Thứ Sáu, 15/11/2024
Kinh nghiệm bảo vệ môi trường làng nghề ở Gia Lâm
Làng nghề Bát Tràng, huyện Gia Lâm đã sử dụng gas thay cho than để bảo vệ môi trường.

Vì bản thân và cộng đồng

Trong khi nhiều làng nghề sản xuất bún bị ô nhiễm nghiêm trọng bởi chất thải thì môi trường ở Yên Viên, Gia Lâm vẫn giữ được sự trong lành, không có mùi hôi, chua khó chịu. Để giữ được không gian làng nghề như vậy, không thể không nhắc đến sự vào cuộc quyết liệt, đầy trách nhiệm của chính quyền địa phương, các đoàn thể và bản thân mỗi người dân trong xã. Bà Trần Thị Nghĩa, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn Yên Viên, xã Yên Viên chia sẻ: Mỗi hộ gia đình làm nghề bún, bánh đều được các hội, đoàn thể tuyên truyền vận động xây dựng hầm biogas đạt chuẩn, toàn bộ nước thải trong quá trình sản xuất được thu gom và xử lý trước khi xả ra môi trường. Nhờ vậy, nhiều năm nay, cống rãnh trong làng không bị bốc mùi hôi, chua hoặc ngập úng cục bộ. Bà Đặng Thị Dư, xóm Đình, thôn Yên Viên cho biết: "Làm nghề sạch sẽ thì bản thân mạnh khỏe, rồi những người xung quanh cũng được hưởng". Tương tự, tại các xã Bát Tràng, Kim Lan nổi tiếng với nghề sản xuất gốm sứ, từ nhiều năm nay, các hộ dân, doanh nghiệp trên địa bàn đã được hỗ trợ để chuyển đổi từ lò nung than sang sử dụng lò gas để giảm ô nhiễm môi trường, tiết kiệm năng lượng. Từ chỗ làng nghề bị ô nhiễm nặng do khí thải, khói bụi, phế liệu từ than, xỉ than thì nay cảnh tượng này không còn, và Bát Tràng đã trở thành điểm du lịch làng nghề hấp dẫn trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Để bảo vệ môi trường làng nghề, Sở TNMT Hà Nội vừa có văn bản về việc thực hiện Đề án Bảo vệ môi trường làng nghề trên địa bàn TP Hà Nội đến năm 2020 và định hướng 2030 gửi các sở, ngành, quận, huyện, thị xã (nơi có làng nghề) để chủ động xây dựng kế hoạch. Trong đó, giai đoạn 2017 - 2018 tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách về bảo vệ môi trường làng nghề và đánh giá phân loại làng nghề. 

Tác động vào ý thức người dân

Để cải thiện môi trường làng nghề, trong những năm qua, huyện Gia Lâm đã tạo điều kiện hỗ trợ các hộ dân vay vốn ưu đãi từ ngân hàng để xây dựng công trình nước sạch, vệ sinh môi trường. Đến nay, đã có gần 5.600 hộ gia đình được vay vốn với số tiền hơn 60 tỷ đồng đầu tư cho công tác này. Đối với các hộ dân không thực hiện nghiêm túc về vệ sinh môi trường, chính quyền các địa phương thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở, tuyên truyền, sau đó tiến hành xử phạt. 

Ông Trần Xuân Điệu, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm cho biết: Trên địa bàn huyện có các làng nghề trồng rau xanh, làm bún, bánh phở, giò, chả, gốm sứ, thuốc bắc…, mỗi ngành nghề ít nhiều đều có tác động đến môi trường, bởi vậy, công tác tuyên truyền, vận động nhân dân nhằm nâng cao nhận thức bảo vệ môi trường giữ vai trò quan trọng. Bên cạnh đó, vào các ngày lễ, Tết và ngày thứ bảy, chủ nhật hằng tháng, các xã, thị trấn đều huy động nhân dân, các hội - đoàn thể tiến hành tổng vệ sinh môi trường, đổ rác đúng giờ, đúng nơi quy định. Nhờ đó, nhiều làng nghề trên địa bàn huyện, không chỉ bảo đảm về vệ sinh môi trường mà còn trở thành điểm du lịch hấp dẫn du khách trong và ngoài nước như làng gốm Bát Tràng, Kim Lan, làng rau Yên Viên, làng dát vàng Kiêu Kỵ...

Mặc dù đạt được nhiều kết quả tích cực song trên địa bàn huyện vẫn còn một số làng nghề phát triển nóng, chưa chú trọng tới bảo vệ môi trường cũng như vệ sinh an toàn thực phẩm. Một bộ phận người dân chưa nhận thức đầy đủ việc giữ gìn môi trường sống chính là cách phát triển làng nghề hưng thịnh và bền vững… Chính vì vậy, trong thời gian tới, huyện Gia Lâm sẽ đẩy mạnh hỗ trợ các làng nghề về mặt bằng, hạ tầng, công tác xử lý môi trường. Các xã, thị trấn của huyện đẩy mạnh tuyên truyền để người dân tiếp tục tạo chuyển biến mạnh và bền vững về giữ gìn môi trường sống trong lành, sạch đẹp.

Sơn Tùng

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất