Thứ Tư, 25/12/2024
Hiệu quả từ công tác truyền thông thay đổi hành vi vệ sinh môi trường

Những năm qua, xã Minh Tiến (huyện Đại Từ) đã có nhiều biện pháp nhằm tuyên truyền, vận động người dân thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn. Trong đó, việc triển khai Chương trình trên địa bàn xã được coi như một đòn bẩy giúp cho việc thực hiện tiêu chí này về đích nông thôn mới trở nên thuận lợi hơn.


 Cán bộ y tế xã Minh Tiến tuyên truyền về lợi ích xây nhà tiêu hợp vệ sinh cho hộ gia đình anh Phạm Văn Thủy ở xóm Lưu Quang 2

 

Anh Phạm Văn Thủy ở xóm Lưu Quang 2 chưa chú trọng vấn đề vệ sinh môi trường. Anh Thủy chia sẻ: “Trước đây gia đình tôi chỉ có nhà tiêu một ngăn làm tạm ngoài bãi xa nhà. Cán bộ y tế và trưởng xóm đến bảo như thế không hợp vệ sinh và động viên tôi đăng ký tham gia dự án để xây nhà tiêu mới. Được dự án hỗ trợ tiền, hàng xóm giúp công xây với tấm lợp. Bây giờ nhà tôi đã có nhà tiêu hai ngăn sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh”.

Chị Trịnh Thị Chinh, nhân viên y tế thôn bản xóm Lưu Quang 2 cho biết: trước khi triển khai dự án, xóm Lưu Quang 2 có 146 hộ gia đình thì có đến gần 98 hộ chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, thậm chí có hộ chưa từng có nhà tiêu, rác thải chưa được thu gom, xử lý gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người dân. Khi xóm được chọn triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” vay vốn của Ngân hàng Thế giới, xã, xóm đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân bằng mọi cách xây dựng và sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, cải thiện môi trường sống. Trong quá trình triển khai, có những hộ gia đình quá nghèo không có khả năng hoàn thiện nhà tiêu mới dù được hỗ trợ một phần kinh phí. Với những trường hợp đó, xã vừa động viên vừa huy động thêm nguồn lực xã hội hóa như đóng góp ngày công, vật liệu xây dựng… để giúp những hộ đó xây được nhà tiêu hợp vệ sinh đúng theo các tiêu chí đề ra. Năm 2019, tỷ lệ hộ gia đình có nhà tiêu hợp vệ sinh của toàn xã chỉ đạt 51%, nay tỷ lệ đã tăng lên trên 80%.
Tại xã Phú Lạc (huyện Đại Từ), một xã thuần nông, đời sống của người dân chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp nên kinh tế còn nhiều khó khăn. Đặc biệt, lối sống, tập quán của họ đã phần nào đã ảnh hưởng đến công tác phòng dịch bệnh, gây ô nhiễm môi trường. Do vậy, việc triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” trên địa bàn xã chính là đòn bẩy giúp địa phương thực hiện tiêu chí về vệ sinh môi trường. Năm 2016, tỷ lệ hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh của toàn xã chỉ đạt 36%. Trước thực trạng đó, xã đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động người dân xây dựng môi trường xanh, sạch đẹp, làm nhà tiêu hợp vệ sinh theo tiêu chí mới. Đặc biệt, các hộ thuộc diện nghèo, cận nghèo và chính sách được nhận hỗ trợ một phần kinh phí của chương trình để xây dựng nhà tiêu mới. Nhờ triển khai sâu rộng các hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh, 284 hộ không thuộc diện hỗ trợ cũng tự nguyện xây nhà tiêu mới hoặc sửa chữa nhà tiêu đã xuống cấp. Đến nay, xã đã có số hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh đạt trên 86% và là xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Xã Khe Mo (huyện Đồng Hỷ) cũng triển khai chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả. Xã Khe Mo cũng tập trung vào việc thay đổi nhận thức người dân trong thực hiện vệ sinh môi trường nông thôn. Nhiều gia đình cũng đã xây dựng công trình nước sạch, nhà tắm, nhà vệ sinh phục vụ sinh hoạt hàng ngày. Tuy nhiên, là địa bàn nông thôn nên người dân vẫn chưa ý thức cao trong bảo vệ môi trường, đặc biệt là sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Năm 2016, hộ có nhà tiêu hợp vệ sinh chỉ đạt 52%. Để đạt tỷ lệ trên 80% số gia đình có công trình vệ sinh đạt chuẩn, cùng với sự hỗ trợ của chương trình, các ban ngành, đoàn thể xã đã tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân. Bác sĩ Hoàng Thị Mai Hương, Trưởng trạm Y tế xã Khe Mo cho biết: “Thực tế đáng mừng là do làm tốt công tác truyền thông nên người dân hiểu rõ lợi ích của việc đảm bảo vệ sinh môi trường sống. Nhiều người không trông chờ vào sự hỗ trợ của nhà nước mà tự bỏ kinh phí để xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh”.


 Nhà tiêu hợp vệ sinh của một gia đình tại xã

 

Gia đình anh Nguyễn Trọng Khôi ở xóm Y Na xã Tân Cương (TP. Thái Nguyên) nhiều năm qua vẫn phải sử dụng nhà tiêu tạm do điều kiện kinh tế còn eo hẹp, nhưng được nhân viên y tế thường xuyên tới nhà tuyên truyền về lợi ích của nhà hợp vệ sinh nên đầu năm 2020 gia đình đã làm được nhà và có nhà vệ sinh mới. Từ khi có nhà tiêu hợp vệ sinh, môi trường sạch sẽ, không còn mùi hôi nữa. Có lẽ không chỉ có gia đình anh Khôi mà còn rất nhiều hộ dân cư đã có thay đổi trong nhận thức về việc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Nhờ thực hiện tốt công tác tập huấn nâng cao năng lực truyền thông thay đổi hành vi cho cán bộ y tế xã, phường, lãnh đạo các khu dân cư, xóm, phố cũng như nhân viên y tế thôn bản, hướng dẫn người dân các kỹ thuật xây dựng nhà tiêu và cách sử dụng nhà tiêu  hợp vệ sinh; đồng thời phát huy nội lực trong dân nên chương trình trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” tại Thái Nguyên đã đạt được những kết quả khả quan, thay đổi thói quen, hành vi và đẩy lùi được một số tập quán không có lợi, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.

Thanh Tâm


Gửi cho bạn bè

Các tin khác