Thứ Năm, 14/11/2024
Để 100% hộ dân được sử dụng nước sạch: Hai vấn đề cần quan tâm
Ban Đô thị HĐND thành phố khảo sát tại Nhà máy nước xã Phong Vân, huyện Ba Vì.

Đã hoàn thành 12 dự án

Thực hiện Nghị quyết của HĐND thành phố, UBND thành phố đã tích cực kêu gọi xã hội hóa đầu tư phát triển nguồn nước sạch, mạng lưới đường ống cấp nước, thống nhất về một đầu mối quản lý là Sở Xây dựng; đồng thời điều chỉnh chất lượng nước, đưa về một chỉ tiêu là nước sạch đô thị. Bên cạnh đó, UBND thành phố đã chỉ đạo các sở, ngành đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khởi công xây dựng nhà máy nước, phát triển mạng lưới cấp nước. Thành phố cũng kiểm tra, rà soát các công trình cấp nước nông thôn được đầu tư từ nguồn ngân sách trước đây để bàn giao cho các doanh nghiệp có đủ kinh nghiệm quản lý, vận hành, bảo đảm hoạt động hiệu quả và dừng đầu tư các trạm cấp nước không hiệu quả…

Theo thống kê của Sở Xây dựng, khu vực nông thôn Hà Nội bao gồm 416 đơn vị hành chính cấp xã, thuộc 17 huyện và thị xã Sơn Tây, với dân số khoảng 4.331.000 người. Tính đến tháng 5-2018, thành phố đã chấp thuận cho 23 nhà đầu tư triển khai 34 dự án, bảo đảm khả năng đấu nối, cấp nước cho gần 52% người dân nông thôn sử dụng và tiếp cận nguồn nước sạch. Nếu các dự án hoàn thành, sẽ nâng tổng số xã được cấp nước sạch lên 382/416 xã. 

Đến nay, có 12 dự án đầu tư xây dựng mạng lưới cấp nước đã hoàn thành thi công các tuyến ống truyền tải, phân phối cấp nước cho nhân dân khi có yêu cầu. Còn lại, một số dự án đang chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án, thi công và cấp nước cho nhân dân khi đủ điều kiện.

Tiến độ chậm, người dân chưa mặn mà

Kết quả giám sát trong tuần qua của Ban Đô thị HĐND TP Hà Nội về tình hình triển khai các dự án nước sạch trên địa bàn nông thôn cho thấy, nhiều dự án triển khai chậm là do gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; nhà đầu tư không đủ năng lực; việc bàn giao công trình Nhà nước đầu tư cho doanh nghiệp tiếp quản còn chậm. Chưa kể, ở một số nơi, dù đã lắp đặt đồng hồ nước, nhưng người dân lại ít dùng.

Đơn cử, tại huyện Chương Mỹ mới có hơn 17.000 hộ được sử dụng nước sạch. Hiện tại, đường ống cấp nước đấu nối mới phủ kín 19/32 xã, thị trấn; 13 xã còn lại đang chờ dự án nước sạch tại thị trấn Xuân Mai. Tuy nhiên, theo kế hoạch, dự án phải hoàn thành vào năm 2017, nhưng đến nay vẫn chưa triển khai hạng mục nào do gặp khó khăn trong giải phóng mặt bằng.

Tương tự, huyện Mê Linh có 18 xã, thị trấn với khoảng 53.000 hộ dân, nhưng hiện mới có hơn 10% số hộ dân được dùng nước sạch. Giai đoạn 2016-2017, UBND TP Hà Nội đã phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án cấp nước sạch trên địa bàn huyện, nhưng đến nay vẫn chậm triển khai.

Các huyện: Phú Xuyên, Ba Vì và Gia Lâm cũng trong tình trạng tương tự, các dự án nhà máy nước triển khai đều chậm tiến độ. Ngoài nguyên nhân năng lực chủ đầu tư yếu, còn có yếu tố: Khi đầu tư xong các hạng mục, nhưng người dân dùng ít, nên chủ đầu tư triển khai cầm chừng, chờ chính sách. Cụ thể, xã Minh Tân (huyện Phú Xuyên) được Công ty cổ phần Nước sạch Hà Nam triển khai xong 100% đường ống, nhưng đến nay chỉ có 120 hộ dân dùng nước; các xã, thị trấn: Đông Quang, Tản Lĩnh, Tây Đằng (huyện Ba Vì) được Công ty cổ phần Cấp nước Sơn Tây đầu tư bao phủ mạng lưới, các hộ dân đã lắp đặt đồng hồ nhưng sử dụng nước sạch rất ít, có hộ chỉ dùng 1 đến 2 khối nước/tháng.

Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Vì Nguyễn Đình Dần cho biết, do ở vùng nông thôn, người dân vẫn có thể sử dụng nước giếng khoan, nước mưa cho việc tắm, giặt; nước máy chỉ dùng để nấu ăn và uống nên số lượng dùng ít. Còn theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Phú Xuyên Nguyễn Hữu Chi, việc người dân sử dụng nước sạch ít là do còn băn khoăn về khoản thu hỗ trợ lắp đặt đồng hồ nước của doanh nghiệp chưa đồng nhất; lo ngại chất lượng nước chưa bảo đảm.

Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố Nguyễn Nguyên Quân cho biết, sẽ kiến nghị UBND thành phố các giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án cấp nước sạch cho khu vực nông thôn. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân sử dụng nước sạch, Ban kiến nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành sớm rà soát các dự án; tạo điều kiện để các chủ đầu tư thực hiện dự án theo kế hoạch. Đặc biệt, với một số chủ đầu tư thiếu năng lực, Ban kiến nghị UBND thành phố kiên quyết thay các nhà đầu tư…, nhằm bảo đảm đến năm 2020, người dân toàn thành phố được sử dụng nước sạch.

Việt Tuấn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất