Thứ Sáu, 19/4/2024
Gặp mặt, chúc mừng nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11)

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và các đại biểu dự buổi gặp mặt


Cùng dự, có các đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị: Phạm Minh Chính, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư; Trương Thị Mai, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Tòng Thị Phóng, Phó Chủ tịch Thường trực QH; các đồng chí Ủy viên T.Ư Ðảng: Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của QH; Phùng Xuân Nhạ, Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo (GD và ÐT).

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, Ðảng, Nhà nước ta luôn quan tâm, đặt công tác GD và ÐT ở vị trí quốc sách trong xây dựng và phát triển đất nước. Thủ tướng nhiệt liệt biểu dương các thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục là Ðại biểu QH khóa XIV và các đại biểu QH nguyên là Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng; đánh giá cao sự trưởng thành, đóng góp to lớn của đội ngũ giáo viên trong cơ quan quyền lực Nhà nước, đại biểu cao nhất của nhân dân. Ðồng thời, nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác GD và ÐT trong kỷ nguyên số, vai trò mang tính chất quyết định của các nhà giáo, nhất là những thầy giáo, cô giáo đã hy sinh tuổi thanh xuân, vượt núi, vượt biển, băng rừng mang con chữ đến với học sinh thân yêu trong thời đại mới của đất nước.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng, với phẩm chất cao quý, các thế hệ nhà giáo Việt Nam sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa cho sự nghiệp "trồng người"; các đại biểu QH là nhà giáo, nguyên nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục tiếp tục nghiên cứu, góp ý, hoàn thiện dự án Luật Giáo dục (sửa đổi), tiến hành giám sát có hiệu quả việc thực thi các Luật, Nghị quyết của QH về GD và ÐT, tham gia tích cực trong hoàn thiện chính sách, pháp luật về giáo dục, đào tạo để bảo đảm nền giáo dục Việt Nam ổn định, phát triển.

* Chiều 19-11, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gặp mặt các nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục (QLGD) tiêu biểu. Cùng dự có Phó Thủ tướng Vũ Ðức Ðam.

Phát biểu ý kiến tại buổi gặp mặt, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ân cần gửi tới các thế hệ nhà giáo, cán bộ QLGD trên mọi miền Tổ quốc lời thăm hỏi thân thiết, lời chúc mừng tốt đẹp nhất nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11. Thủ tướng khẳng định, dân tộc Việt Nam có truyền thống quý báu "tôn sư, trọng đạo", nhà giáo và nghề dạy học luôn được xã hội tôn vinh. Ðảng, Nhà nước luôn quan tâm, chăm lo xây dựng, phát triển đội ngũ nhà giáo và cán bộ QLGD.

Trong bối cảnh hiện nay, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, xã hội biến chuyển nhanh chóng, yêu cầu đối với giáo dục ngày càng cao, Thủ tướng mong các thầy giáo, cô giáo không ngừng học tập, rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức, trau dồi, cập nhật tri thức, phương pháp giảng dạy để xứng đáng với sứ mệnh cao quý của người thầy trong sự nghiệp giáo dục của nước nhà. Thủ tướng khẳng định, Ðảng, Nhà nước sẽ tiếp tục chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo, tạo điều kiện thuận lợi để các nhà giáo phát huy năng lực, khả năng sáng tạo và an tâm cống hiến.

Thủ tướng đề nghị các bộ, ngành liên quan khẩn trương rà soát hiện trạng đội ngũ giáo viên, bảo đảm đủ và phát huy hiệu quả đội ngũ giáo viên; khắc phục tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương; nghiên cứu cơ chế chính sách để thu hút được học sinh giỏi, xuất sắc vào ngành sư phạm; thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên. Thực hiện tốt công tác thông tin, truyền thông hơn nữa để cả xã hội thấu hiểu, chia sẻ với những khó khăn, vất vả của đội ngũ nhà giáo và đồng hành trong sự nghiệp đổi mới giáo dục và đào tạo (GD-ÐT). Từng gia đình cũng phải có trách nhiệm với ngành giáo dục trong sự nghiệp giáo dục, nhất là đạo đức công dân. Các cơ sở GD-ÐT quan tâm xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, dân chủ và phát huy trí tuệ, năng lực sáng tạo, đồng thời quan tâm đời sống vật chất, tinh thần của giáo viên.

* Ngày 19-11, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh đến thăm, chúc mừng các nhà giáo tiêu biểu nhân kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam (20-11). Thăm GS, TS Trần Hồng Quân, nguyên Bộ trưởng Giáo dục và Ðào tạo, Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của GS, TS Trần Hồng Quân cho sự nghiệp giáo dục. Ðồng chí cũng thông báo một số định hướng phát triển lĩnh vực giáo dục và đào tạo trên địa bàn thành phố trong thời gian tới. Theo đó, thành phố đang xây dựng đề án phát triển Khu đô thị sáng tạo nhằm kết nối 12 trường đại học ở khu vực đông nam thành phố với Khu Công nghệ cao TP Hồ Chí Minh và khu đô thị mới Thủ Thiêm để xây dựng thành khu đô thị thông minh. Với vai trò đầu tàu, thành phố sẽ thúc đẩy liên kết giữa các trường đại học, cao đẳng với các khu công nghiệp của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Về giáo dục phổ thông, trên địa bàn có khoảng 1,6 triệu học sinh, mỗi năm thành phố đầu tư xây mới hơn 1.000 phòng học để đáp ứng cho số lượng học sinh tăng thêm…

Ðến thăm Nhà giáo Nhân dân, GS, TS Phan Thị Tươi, nguyên Hiệu trưởng Trường đại học Bách Khoa TP Hồ Chí Minh, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân mong muốn GS, TS Phan Thị Tươi tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, góp phần xây dựng thành phố ngày càng phát triển văn minh, hiện đại, nghĩa tình.

* Ngày 19-11, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh dự Lễ tri ân, tôn vinh các Nhà giáo và trao tặng phần thưởng của Nhà nước cho các tập thể, cá nhân của Ðại học Thái Nguyên. Thừa ủy quyền của Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước Ðặng Thị Ngọc Thịnh đã trao Huân chương Lao động hạng nhì cho hai cá nhân, Huân chương Lao động hạng ba cho một cá nhân. Dịp này, một tập thể và 12 cá nhân được tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ.

Phát biểu ý kiến tại buổi lễ, đồng chí Ðặng Thị Ngọc Thịnh biểu dương, chúc mừng toàn thể các thế hệ nhà giáo, nhà khoa học đã, đang nghiên cứu, giảng dạy tại Ðại học Thái Nguyên, đồng thời mong muốn các thầy giáo, cô giáo tiếp tục phát huy khả năng, trình độ, tâm huyết cống hiến hết mình để nghiên cứu, giảng dạy, đào tạo nguồn nhân lực cho đất nước. Ðồng chí cho rằng, là trung tâm đào tạo và nghiên cứu khoa học của vùng trung du, miền núi phía bắc, đối tượng chủ yếu là con em đồng bào dân tộc thiểu số, nơi có điều kiện kinh tế, xã hội còn nhiều khó khăn cho nên Ðại học Thái Nguyên cần nhận thức đầy đủ trách nhiệm của mình, đóng góp hiệu quả vào quá trình phát triển của vùng, sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Nhân dịp này, Phó Chủ tịch nước đã trao 30 suất học bổng tặng các sinh viên quốc tế và sinh viên Việt Nam đang theo học tại Ðại học Thái Nguyên./.

Nguồn: nhandan.com.vn



Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất