Thứ Sáu, 22/11/2024
Xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh - Vẫn khó ở vùng dân tộc thiểu số

Thực trạng ở các xã khó khăn

Gia đình anh Chíu A Sy, bản Siềng Lống là một trong 206 hộ nghèo của xã Quảng Lâm, huyện Đầm Hà. Ngôi nhà anh ở lụp xụp, nhỏ hẹp, chỉ kê được 2 chiếc giường. Ruộng ít, anh cùng vợ thường xuyên đi bóc vỏ keo, vỏ quế thuê để trang trải sinh hoạt. Tiền xây nhà chẳng có nói gì đến làm nhà tiêu, bởi vậy, "nhà tiêu" của gia đình anh chính là vạt đồi ngay gần nhà.

Gia đình chị Dường Nhì Múi ở bản Siềng Lống cũng vậy. Dù nhà đã được xây kiên cố, nhưng chị cũng chưa nghĩ đến chuyện làm nhà tiêu. Được biết, dù 83,6% hộ dân ở Quảng Lâm đã có nhà tiêu, nhưng chỉ 33,4% số hộ có nhà tiêu HVS.

Còn ở xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà), số hộ có nhà tiêu lại càng thấp hơn. Toàn xã có 910 hộ thì chỉ 574 hộ có nhà tiêu, trong đó 176 hộ có nhà tiêu HVS. Như nhà ông Voòng Sáng Sầu (thôn 3) chỉ gác tạm bợ vài cây gỗ lên hố chứa chất thải từ chuồng lợn để làm nhà tiêu.

Hay gia đình ông Chíu Sáng Phu, cũng ở thôn 3, xã Quảng Sơn, bao đời nay chỉ tiểu tiện ở bìa rừng, ven suối. Ông Phu cho biết: “Trước đây, gia đình tôi ở bản Sám Cáu của xã. Đến năm 2011, bố mẹ tôi được tỉnh hỗ trợ xây dựng nhà ở theo chương trình 167 giai đoạn 1 nên mới di dân đến thôn 3. Kể cả ở bản cũ hay ở nơi mới, chúng tôi đều không xây nhà tiêu”.

Trò chuyện với một số hộ dân khác ở xã Quảng Lâm, xã Quảng Sơn mới thấy, thói quen không có nhà vệ sinh đã hình thành bao đời nay đối với nhiều bà con nơi đây. Ngoài hai xã này, trên địa bàn tỉnh còn rất nhiều xã có tỷ lệ nhà tiêu HVS trên tổng số hộ dân rất thấp, như: Đồng Văn (Bình Liêu) là 31,8%; Quảng Lợi (Đầm Hà) 35,5%; Kỳ Thượng (Hoành Bồ) 16%; Hà Lâu (Tiên Yên) 47,42%. 

Cần phối hợp nhiều chương trình

Có thể thấy, việc giúp đỡ hộ nghèo, xã nghèo, vùng dân tộc thiểu số đã được tỉnh quan tâm thực hiện quyết liệt từ nhiều năm nay thông qua một loạt chương trình như: Đề án hỗ trợ  nhà ở cho hộ nghèo trên địa bàn tỉnh giai đoạn 1, giai đoạn 2; Đề án 196 (Nhiệm vụ, giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn giai đoạn 2017- 2020); thực hiện chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội vùng dân tộc thiểu số... Tuy nhiên, tất cả các chương trình này đều chưa đề cập đến vấn đề nhà tiêu HVS.

Việc hỗ trợ xây dựng nhà tiêu HVS khu vực nông thôn chỉ được thực hiện trong chương trình Mục tiêu quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường (VSMT) nông thôn do Bộ NN&PTNT chủ trì thực hiện (triển khai từ năm 2000, kết thúc năm 2015) với mức tối đa là 60% giá trị xây dựng nhà tiêu và Chương trình nước sạch và VSMT nông thôn bằng nguồn vốn vay Ngân hàng Thế giới - WB (gọi tắt là chương trình Pfor R) triển khai từ năm 2013 đến hết 2018.

Tuy nhiên, các chương trình này chỉ hỗ trợ đối tượng là hộ nghèo, cận nghèo, chính sách khu vực nông thôn chưa có nhà tiêu hoặc có nhà tiêu nhưng chưa đảm bảo vệ sinh chứ không hỗ trợ người dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Chưa kể không phải tất cả các hộ thuộc 3 đối tượng trên đều được hỗ trợ mà dựa trên nguồn kinh phí, đơn đăng ký của các hộ để phân bổ, lựa chọn xây một số nhà tiêu làm mẫu, còn lại là tuyên truyền vận động, hướng dẫn tư vấn cho người dân tự bỏ kinh phí xây dựng với mục tiêu: Giữ gìn VSMT, không phóng uế bừa bãi, không bị lây nhiễm các nguồn bệnh từ phân tươi...

Cùng với hai chương trình trên, một số ban, ngành của tỉnh cũng vận động doanh nghiệp ủng hộ xi măng giúp các hộ vùng dân tộc thiểu số xây dựng chuồng trại, nhà tiêu HVS, tuy nhiên số lượng không nhiều. Trong chương trình xây dựng nông thôn mới, các địa phương cũng đã tích cực vận động, tuyên truyền người dân xây dựng nhà tiêu HVS. Nhờ vậy, số hộ khu vực nông thôn có nhà tiêu HVS tăng lên đáng kể, năm 2012 đạt tỷ lệ 68% thì nay đã đạt 83%.

Tuy nhiên, số nhà tiêu HVS ở các hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số vẫn còn chiếm tỷ lệ thấp. Theo thống kê của Trung tâm Nước sạch và VSMT nông thôn, đến nay trên địa bàn tỉnh vẫn còn 37,42% hộ dân tộc thiểu số, 53,5% hộ nghèo chưa có nhà tiêu HVS.

Một số xã có tỷ lệ nhà tiêu HVS ở hộ nghèo rất thấp, như: Quảng Sơn (Hải Hà) 2,55%; Kỳ Thượng (Hoành Bồ) 1,56%; Yên Than (Tiên Yên) 2,78%; Quảng Nghĩa (Móng Cái) 5,9%... Việc phóng uế bừa bãi của nhiều hộ  nghèo, hộ dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến môi trường sống, nguồn nước... tiềm ẩn nguy cơ lây lan các dịch bệnh qua đường tiêu hóa.

Vấn đề xây dựng nhà tiêu HVS đối với hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số càng khó khăn khi năm 2016 trở về trước, chương trình Pfor R hỗ trợ 2,4 đến 4,5 triệu đồng/nhà tiêu, nhưng nay chỉ hỗ trợ 1,1 triệu đồng/nhà tiêu. Bởi vậy, số đăng ký xây dựng nhà tiêu HVS theo chương trình này trong năm 2017 chỉ được khoảng 1.000 hộ, trong khi nguồn kinh phí vẫn còn. Nói về vấn đề này, ông Phạm Văn Khởi, Chủ tịch UBND xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, đề nghị: “Hiện nay, đời sống bà con vùng dân tộc thiểu số còn khó khăn; tư tưởng trông chờ, ỉ lại của người dân còn cao. Bên cạnh việc tăng cường vận động tuyên truyền của địa phương; mong các cấp, các ngành của huyện, tỉnh quan tâm, bố trí thêm kinh phí lồng ghép với chương trình Pfor R để hỗ trợ cho người dân. Có như vậy thì mới nâng được tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số, hộ nghèo có nhà tiêu HVS”.

Thu Nguyệt

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi