Thứ Năm, 26/12/2024
Than Uyên đẩy mạnh công tác dân vận

Thời điểm đầu tháng 3 vừa qua, Ban Chỉ đạo công tác tôn giáo huyện Than Uyên (tỉnh Lai Châu) phối hợp với xã Phúc Than tổ chức sơ kết đánh giá 1 năm thực hiện chương trình ký cam kết xây dựng nếp sống văn hóa mới trong đồng bào dân tộc Mông. Theo đó, việc triển khai thực hiện nếp sống mới đã thu hút đông đảo bà con dân tộc Mông nhiệt tình ủng hộ và tạo sức lan tỏa rộng khắp trong toàn xã. Đặc biệt, 4/6 bản của xã thực hiện tốt cam kết. Về đám hiếu, người chết được đưa vào quan tài và không để quá 2 ngày; việc hỷ không thách cưới và tổ chức trong 1 ngày. 100% hộ dân phát huy các nét đẹp văn hóa, bản sắc truyền thống…

Đây là kết quả của công tác triển khai tuyên truyền nội dung cam kết đến từng bản, hộ dân; tổ chức cho Nhân dân bàn bạc, thống nhất đảm bảo phù hợp với thực tiễn với 2 bản cam kết: “8 việc phải làm và 8 việc không nên làm” để ký chung cả bản; “5 việc phải làm và 5 việc không nên làm” cho từng hộ dân ký treo tại nhà. Ông Nguyễn Trọng Hiệp – Chủ tịch UBND xã Phúc Than chia sẻ: “Để nhận được sự đồng thuận từ người dân, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện tốt phương châm “gần dân, sát cơ sở”, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”, thi đua “dân vận khéo”. Tăng cường phổ biến, giáo dục pháp luật gắn với tuyên truyền, vận động Nhân dân sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật. Đồng thời, triển khai hiệu quả các mô hình kinh tế: trồng chè, chăn nuôi, duy trì nâng cao chất lượng xây dựng nông thôn mới".


 Lãnh đạo huyện Than Uyên, Ban Dân vận Huyện ủy trò chuyện
với bà con dân tộc Mông xã Phúc Than về thực hiện nếp sống văn hóa mới

Với quan điểm “Dân là gốc, dân làm gốc”, Ban Thường vụ Huyện ủy Than Uyên quán triệt triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch, nghị quyết, kết luận của Trung ương, của tỉnh về công tác dân vận đến cán bộ, đảng viên, Nhân dân. Đồng thời, rà soát, điều chỉnh, bổ sung, xây dựng quy chế công tác dân vận phù hợp với địa phương, đơn vị; phân công các đồng chí lãnh đạo phụ trách công tác dân vận ở cấp ủy, cơ quan, UBND cấp huyện, xã. Xây dựng cơ chế phối hợp giữa Ban Dân vận Huyện ủy với chính quyền, cơ quan, ban, ngành cùng cấp trong thẩm định đề án, dự án liên quan đến công tác dân vận. Phát huy vai trò MTTQ và các đoàn thể trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia góp ý xây dựng Đảng, chính quyền.

Đồng chí Lò Văn Hương – Phó Bí thư Huyện ủy Than Uyên cho biết: “Huyện chú trọng nâng cao nhận thức của cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, công chức, viên chức về trách nhiệm cũng như tầm quan trọng của công tác dân vận. Quan tâm hướng dẫn cơ sở theo hình thức "cầm tay chỉ việc" cho xã, chi bộ. Coi trọng việc tập hợp Nhân dân vào các tổ chức, hội quần chúng và không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động MTTQ và các đoàn thể. Gắn công tác dân vận với xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền vững mạnh theo tinh thần Chỉ thị 05-CT/TW của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng”.

Thực hiện dân vận chính quyền cơ quan Nhà nước, UBND huyện chỉ đạo cơ quan, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động cán bộ, đảng viên, Nhân dân phát huy nội lực, tích cực lao động, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi giống cây trồng, vật nuôi. Tận dụng các chương trình, dự án của Trung ương, tỉnh, nhiều hộ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào nuôi, trồng giống mới cho năng suất cao, chất lượng tốt, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng. Các địa phương cũng vận động nông dân trồng lúa 2 vụ kết hợp thêm 1 vụ màu, trồng chè, hoa, bảo vệ rừng. Tỷ lệ hộ nghèo của huyện năm 2018 giảm còn 19,79%.

Với phương châm "Nhà nước và Nhân dân cùng làm", UBND huyện phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam và các đoàn thể thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; tuyên truyền, vận động bà con xây dựng nông thôn mới. Trong đó, vận động người dân hiến đất, góp công cứng hóa 44,25km đường giao thông nông thôn, xây mới 8 nhà văn hóa. Cùng với thực hiện tốt chế độ một cửa, UBND huyện tổ chức các cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với người dân. Các cơ quan, đơn vị nêu cao trách nhiệm phục vụ, giải quyết đơn thư, kiến nghị, phản ánh của Nhân dân. Năm 2018, huyện đã tiếp 233 lượt công dân phản ánh các vấn đề về đất đai, bồi thường giải phóng mặt bằng; tiếp nhận 182 đơn kiến nghị, phản ánh.

Ban Dân vận Huyện ủy thường xuyên phối hợp với MTTQ và các đoàn thể, lực lượng vũ trang đẩy mạnh tuyên truyền về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; hướng dẫn Nhân dân thực hiện hiệu quả quy ước, hương ước thôn, bản. Đặc biệt, trong công tác dân vận ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện tổ chức cho 22 bản thuộc 8 xã có đồng bào dân tộc Mông sinh sống triển khai ký cam kết thực hiện nếp sống văn hóa mới. Qua đó, tạo sức lan tỏa sâu rộng đến các dân tộc khác trên địa bàn. Năm 2018, toàn huyện có 11.743 hộ, 132 bản, khu phố đạt danh hiệu văn hóa, 6 xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Dân vận khéo”, cấp ủy, chính quyền từ huyện đến cơ sở tích cực triển khai phong trào đến cơ quan, đơn vị, thôn, bản, khu dân cư. Đồng thời, hướng dẫn tập thể, cá nhân và Nhân dân đăng ký thi đua trên tất cả lĩnh vực gắn với xây dựng nông thôn mới, công tác dân tộc, tôn giáo, thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Năm 2018, toàn huyện có 88 tập thể, 234 cá nhân đăng ký thi đua xây dựng mô hình điển hình “Dân vận khéo”, trong đó 20 tập thể, 114 cá nhân được huyện công nhận.

Đẩy mạnh, thực hiện tốt công tác dân vận ở huyện Than Uyên đã góp phần ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân./.

Nguồn: baolaichau.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi