Thứ Năm, 2/1/2025
Xây dựng phong cách phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, sát dân hơn nữa

Trong 2 ngày (ngày 31/7-1/8/2018), tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7/2018. Chính phủ đã dành phần lớn thời gian của ngày làm việc thứ hai (ngày 1/8) của phiên họp để thảo luận về tình hình triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018.

Thảo luận tại phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định, kinh tế - xã hội tháng 7 và 7 tháng năm 2018 tiếp tục duy trì xu thế tích cực. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát. Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt trong điều hành giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu đã đề ra, nhờ đó, sau hai tháng tăng liên tiếp, CPI tháng 7 đã giảm 0,09% so với tháng trước. Tính chung 7 tháng, CPI bình quân tăng khoảng 3,45%, lạm phát cơ bản bình quân tăng ở mức hợp lý, khoảng 1,36% so với cùng kỳ.

Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 20/7/2018 tăng khoảng 7,69%, đáp ứng được yêu cầu về vốn của nền kinh tế; bảo đảm thu, chi ngân sách nhà nước; giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước có bước cải thiện. Dòng vốn FDI duy trì ổn định và đạt mức tăng cao hơn cùng kỳ.

Tình hình sản xuất kinh doanh diễn biến tích cực trong cả 3 khu vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; dịch vụ. Công nghiệp trong 7 tháng đầu năm 2018 tiếp tục đà tăng trưởng, chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp (IIP) tháng 7/2018 ước tăng 14,3% so với cùng kỳ năm 2017, trong đó ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và ngành sản xuất phân phối điện tiếp tục có mức tăng cao hơn so với mức tăng cùng kỳ. Đây là những yếu tố tạo động lực vững chắc để đạt được mục tiêu tăng trưởng chung của toàn ngành công nghiệp.

Khu vực thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng khá, sức mua tiêu dùng tăng; hoạt động du lịch sôi động với xu hướng khách nội địa tăng cao và khách quốc tế bắt đầu tăng trở lại. Xuất, nhập khẩu hàng hóa duy trì tốc tộ tăng cao, cân đối thương mại thặng dư khoảng 3,1 tỷ USD.

Công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống nhân dân, nhất là hoạt động tri ân những người có công ngày càng phát triển sâu rộng, được đông đảo các tầng lớp nhân dân hoan nghênh và nhiệt tình hưởng ứng. Nhiều bộ, ngành và địa phương đã chủ động phòng chống thiên tai, ứng phó kịp thời với bão lũ, giảm thiệt hại về người, tài sản, bảo đảm an toàn, ổn định đời sống của nhân dân nhanh nhất sau khi bão qua.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cũng cho rằng, khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế còn nhiều, tăng trưởng ngành công nghiệp có xu hướng chậm lại; năng lực cạnh tranh của sản phẩm chưa cao. Số lượng doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh tăng, các vấn đề bất cập trong nội tại nền kinh tế còn chậm được khắc phục. Sức ép lạm phát và biến động tỷ giá có xu hướng tăng lên. Diễn biến thời tiết phức tạp ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống người dân. Cán cân thương mại chưa thực sự bền vững…

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nhìn lại kết quả triển khai thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội tháng 7 và 7 tháng đầu năm 2018 nước ta đã đạt được những kết quả tích cực và toàn diện nhưng vẫn còn nhiều mặt hạn chế, yếu kém và còn không ít khó khăn, thách thức phải tập trung khắc phục, giải quyết.  

Sau khi phân tích tình hình trong nước, khu vực, quốc tế; những yếu tố tác động đến kinh tế Việt Nam, trong đó có sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ thương mại; cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu cầu các cấp, các ngành cần tiếp tục quan tâm hơn nữa đến công tác dự báo, chủ động theo dõi sát diễn biến tình hình để có những phản ứng chính sách kịp thời. Tinh thần chỉ đạo xuyên suốt là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát tốt lạm phát, củng cố niềm tin xã hội, niềm tin thị trường, niềm tin doanh nghiệp; ngăn chặn nguy cơ tốc độ tăng trưởng đảo chiều sau 2 năm vững chắc. Phát triển kinh tế phải gắn liền với vấn đề bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

“Tôi yêu cầu các thành viên Chính phủ trực tiếp hơn, sát sao hơn, quyết liệt hơn trong chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp, các nhiệm của ngành, lĩnh vực mình phụ trách. Các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh cần có kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ rõ ràng, giao trách nhiệm, kiểm tra đôn đốc cấp dưới của mình trong thực hiện nhiệm vụ; tập trung mạnh vào tháo gỡ những khó khăn vướng mắc đối với phát triển”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo.

Thủ tướng nhấn mạnh cần siết chặt kỷ luật tài khóa, bảo đảm cân đối thu-chi ngân sách nhà nước, đề cao trách nhiệm giải trình, đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công theo đúng kế hoạch, tiến độ; tăng cường thanh tra, kiểm tra, nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm của tổ chức, cá nhân gây chậm trễ trong việc thực hiện kế hoạch đầu tư công. Các cấp, các ngành cần triệt để thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, tiết kiệm chi thường xuyên, mua sắm, hội họp… Đẩy mạnh tiến độ xây dựng các công trình trọng điểm quốc gia, nhất là những công trình thuộc ngành giao thông vận tải. Thúc đẩy đô thị hóa đi liền với công nghiệp hóa và phát triển các loại hình dịch vụ.

Không thay đổi các chính sách kinh tế, tài chính trong năm 2018; không điều chỉnh giá điện, kiểm soát chặt chẽ giá dịch vụ giáo dục, y tế.  

Điều hành linh hoạt các công cụ chính sách tiền tệ để điều tiết vốn và kiểm soát tiền tệ nhằm góp phần ổn định thị trường tiền tệ và ổn định vĩ mô. Chú ý đến tính bền vững và hiệu quả của thị trường chứng khoán Việt Nam.

Cùng với chú trọng hơn nữa thị trường xuất khẩu, phải dành sự quan tâm thỏa đáng hơn đến thị trường nội địa gần 100 triệu dân với chất chất lượng phục vụ tốt hơn, chất lượng tiêu dùng tốt hơn; phải đặt yêu cầu cao về an toàn thực phẩm như với thị trường xuất khẩu.

Đẩy mạnh hơn nữa tái cơ cấu kinh tế, cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước. Công bố công khai những đơn vị chậm trễ trong cổ phần hóa và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước.

Tăng cường phối hợp giữa các lực lượng chức năng kiểm soát tốt khu vực biên giới, ngăn chặn tình trạng hàng hóa công nghệ thấp, chất lượng kém vào Việt Nam. Thúc đẩy các hoạt động hội nhập, tận dụng tối đa các cơ hội do các Hiệp định thương mại tự do mang lại trong phát triển kinh tế.

Tiếp tục cải cách thể chế, chính sách pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cắt giảm điều kiện kinh doanh; tập trung mạnh vào tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Thúc đẩy xây dựng và phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số; các bộ ngành hữu quan cần phối hợp chặt chẽ trong xây dựng chiến lược, các bước triển khai xây dựng và phát triển Chính phủ số, nền kinh tế số.

Tái cơ cấu nông nghiệp một cách thực chất và mạnh mẽ hơn nữa; đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, sản phẩm phù hợp với lợi thế và nhu cầu thị trường, thích ứng với biến đổi khí hậu. Tiếp tục tăng cường quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp, thuốc bảo vệ thực vật và bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào khu vực nông nghiệp, nông thôn.

Trong lĩnh vực công thương, chú trọng nâng cao năng lực sản xuất. Tăng cường việc giám sát, kiểm tra tình hình thực hiện kế hoạch sản xuất kinh doanh; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, tạo môi trường thuận lợi thu hút các thành phần kinh tế đầu tư, phát triển sản xuất, kinh doanh; thúc đẩy hơn nữa công nghiệp chế biến chế tạo; bảo đảm phát triển thị trường bền vững đối với các sản phẩm công nghiệp.

Không ngừng củng cố tiềm lực quốc phòng, an ninh; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; không để bị động, bất ngờ trước mọi tình huống. Tăng cường đấu tranh trấn áp tội phạm, nhất là tội phạm ma túy, tội phạm sử công nghệ cao. Chấn chỉnh, xử lý tình trạng tín dụng đen, cho vay nặng lãi đang có chiều hướng gia tăng ở các khu vực nông thôn, khu công nghiệp.

Thực hiện quyết liệt hơn nữa các giải pháp bảo đảm trật tự an toàn giao thông; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm của lái xe và chủ xe kinh doanh vận tải, đặc biệt là các hành vi vi phạm quy định về tốc độ, nồng độ cồn, đi sai làn đường, chở quá tải trọng…

Tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp giảm quá tải bệnh viện và tăng cường phòng, chống dịch bệnh theo mùa; bảo đảm an ninh, an toàn, vệ sinh bệnh viện. Tăng cường đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất, bệnh viện, trường học, nhất là nhà vệ sinh bệnh viện và trường học.

Về công tác phòng, chống thiên tai, các bộ, ngành chức năng cần tiếp tục nâng cao năng lực cảnh báo, phòng chống. Xử lý nghiêm việc phá rừng, khai thác tài nguyên khoáng sản trái phép. Luôn giữ thế chủ động trong phòng chống thiên tai, lũ lụt; tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ, sạt lở đất; kịp thời tổ chức thăm hỏi, hỗ trợ các gia đình bị thiệt hại; xử lý tốt vấn đề vệ sinh môi trường, phòng ngừa dịch bệnh, khôi phục sản xuất, cơ sở hạ tầng thiết yếu, ổn định đời sống cho nhân dân vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai. Đặc biệt phải bảo đảm an ninh, an toàn hồ đập; các hồ đập thủy điện và thủy lợi phải có người chịu trách nhiệm vận hành, điều tiết để bảo đảm an toàn cho người dân.

Các cấp bộ, ngành, địa phương cần quan tâm hơn nữa việc giải quyết khiếu nại, tố cáo; không để khiếu nại, tố cáo đông người, vượt cấp lên Trung ương. Các cơ quan chức năng cần rà soát, thống kê cụ thể các vụ việc khiếu nại tố cáo kéo dài để có các biện pháp xử lý tốt hơn. Không để các phần tử cơ hội chính trị lôi kéo quần chúng, kích động người dân đi khiếu nại tố cáo, biểu tình, gây mất trật tự, an toàn xã hội.

Thủ tướng nhấn mạnh, những vi phạm, gian lận trong kỳ thi THPT quốc vừa qua là rất nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới niềm tin của nhân dân, xã hội. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nghiêm túc nhận trách nhiệm trước Đảng và Nhà nước; trước Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và nhân dân. Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục và Đào tạo rà soát lại hệ thống quản trị của ngành để tổ chức kỳ thi lần sau tốt hơn nữa, không để xảy ra sơ xuất. Bộ Công an phối hợp với các cơ quan liên quan tiếp tục điều tra, xử lý nghiêm minh những vi phạm trong kỳ thi THPT quốc gia vừa qua ở một số địa phương. Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ đạo các cơ quan báo chí thông tin kịp thời, chính xác diễn biến xung quanh kỳ thi, không để dư luận hiểu sai lệch về công tác quản lý nhà nước của ngành giáo dục và kết quả chung của kỳ thi.

Thủ tướng yêu cầu các Bộ trưởng, trưởng ngành quan tâm thực hiện nghiêm quy hoạch, sắp xếp báo chí của bộ, ngành mình, của các hội, đoàn thể trực thuộc. 

Các bộ, ngành, địa phương chủ động, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời cho báo chí, xã hội về tình hình các mặt kinh tế-xã hội, góp phần định hướng dư luận, tạo đồng thuận xã hội; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, lợi dụng quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí xâm phạm lợi ích của nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, công dân; triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh thông tin mạng; đấu tranh, phản bác thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành phải làm gương, nghiêm túc trong thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và 27 biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; xây dựng phong cách phục vụ nhân dân tốt hơn nữa, sát dân hơn nữa, chống quan liêu, tiêu cực; hoạt động hiệu lực, hiệu quả hơn nữa trong thực hiện các nhiệm vụ được giao./.

Theo Mạnh Hùng/dangcongsan.vn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Các tin khác

Xem nhiều nhất