Thứ Năm, 25/4/2024
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng
 
 Thủ tướng phát biểu tại cuộc gặp các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng


Tham dự cuộc gặp mặt có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương; Trần Thanh Mẫn, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Theo báo cáo, những năm gần đây, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội, các hội quần chúng đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tăng cường tiếp xúc, trực tiếp đối thoại với đoàn viên, hội viên, các nhóm đối tượng khác nhau trong nhân dân.

Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố thường xuyên đối thoại chính sách với công nhân, nông dân, phụ nữ, thanh niên... Qua đó, kịp thời lắng nghe và giải quyết tốt hơn nguyện vọng chính đáng của các tầng lớp nhân dân.

Tỷ lệ tập hợp của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội những năm qua tiếp tục tăng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam hiện có 47 tổ chức thành viên (năm 2009 có 44 thành viên), trong đó có năm tổ chức chính trị - xã hội, 31 hội có tính chất đặc thù. Tổ chức Công đoàn từ 5,8 triệu (2009) lên 10,3 triệu đoàn viên (2019), chiếm hơn 60% tổng số người lao động. Hội Nông dân từ 9,8 triệu (2009) lên 10,1 triệu hội viên (2019), chiếm khoảng 60% tổng số nông dân. Đoàn TNCS Hồ Chí Minh từ 6,3 triệu (2009) còn 6,26 triệu đoàn viên (2019), chiếm khoảng 60% tổng số thanh niên. Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam từ 14,5 triệu (2009) lên 18,3 triệu hội viên (2019), chiếm khoảng 83% tổng số phụ nữ.

Phát biểu tại cuộc gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao vai trò của các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng với hàng triệu hội viên đang tham gia xây dựng đất nước. Các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng là những người sát dân nhất, nói lên tiếng nói nhân dân. Qua đó, làm tốt công tác vận động quần chúng, khẳng định tiếng nói trong hệ thống chính trị. Chính phủ sẽ thường xuyên tổ chức gặp mặt để lắng nghe ý kiến của các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng để trực tiếp chỉ đạo điều hành, đưa ra các thông điệp, chủ trương của Chính phủ.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng chỉ ra một số hạn chế còn tồn tại trong hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng, như: Chưa nhận thức sâu sắc về nguyện vọng của nhân dân; chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình mới, nhất là trong thời kỳ mạng xã hội phát triển; còn tính hình thức trong công tác dân vận; các cấp chính quyền chưa quan tâm sâu sát tới công tác dân vận...

Thủ tướng yêu cầu, các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng cần làm tốt hơn nữa công tác vận động quần chúng, tạo quan hệ tốt với nhân dân. Các hội viên cần cập nhật, phát hiện sớm các mâu thuẫn trong trong nhân dân, bất cập trong thực tiễn. Lãnh đạo của các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng cần tập hợp các vấn đề phát sinh từ cơ sở để giải quyết từ gốc, từ cơ sở, không để bức xúc quá lâu. Đặc biệt, phát huy tinh thần trách nhiệm, vai trò của hội viên tích cực giải quyết các mâu thuẫn này.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, các tổ chức chính trị-xã hội và hội quần chúng tiếp tục tuyên truyền, phổ biến quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước tới các tầng lớp nhân dân, tạo đồng thuận xã hội. Các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng cần giữ vững vai trò liên minh chính trị, liên hiệp tự nguyện; tăng cường đổi mới, nội dung phương thức hoạt động để phát huy tiềm năng, sức sáng tạo của hội viên. Thủ tướng cũng lưu ý các tổ chức cần chú trọng trong công tác vận động người Việt Nam ở nước ngoài hướng về Tổ quốc, tham gia đóng góp xây dựng quê hương, đặc biệt, thu hút lực lượng trí thức trẻ là Việt kiều về nước.

Cùng với đó, các bộ, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ với các tổ chức chính trị-xã hội và các hội quần chúng nói lên tiếng nói, chủ trương, quan điểm của Đảng, thúc đẩy sự phát triển của các tổ chức. Cùng nhau phấn đấu xây dựng Việt Nam thịnh vượng, hùng cường trong một tương lai gần. Phát huy hiệu quả công tác điều hành của chính quyền, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn lãnh đạo các tổ chức chính trị-xã hội, hội quần chúng tiếp tục công tác tốt, làm tròn chức năng, đóng góp vào việc thực hiện các nhiệm vụ của đất nước trong năm 2020. Đó là mang lại ấm no, hạnh phúc cho nhân dân, xây dựng đất nước bình yên, an toàn.

PV

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất