Mặc dù môi trường khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh trong những năm gần đây đã có những chuyển biến đáng kể nhưng trên thực tế ở một số xã vấn đề bảo vệ, giữ gìn vệ sinh môi trường thôn, xóm vẫn còn nhiều bất cập. Câu chuyện bảo vệ môi trường - một tiêu chí trong thực hiện xây dựng nông thôn mới, nhiều người dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước...
|
Tuyến đường nội đồng nối tới nhà văn hóa thôn 3 (xã Quảng La, Hoành Bồ)
được người dân chung tay xây dựng khang trang, giữ gìn sạch đẹp |
Vấn đề môi trường nông thôn
Một trong những tiêu chí trong Bộ tiêu chí về xã NTM của tỉnh, giai đoạn 2016-2020 mà UBND tỉnh Quảng Ninh ban hành vào ngày 23-12-2016 có tiêu chí về môi trường. Trong đó đưa ra các chỉ tiêu cụ thể về tỉ lệ hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh và nước sạch theo quy định; cơ sở sản xuất, kinh doanh, nuôi trồng thuỷ sản, làng nghề đảm bảo quy định về môi trường; xây dựng cảnh quan môi trường xanh - sạch - đẹp, an toàn; mai táng đúng quy định và theo quy hoạch; chất thải rắn trên địa bàn và nước thải khu dân cư tập trung, cơ sở sản xuất, kinh doanh được thu gom, xử lý theo quy định; tỷ lệ hộ có nhà tiêu, nhà tắm, bể chứa nước sinh hoạt hợp vệ sinh và đảm bảo 3 sạch; tỷ lệ hộ chăn nuôi có chuồng trại đảm bảo vệ sinh môi trường.
Hiện toàn tỉnh Quảng Ninh có 111 xã vùng nông thôn. Thực tế, thống kê đến hết năm 2016 của Ban Xây dựng NTM tỉnh, đã có 85 xã có đội thu gom rác thải. Tuy nhiên, việc xử lý thu gom nước thải ở các khu dân cư tập trung hiện nay vẫn còn tình trạng tuỳ tiện thải ra vườn, ao, hồ, ruộng... thậm chí thải lênh láng trên mặt đường bê tông của thôn, xóm. Phần lớn, số rác thải khu vực nông thôn được các đơn vị, doanh nghiệp thu gom, xử lý theo hình thức chôn lấp, song nhiều bãi rác trong tình trạng chưa đảm bảo tiêu chí về vệ sinh môi trường, gây ô nhiễm môi trường nước, không khí... khiến người dân bức xúc. Toàn tỉnh còn hơn 25% hộ dân chưa có nhà tiêu hợp vệ sinh.
Cùng với đó, tình trạng người chăn nuôi trâu, bò vẫn để trâu bò thải phân ra đường làng, ngõ xóm, nhưng không thu gom vẫn tồn tại ở hầu hết các xã. Vẫn còn nhiều hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm, nhất là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ có chuồng trại chưa đảm bảo vệ sinh, thải chất thải trực tiếp ra môi trường. Theo số liệu thống kê của Ban Xây dựng NTM tỉnh, đến hết năm 2016 vẫn còn khoảng 29% số hộ gia đình có chuồng trại chưa hợp vệ sinh. Trong khoảng 20 làng nghề lớn, nhỏ (hoạt động đa lĩnh vực với nhiều ngành, nghề khác nhau) trên địa bàn tỉnh, vấn đề về bảo vệ môi trường vẫn chưa được chú trọng, như: Chưa có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn kỹ thuật môi trường; thu gom, phân loại chất thải chưa đạt tiêu chuẩn; nhiều cơ sở chế biến nằm xen kẽ trong khu dân cư tập trung gây ảnh hưởng đến các hộ xung quanh; các làng nghề hoạt động manh mún, nhỏ lẻ... Dù đa số người dân và chủ các cơ sở sản xuất muốn quy hoạch làng nghề vào một khu vực nhất định, nhưng vấn đề di dời các hộ sản xuất ở các địa phương chưa thực hiện được do khó khăn về quỹ đất.
Bên cạnh đó, tính đến hết năm 2016, toàn tỉnh có 95,54% số dân khu vực nông thôn sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh, nhưng tỷ lệ người dân sử dụng nước sạch chiếm tỷ lệ không nhiều, chỉ khoảng 40%.
Chuyện ở Hoành Bồ...
Tại thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương, trên nhiều tuyến đường nội đồng xuất hiện đầy phân trâu, nhưng không được dọn dẹp, thu gom. Thậm chí, vẫn còn tình trạng người dân xây chuồng trâu, để khu ủ phân sát đường đi, sát nhà ở.
Ở một nơi khác, xóm Đồng Khuôn, thôn Vườn Rậm, xã Sơn Dương, huyện Hoành Bồ, trên con đường nội đồng trải dài, một người phụ nữ gầy gò, nước da đen sạm than thở: “Đường đẹp mà hai bên toàn bụi cây rậm rạp, chả thấy ai dọn dẹp”. Con suối chạy dọc xóm giờ đang ứ đọng nước đen ngòm. “Xóm không có đội thu gom rác, nhà nào có ý thức thì mang rác đi đốt, còn lại đều mang rác đến suối này đổ. Mùa mưa lũ cuốn rác đi, nhưng mùa cạn, rác chất đống, bốc mùi rất khó chịu. Được cái mọi người đổ ở cuối nguồn suối của xóm nên không ảnh hưởng đến nước sinh hoạt. Còn lại con suối chảy đến các thôn, xã khác thì kệ thôi” - người phụ nữ ấy buồn buồn nói.
Mục sở thị thêm một vài xã trên địa bàn huyện Hoành Bồ còn cho thấy, phần lớn hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung đã xây dựng hệ thống hầm biogas để xử lý chất thải trong chăn nuôi, song nhiều hộ thực hiện xử lý chưa đúng quy trình, vẫn dẫn chất thải từ chuồng trực tiếp ra môi trường... như một số trường hợp ở xã Lê Lợi của huyện.
Thay lời kết
Trong những chỉ tiêu về môi trường của tiêu chí môi trường NTM, có nhiều việc phụ thuộc phần nhiều vào ý thức người dân. Để nâng cao trách nhiệm của người dân với môi trường, từ năm 2016, các địa phương đã đồng loạt tổ chức lễ phát động phong trào “Ngày chủ nhật xanh”. Đầu năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch số 611/KH-UBND ngày 25-1-2017 về thực hiện chủ đề năm “Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính, xây dựng nếp sống văn hoá, văn minh” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong các nhóm giải pháp trọng tâm của kế hoạch có việc triển khai sâu rộng cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... phong trào “Ngày chủ nhật xanh”... Tuy nhiên, qua thực tế cho thấy phong trào “Ngày chủ nhật xanh” ở nhiều nơi chưa phát huy hiệu quả hoặc thực hiện còn rời rạc, không đồng bộ. Người dân vẫn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước trong vấn đề bảo vệ môi trường ở chính nơi mình sinh sống, coi đó không phải là trách nhiệm của mình. Qua đây cho thấy, để môi trường nông thôn được đảm bảo, ngoài đầu tư của Nhà nước, của tỉnh, các địa phương cần tiếp tục củng cố, nâng cao ý thức của người dân và huy động sức dân cùng tham gia bảo vệ môi trường vùng nông thôn hiện nay./.
Xuân Nguyệt