh đạo QH, các cơ quan của QH đẩy mạnh thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng về công tác dân vận khi thẩm tra, thảo luận, cho ý kiến và xem xét thông qua các dự án; tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng giám sát hoạt động của các cơ quan hành pháp, cơ quan tư pháp; giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân và giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri. Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của các bộ, ngành, chính quyền các địa phương trong việc tiếp công dân, kịp thời giải quyết đơn, thư khiếu nại, tố cáo của công dân và giải quyết kiến nghị của cử tri, coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm và là tiêu chí đánh giá hiệu quả công việc của cơ quan, tổ chức và cá nhân có thẩm quyền…

Theo ĐBQH Ngọ Duy Hiểu (Hà Nội), các Đoàn ĐBQH cần coi việc tiếp xúc cử tri là một kênh để thực hiện công tác dân vận. Hiện nay, các cuộc tiếp xúc cử tri của ĐBQH vẫn đang nặng về “hội nghị” mà thiếu tính “diễn đàn”. Trong khi đó, thực tế cho thấy, các cuộc tiếp xúc cần được coi là diễn đàn của cử tri, của người dân. Và giải quyết khiếu nại, tố cáo cần được các ĐBQH thực sự nhận thức đúng đắn về tầm quan trọng. Vì vậy, tiếp tục nâng cao chất lượng các cuộc tiếp xúc cử tri theo đối tượng, theo chuyên đề, nhất là ở những nơi có vấn đề cử tri đang bức xúc, là cần thiết và hợp lý. Đối với một số vấn đề quan trọng người dân đang bức xúc nêu ra tại cuộc tiếp xúc, lãnh đạo các sở, ngành liên quan có thể dành một tiếng để đối thoại với dân. Được vậy chắc chắn các cuộc tiếp xúc cử tri sẽ có ý nghĩa hơn.

Trong tổ chức và hoạt động của mình, QH đã và đang tiếp tục cải tiến, đổi mới theo hướng tăng tính tranh luận, đối thoại tại các phiên họp, kỳ họp. Vậy thì, việc đối thoại của các ĐBQH với cử tri và nhân dân cũng cần làm một cách bài bản, không nên qua loa, đại khái.

Rõ ràng, từng cá nhân ĐBQH ý thức và làm được những điều này, tin rằng việc tiếp xúc cử tri cũng như các hoạt động của đại biểu dân cử chắc chắn sẽ là một kênh làm cho công tác dân vận ngày càng tốt và quan trọng hơn.

Thời gian qua, công tác dân nguyện đã bước đầu ứng dụng công nghệ thông tin trong phân loại và xử lý đơn, thư; ý kiến, kiến nghị của cử tri và các văn bản trả lời từ phía các cơ quan thuộc Chính phủ; công tác giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân có nhiều đổi mới, đã đi sâu giám sát nhiều vụ việc cụ thể có tính chất phức tạp, kéo dài tại một số địa phương; công tác tổng hợp kiến nghị của cử tri, bảo đảm kịp thời cả trước và sau kỳ họp; công tác giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri cũng có nhiều đổi mới về nội dung, đa dạng và toàn diện hơn...

Cùng với đó, việc phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan với Ban Dân nguyện trong công tác tiếp công dân; xử lý đơn, thư khiếu nại tố cáo; tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri; giám sát việc giải quyết khiếu nại tố cáo và giám sát việc giải quyết ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi tới QH ngày càng đạt hiệu quả cao.

Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải

Nguồn: daibieunhandan.vn, ngày 01/8/2018

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất