Thứ Năm, 26/12/2024
Bắc Giang: Cải thiện điều kiện vệ sinh, nâng cao sức khỏe
Người dân xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Tạo thói quen sinh hoạt hợp vệ sinh

Bắc Giang là một trong 21 tỉnh khu vực miền núi phía Bắc; Tây Nguyên và Nam Trung bộ tham gia chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” từ nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới giai đoạn 2016-2020. Trên địa bàn tỉnh triển khai ba hợp phần do Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Y tế tổ chức thực hiện với 50 xã ở 6 huyện (Hiệp Hòa, Yên Thế, Tân Yên, Việt Yên, Lạng Giang, Yên Dũng) được thụ hưởng. Trong đó, Sở Y tế đảm nhận hợp phần vệ sinh nông thôn và thay đổi hành vi vệ sinh.

Tham gia chương trình này, năm 2017, UBND xã Hợp Thịnh (Hiệp Hòa) tập trung hỗ trợ các điều kiện cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường nhằm nâng cao sức khỏe, cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân. Ban lãnh đạo 6 thôn trong xã đã chỉ đạo thành lập tổ thu gom, phân loại rác thải sinh hoạt hằng ngày, huy động nhân dân vệ sinh đường làng ngõ xóm, nạo vét cống rãnh vào "Ngày chủ nhật xanh”. Đặc biệt, ở các thôn Hương Ninh, Ninh Tào nằm cạnh sông Cầu, bà con còn đảm nhận vệ sinh triền đê, không xả thải trực tiếp ra sông, giữ gìn nguồn nước phục vụ sinh hoạt, sản xuất. Các hộ làm quỳ bạc ở thôn Hương Ninh được yêu cầu thực hiện đúng quy định vệ sinh công nghiệp, không để nguồn nước gia đình và khu vực lân cận nhiễm chì, bạc từ các công đoạn sản xuất. Ông Nguyễn Văn Thăng, Chủ tịch UBND xã cho biết: “Từ nguồn hỗ trợ của dự án với mức 1,1 triệu đồng/hộ thuộc đối tượng nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh, xã có 76 hộ dân xây mới nhà tiêu, nâng tỷ lệ hộ có nhà tiêu đạt tiêu chuẩn lên 73% số hộ và 88% gia đình có điểm rửa tay bằng xà phòng".

Không chỉ xã Hợp Thịnh, năm 2017, chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn dựa trên kết quả” được triển khai ở 17 xã của huyện Hiệp Hòa và Yên Thế. Chương trình đã hỗ trợ xây mới hơn 2,4 nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh cho các hộ nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách và vận động được 2,8 nghìn hộ xây dựng nhà vệ sinh theo tiêu chuẩn. Phong trào lan tỏa, nhiều gia đình làm bể lọc nước, hộ chăn nuôi xây dựng hầm khí biogas giảm thiểu ô nhiễm môi trường, phục vụ đời sống. Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Văn Ngữ, Trưởng khoa Sức khỏe cộng đồng (Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh) cho biết: “Qua đánh giá, điều kiện vệ sinh ở các địa phương này đều được cải thiện. Từ khởi điểm có khoảng 50% gia đình có nhà tiêu, nơi rửa tay hợp vệ sinh, đến nay 17 xã đều đạt 68-73% hộ có nhà tiêu đạt chuẩn, 80-85% hộ có điểm rửa tay bằng xà phòng”.

Bảo vệ môi trường, phòng chống dịch bệnh

Trong quá trình thực hiện, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh tổ chức khảo sát, đánh giá thực trạng cho thấy, người dân trên địa bàn tỉnh vẫn chủ yếu sử dụng nước giếng khoan (28,5%), giếng khơi (56,6%); mới có 11% người dân sử dụng nước từ các trạm cấp nước tập trung; 69,44% gia đình sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh. Phần đông hộ dân ở một số xã miền núi, vùng khó khăn như: Cấm Sơn, Sơn Hải, Hộ Đáp, Sa Lý, Tân Sơn (Lục Ngạn) có nhà tiêu chưa hợp vệ sinh; việc vận động người dân xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh khó thực hiện, vẫn còn tình trạng phóng uế ra môi trường. Hơn nữa do thói quen, nhiều người chưa ý thức được việc rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn, sau khi vệ sinh, dọn dẹp. Một số hộ sản xuất, kinh doanh chưa chú trọng vệ sinh công nghiệp, xả thải bừa bãi, ảnh hưởng tới nguồn nước, môi trường sống xung quanh.

Với mục tiêu cải thiện hành vi vệ sinh, tăng cường tiếp cận bền vững nguồn nước sạch, vệ sinh môi trường, năm 2018, Ban điều hành chương trình “Mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn” tỉnh sẽ triển khai thực hiện ở 14 xã của huyện Tân Yên và Yên Dũng. Trong lộ trình đến năm 2020, mỗi năm toàn tỉnh phấn đấu xây mới khoảng 4,8 nghìn nhà tiêu hợp vệ sinh; xây dựng 50 xã đạt tiêu chí “Vệ sinh toàn xã”. Người dân nông thôn được tiếp cận với nguồn nước sạch và điều kiện vệ sinh được cải thiện sẽ làm giảm thiểu tình trạng bệnh tật, đặc biệt là các bệnh như: Thương hàn, tiêu chảy, phụ khoa…

Bà Hàn Thị Hồng Thúy, Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, trong thời gian tới, các trung tâm y tế phối hợp với UBND các huyện, TP chú trọng truyền thông về sự cần thiết phải sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và thay đổi hành vi vệ sinh bền vững nhằm nâng cao nhận thức của người dân về thói quen sinh hoạt, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh, giữ gìn, bảo vệ môi trường, xóa bỏ tập quán sinh hoạt lạc hậu, thiếu vệ sinh của một bộ phận người dân nông thôn, miền núi, vùng khó khăn. Qua đó góp phần cải thiện điều kiện vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường cho người dân khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh, hạn chế chênh lệch về điều kiện sinh hoạt giữa nông thôn và thành thị.

Huy Hà

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất