Thứ Sáu, 22/11/2024
Nhà tiêu hợp vệ sinh và thực hành rửa tay cần thiết cho sự sống còn của người dân nông thôn Việt Nam

Trong những năm qua, Việt Nam đã đạt được những tiến bộ đáng kể trong việc cung cấp nước sạch và phương tiện vệ sinh cho người dân nông thôn, tuy nhiên chất lượng của các phương tiện vệ sinh ở hộ gia đình, nhà trường và nơi công cộng đang là một vấn đề cần được quan tâm. Khoảng 88% trường học ở nông thôn Việt Nam không có nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn do Bộ Y tế ban hành và hơn một phần tư trường học không có nhà vệ sinh làm cho học sinh phải đi vệ sinh ở trong rừng, ngoài vườn, trên cánh đồng hoặc dọc bãi biển, bờ sông và bờ suối. Điều này làm ảnh hưởng đến sức khỏe và gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là vấn đề của các gia đình ở nông thôn - hơn 80% hộ gia đình ở nông thôn Việt Nam tức là khoảng gần 50 triệu người, trong đó có 18 triệu trẻ em ở không được sử dụng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn. Và hậu quả là vi khuẩn, vi-rút và ký sinh trùng đã nhiễm vào đất, nước, thức ăn cộng với thói quen không rửa tay đã dẫn đến việc người dân dễ bị mắc các bệnh đường tiêu hóa như tả và lỵ, các bệnh nhiễm ký sinh trùng, giun sán và đau mắt hột. Bệnh tiêu chảy và nhiễm khuẩn hô hấp cấp là hai nguyên nhân hàng đầu gây bệnh tật và tử vong ở trẻ em dưới năm tuổi ở Việt Nam và gần một nửa trẻ em Việt Nam bị nhiễm các bệnh giun sán, một bệnh có liên quan đến tình trạng vệ sinh yếu kém.   

“Vấn đề không đảm bảo nước sạch, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường yếu kém có ảnh hưởng rất lớn tới sức khỏe của người dân, đặc biệt là sự phát triển và tương lai của trẻ em. Ảnh hưởng sức khỏe do thiếu điều kiện vệ sinh dẫn đến một loạt chi phí, bao gồm chi phí y tế trực tiếp của người dân, giảm thu nhập cá nhân và những tốn kém của nhà nước chi cho các dịch vụ y tế”, TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng và Môi trường phát biểu.

Lợi ích của thực hành vệ sinh sạch sẽ là rất rõ ràng và đã được công nhận rộng rãi. Ví dụ như việc rửa tay bằng xà phòng có thể giúp giảm gần một nửa các ca bệnh tiêu chảy và giảm nguy cơ mắc nhiểm khuẩn đường hô hấp. Tuy nhiên chỉ có 12% người dân nông thôn Việt Nam có thói quen rửa tay bằng xà phòng trước khi ăn và 16% rửa tay bằng xà phòng sau khi đi vệ sinh. Đầu tư vào vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng góp phần tăng lợi ích về kinh tế.  Với mỗi một đô-la chúng ta bỏ ra để cải thiện tình hình vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân, chúng ta có thể tiết kiệm được hơn 9 đô-la chi phí cho y tế, giáo dục và các chi phí kinh tế xã hội khác.  

Vệ sinh môi trường yếu kém và các thói quen thiếu vệ sinh có thể sẽ làm ảnh hưởng đến những tiến bộ Việt Nam đã đạt được trong việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ, nhất là Mục tiêu 7 - quy định đến năm 2015 giảm được một nửa số người không được sử dụng nước sạch và không có được điều kiện vệ sinh cơ bản. Vệ sinh môi trường và vệ sinh cá nhân cũng là điều kiện tiên quyết liên quan đến việc thực hiện các Mục tiêu Thiên niên kỷ khác về giảm tỉ lệ tử vong bà mẹ và trẻ em, giảm suy dinh dưỡng trẻ em, đạt được phổ cập giáo dục tiểu học.

“Ở một phạm vi rộng, những tiến bộ đạt được trong y tế, dinh dưỡng và giáo dục phụ thuộc vào sự cải thiện của điều kiện vệ sinh. Ví dụ như lợi ích của tiêm chủng cho trẻ sẽ bị mất đi nếu đứa trẻ ấy bị tử vong vì bị tiêu chảy do điều kiện vệ sinh yếu kém gây ra”, ông John Hendra, Điều phối viên thường trú LHQ phát biểu tại Hội thảo. “Với tiến độ như hiện nay thì Việt Nam sẽ khó có thể đạt được Mục tiêu Quốc gia cũng như Mục tiêu Thiên niên kỷ 7 về vệ sinh môi trường”.

Mục tiêu Việt Nam đề ra là đạt được 70% hộ gia đình và 100% trường học có nhà vệ tiêu hợp vệ sinh vào năm 2010. Gần 100 đại biểu bao gồm đại diện các Bộ, Ngành, các nhà tài trợ, các cơ quan trong nước và các tổ chức quốc tế có mặt tại Hội thảo Công bố kết quả Điều tra Quốc gia về Vệ sinh Môi trường và Vệ sinh Cá nhân ở Việt Nam và Hưởng ứng Năm Quốc tế Vệ sinh Môi trường, đã đưa ra ba khuyến nghị chiến lược cần được thực hiện nhằm giúp Việt Nam đạt được những mục tiêu đã đề ra. Thứ nhất, các đại biểu đã nhất trí cần tăng cường hơn nữa sự đầu tư về nhân lực và nguồn lực cho giáo dục vệ sinh và xây dựng, bảo dưỡng các nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các trường học. Thứ hai, việc xây dựng các nhà vệ sinh phải tuân theo quy định của Bộ Y tế (QĐ 08/2005/QD-BYT), bao gồm các yêu cầu về cách ly chất thải chưa xử lý, tiêu diệt các ký sinh trùng gây bệnh trong phân và tránh ô nhiễm môi trường. Cuối cùng, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của người dân về vệ sinh môi trường và khuyến khích các hành vi vệ sinh cá nhân sạch sẽ.  

“Đã đến lúc chúng ta phải đối mặt và giải quyết các thách thức này một cách khẩn trương, sáng tạo với các nguồn lực và sự cam kết mạnh mẽ. Chúng ta phải bắt đầu từ việc công nhận là vệ sinh không còn là vấn đề của mỗi cá nhân. Nó ảnh hưởng tới tất cả chúng ta, và để vượt qua trở ngại này cần phải có sự hợp tác của tất cả mọi thành viên trong xã hội, từ cha mẹ, trường học, cộng đồng đến các cơ quan nhà nước cấp trung ương và địa phương và các tổ chức quốc tế”, ông John Hendra kêu gọi

Việt Nam đã xây dựng Chiến lược về Nước sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn từ năm 1998.  Chương Trình Mục tiêu Quốc gia về Cấp nước và Vệ sinh Nông thôn đã được thực hiện trong 8 năm qua. Hợp tác đối tác  về Nước Sạch và Vệ sinh Môi trường Nông thôn bao gồm các Bộ liên quan và gần  20 Tổ chức Quốc tế đã bắt đầu hoạt động từ năm 2006 nhằm điều phối tốt hơn các chương trình để cải thiện tình hình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn.

Hiện nay, Chính phủ Việt Nam và nhóm nhà tài trợ bao gồm UNICEF, WHO và Ngân hàng Thế giới đang tăng cường hỗ trợ cho các hoạt động cải thiện điều kiện vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và cấp nước. Các hỗ trợ này nhằm nâng cao năng lực của người dân đia phương thông qua việc cung cấp kiễn thức và kỹ năng về kỹ thuật và quản lý; và hỗ trợ việc thực hiên Chương trình Mục tiêu Quốc gia (giai đoạn 2) và kế hoạch hành động cho Năm Quốc tế về Vệ sinh Môi trường 2008.

Thanh Hằng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi