Chủ Nhật, 8/12/2024
“Rồng rắn lên mây” trong kiến trúc - điêu khắc thời Lý

 

Vẻ đẹp "thuần Việt"

Vượt qua đêm trường lịch sử ngàn năm Bắc thuộc, con Rồng "thuần Việt" của cư dân nền văn minh nông nghiệp lúa nước, yêu chuộng hòa bình lại xuất hiện, ngời tỏa ở thời Lý (thế kỷ XI - XII). Nó hoàn toàn khác hẳn con Rồng ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa trước đó, nhằm khẳng định vị thế của một quốc gia đã xác lập đàng hoàng nền độc lập tự chủ.

Vốn gắn bó với đất đai đồng ruộng hoa màu, đặc biệt là lúa nước, nên hơn ai hết, người Việt luôn mong cầu "Thiên thời, Địa lợi, Nhân hòa", "mưa thuận gió hòa":

Trông trời, trông đất, trông mây

Trông mưa, trông nắng, trông ngày, trông đêm

Trông cho chân cứng đá mềm

Trời yên, biển lặng mới yên tấm lòng

Từ sự mong cầu sâu thẳm ấy, người Việt đã suy tôn Rồng là thần linh, thần chủ của nguồn nước mang lại sức sống mãnh liệt cho vạn vật, làm cho mùa màng bội thu. Vì thế thời Lý luôn tạo hình Rồng trong khung cảnh sóng nước, mây cuộn như vũ khúc bay bổng, nhịp nhàng của trời - đất hoan ca.

Rồng Lý có niên đại sớm nhất là Rồng ở đại danh lam Phật Tích (Từ Sơn - Bắc Ninh). Con Rồng "khai sáng" tại cửa Thiền này là một mẫu chuẩn được hoàn chỉnh, định hình về mỹ thuật ngay từ đầu với những chi tiết đặc trưng. Không phải ngẫu nhiên mà cấu trúc Rồng Phật Tích hiện diện ở hầu hết các di tích thời Lý. Điều dễ nhận thấy là Rồng Lý có thân hình tròn lẳn và dài. Nó là sự biến hóa của hình dạng con Rắn. Rồng nhỏ thì mình trơn, Rồng lớn thì lưng có một hàng vây thấp nhỏ liền mạch và đều đặn như diềm lá cờ đuôi nheo. Tuỳ từng vị trí và loại hình kiến trúc điêu khắc mà nghệ nhân chế tác Rồng lớn có sự cách điệu độc đáo về vảy. Nếu Rồng tháp Chương Sơn (Ý Yên - Nam Định) vảy kép thì Rồng cột đá chùa Dạm (Xã Nam Sơn - TP. Bắc Ninh) lại vảy hoa.

 

Đặc trưng nổi bật của Rồng Lý là thân uốn khúc hình sin uyển chuyển, mềm mại, thanh thoát vút nhỏ dần về phía đuôi. Phổ biến là loại 11 - 12 khúc uốn nhưng cũng một số con có tới 17 - 19 khúc uốn như một số mẫu Rồng ở tháp Chương Sơn (Ý Yên - Nam Định), chùa Phật Tích (Từ Sơn - Bắc Ninh), bia Quỳnh Lâm (Đông Triều - Quảng Ninh), bia Long Đọi (Duy Tiên - Hà Nam). Cách uốn lượn trên thân Rồng khiến ta liên tưởng dải mây lụa phơi phới bay trong làn gió xuân hay vũ điệu của sóng nước "dậy thì" ngoài khơi.

Quốc gia Đại Việt thời Lý rất quý trọng đạo Phật và đã coi là quốc giáo, do đó mô típ Rồng Lý thường song hành "như bóng với hình" trong các bệ tượng A Di Đà, Quán Thế Âm hội tụ cùng lá Đề, cánh Sen, hoa Sen - tượng trưng cho sự thanh khiết tối thượng của chốn thiền môn. Đây cũng ngầm ý về lai lịch xuất thân của vua Lý Thái Tổ. 

Rồng Lý mỗi chân có ba móng cong nhọn, riêng Rồng trên trán bia Quỳnh Lâm, cột đá chùa Dạm có 4 móng. Phải chăng số lượng 3 móng biểu hiện cho Tam Tài (Thiên - Địa - Nhân), còn 4 móng là nói về tứ phương (Đông - Tây - Nam - Bắc) hay tứ trụ (ngày, giờ, năm, tháng)? Thông thường, vị trí chân của Rồng Lý bao giờ cũng đặt ở một chỗ nhất định. Chân trước mọc gần giữa khúc uốn thứ nhất, chân đối xứng phía bên kia nằm gần cuối khúc uốn này. Hai chân sau bao giờ cũng ở gần khoảng giữa khúc uốn thứ ba. Tùy theo sự vận động (chạy dọc hay nằm ngang) mà Rồng có thế chân tương ứng trông rất sinh động.

Đầu Rồng ngẩng cao, dáng đầu rực lửa thể hiện cho khí thế hừng hực "xung thiên", mắt lồi to như quán xét các sự vật trần gian, miệng há rộng, chiếc răng nanh mọc từ cuối hàm trên, uốn cong và vắt qua vòi mép ở trên vờn ngậm viên ngọc quý tượng trưng cho tính nhân văn, tri thức và khát vọng hướng thượng cao đẹp. Từ mũi Rồng mọc lên chiếc mào lửa lẫm liệt kiêu hùng, đặc biệt hơn cả là trên trán Rồng “đóng dấu” hoa văn giống hình chữ S. Mô típ hình chữ S từng xuất hiện rất sớm trên các di vật cực kỳ tinh xảo của nền văn hóa Đông Sơn trong thời đại đồ đồng. Điều đó chứng tỏ người Việt cổ khá am tường thiên văn để đặt nông lịch cho chính xác vì mọi sự cấy trồng đều phải dựa vào khí hậu, thời tiết. Hình chữ S là hình của chòm sao Thương Long gồm 7 ngôi sao (Giác, Cang, Đê, Phong, Tâm, Vĩ, Cơ) trông tựa con Rồng, trong đó ngôi sao sáng rực hơn cả là sao Tâm hay còn gọi là sao Thần. Chữ Thần còn đọc là Thìn thuộc về dương khí hưng thịnh, có sấm động mưa tuôn giúp cho nông nghiệp cày cấy thuận lợi. Như vậy hình chữ S là cổ tự của chữ "lôi" - tượng trưng cho sức mạnh tự nhiên (mây mưa, sấm chớp).

Rồng Lý "nở rộ" trên các chất liệu "trơ gan cùng tuế nguyệt" như gốm, đá và thiên biến vạn hóa trong kiểu thức trang trí cực kỳ ấn tượng: trên viên ngói lá Đề hay viên ngói cánh Sen. Nổi bật hơn cả là đầu đao của công trình lớn "ngự" đầu Rồng hoành tráng (mỗi đầu Rồng "độc lập" có chiều cao 70 cm,  bề ngang 40 cm).

Còn Rồng đôi thì chúng lồng ghép đối xứng trong một tổng thể hài hòa của viên ngói lá Đề trọn vẹn, vận động theo thể thức: đầu Rồng hướng vào khoảng giữa (có hình lá Đề nhỏ hoặc viên ngọc có quầng sáng), thân Rồng lượn vòng xuống tỏa ra hai bên, nương theo diềm lá Đề hoặc cánh Sen rồi hất ngược lên đỉnh đầu và chụm đuôi ở đỉnh lá Đề, cánh Sen (lá Đề chùa Phật Tích, cánh Sen ở bệ tượng tháp Chương Sơn).

Đôi khi lá Đề tách làm đôi thì mỗi nửa có một con Rồng gọi là kiểu Rồng đơn chạm nổi trên viên ngói lá Đề lệch nhưng nó vẫn tuân thủ nguyên tắc vận động như ở Rồng đôi. Trên cột đá chùa Dạm, đôi Rồng được chạm vòng quanh cột, hai đầu đối xứng chầu lá Đề, khúc thân uốn thứ 7 của hai con Rồng xoắn vào nhau rồi lượn về hai phía.

Dù có chiều kích thế nào trong nghệ thuật tạo hình thì Rồng Lý vẫn thấm đậm "hồn vía" dân tộc Việt: mềm mại mà mạnh mẽ, độc đáo linh diệu trong sự thống nhất đa dạng.

Rồng thiêng thời đại vươn mình…

Các công trình kiến trúc điêu khắc thời Lý có quy mô to lớn xuất hiện khắp nơi, đặc biệt ở Thăng Long và khu vực "Tứ trấn" trong đó có Kinh Bắc - quê hương của Nhà Lý; hơn nữa, lại được xây dựng ở những vị trí "đắc địa", hưng vượng về long mạch. Khâm phục biết bao, các nghệ sĩ bậc thầy thời Lý đã am tường sâu sắc nghệ thuật tổ chức, phối hưởng không gian kiến trúc điêu khắc với phong cảnh sơn thủy hữu tình để tôn cái đẹp nhân tạo, thiên tạo lên vị trí xứng đáng.

Theo "Đại Việt sử ký toàn thư", ngay buổi đầu định đô Thăng Long, Lý Thái Tổ đã quy hoạch cho xây dựng hàng loạt cung điện trong Hoàng Thành: phía trước dựng điện Càn Nguyên là nơi vua thiết triều, bên tả làm điện Tập Hiền, bên hữu dựng điện Giảng Võ. Lại mở cửa Phi Long thông với cung Nghênh Xuân, cửa Đan Phượng thông với cửa Uy Viễn, hướng chính nam dựng điện Cao Minh, đều có 3 thềm rồng, trong thềm rồng có hành lang dẫn ra xung quanh bốn phía... Đằng sau điện Càn Nguyên là điện Long An và điện Long Thụy là nơi vua nghỉ ngơi. Bên trái xây điện Nhật Quang, bên phải xây điện Nguyệt Minh, đằng sau là cung Thúy Hoa là nơi ở của các phi tần.

Theo thời gian, các vua Nhà Lý đã cho xây dựng 36 cung, 49 điện ở khu trung tâm Cấm thành Thăng Long. Bến sông Hồng có điện Hàm Quang, bên hồ Kim Minh có điện Hồ Thiên Bát Giác, trên hồ Dâm Đàm có cung Tây Hồ.

Qua các nguồn sử liệu và các cuộc khai quật khảo cổ học gần đây, các chuyên gia trong nước và quốc tế đã đánh giá: kiến trúc hoàng thành Thăng Long đánh dấu bước chuyển biến vượt bậc của nghệ thuật kiến trúc và quy hoạch kinh thành Thăng Long thời Lý.

Phồn hoa thứ nhất Long thành

Phố giăng mắc cửi đường quanh bàn cờ

Vẻ đẹp phố phường nhân lên gấp bội cũng một phần do nghệ thuật trang tri Rồng Lý. Hình tượng Rồng giàu thẩm mỹ và xuyên suốt trong các công trình kiến trúc được sử dụng rất nhiều trong trang trí điêu khắc, được thể hiện chủ yếu dưới dạng phù điêu như vòm cửa chùa tháp hoặc diềm mái nóc mái kiến trúc cung điện. Một số thể hiện dưới dạng tượng tròn ở các thành bậc, cột biểu, các đố đá tròn xây tháp (Phật Tích, Tường Long, Chương Sơn).

Ngói ống lợp diềm mái gắn lá đề trang trí Rồng là loại ngói độc đáo nhất trong khu vực châu Á, mang bản sắc riêng của nghệ thuật kiến trúc cổ Việt Nam. Các di tích kinh đô cổ của các nước trong khu vực không có loại ngói ống cầu kỳ như thế này mà chỉ lợp ngói ống có đầu trang trí linh thú hay hoa Sen, hoa Cúc…

Thật kỳ vĩ khi đầu Rồng khổng lồ nguyên khối được đặt ở đầu đao trang trí mái cung điện thời nhà Lý. Thật lãng mạn và duyên dáng khi trên cột đá hình trụ thắt cổ bồng chạm 9 tầng sóng nước - tượng trưng cho chốn "cửu trùng" nhắc nhở ta nhớ tới cảnh tượng vua Lý Thái Tổ thấy Rồng bay buổi ban đầu định đô.

Không chỉ trang trí Rồng Lý ở không gian kiến trúc điêu khắc trên cao (Dương thế) mà người Việt còn "ăn sâu" vẻ đẹp vào trong lòng nước (Âm thế). Nếu Rồng Lý ở Thăng Long và các nơi khác đều vươn tỏa thần lực vào trời xanh theo câu ca đồng dao: "Rồng rắn lên mây" thì Rồng trong ao Rồng ở khuôn viên chùa Phật Tích lại tiềm ẩn nội lực tâm linh huyền bí được dùng như một đạo bùa trấn yểm huyệt mạch thiêng của khu vực “cửa ngõ kinh đô” nước ta. Ao Rồng bên phải cửa chùa Phật Tích dài 7m, rộng 5m, sâu 2,2m dưới đáy ao có thềm đá hình bán nguyệt, đường kính 3,8m được chạm trổ hình Rồng và sóng nước tạc đầu Rồng bằng đá có chiều dài 53cm, rộng 20cm, miệng ngậm ngọc và giếng sau chùa sát chân núi tạc đuôi Rồng, phải chăng là một điển hình cho một “nghệ thuật sắp đặt” kiểu Lý?

Ngàn năm lịch sử đã trôi qua… nhưng hình bóng, hồn vía Rồng Lý còn tồn tại trong các công trình kiến trúc điêu khắc vẫn âm vang xao xuyến những tâm hồn yêu chuộng, thích khám phá những giá trị văn hoá tâm linh Việt với hy vọng trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, đất nước tiếp tục hành trình “Rồng bay” rạng rỡ./.

TRƯƠNG THỊ KIM DUNG

Gửi cho bạn bè

Xem nhiều nhất