Chủ Nhật, 29/12/2024
Nâng cao hiệu quả dịch vụ vệ sinh môi trường của các hợp tác xã

 Cán bộ các HTX tham quan mô hình công viên rác thải tại xã Xuân Tiến (Xuân Trường)
của Cty TNHH Tân Thiên
Phú

Xã Xuân Tiến (Xuân Trường, Nam Định) là một trong những địa phương thực hiện nề nếp việc thu gom rác thải, môi trường nông thôn ở đây đã được cải thiện rõ nét. Để có được môi trường xanh - sạch - đẹp như vậy là nhờ hoạt động thu gom rác của Cty TNHH Tân Thiên Phú. Những năm trước đây, môi trường của xã là vấn đề rất bức xúc, rác thải sinh hoạt, chất thải rắn từ làng nghề ngổn ngang khắp nơi, vừa ô nhiễm vừa mất mỹ quan. Đảng ủy, UBND giao cho Cty thỏa thuận, vận động nhân dân trong xã để thực hiện thu gom rác và đã được người dân đồng tình hưởng ứng. Đến nay, việc thu gom rác đã trở thành nề nếp và đảm bảo tiêu chí về môi trường trong bộ tiêu chí xây dựng NTM. Còn ở xã Nghĩa Bình (Nghĩa Hưng), việc thu gom rác thải tập trung được xã đưa vào triển khai từ năm 2016 do HTX sản xuất, kinh doanh DVNN Nghĩa Bình đứng ra thu gom. Tuy nhiên theo đồng chí Phạm Văn Chiến, Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc HTX cho biết, các dịch vụ nông nghiệp của HTX hoạt động tương đối hiệu quả nhưng riêng dịch vụ vệ sinh môi trường của HTX còn gặp khó khăn. Nếu HTX không xây dựng phương án kinh doanh cụ thể và linh hoạt kết nối các lĩnh vực khác thì không thể duy trì được dịch vụ môi trường. Vì thực tế khoản thu phí vệ sinh môi trường chỉ đủ trả lương cho lao động trực tiếp. Còn chi phí khấu hao tài sản, sửa chữa xe, trang bị bảo hộ và dụng cụ lao động, HTX phải “bù lỗ”. Vì vậy chúng tôi mong rằng chính quyền các cấp có thêm các chính sách hỗ trợ để giảm bớt khó khăn cho các HTX. Ở Thị trấn Cổ Lễ (Trực Ninh), việc thu gom rác thải đã diễn ra thường xuyên nhờ vai trò của HTX CP môi trường Cổ Lễ. Trò chuyện với chúng tôi, chị Vũ Thị Duyên, một hộ dân ở khu 3, Thị trấn Cổ Lễ cho biết, trước đây, quanh khu vực chợ, lượng rác thải hàng ngày quá nhiều, người bán hàng xả bừa bãi, người dân sống xung quanh nhiều khi bị “tra tấn” bởi mùi hôi thối của rác. Tuy nhiên, từ khi HTX CP môi trường Cổ Lễ đi vào hoạt động, vấn đề rác thải đã cơ bản được giải quyết, đường làng ngõ xóm khang trang sạch sẽ. Hiện, HTX làm dịch vụ thu gom rác tại Thị trấn Cổ Lễ và một số xóm của xã Trực Chính và các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thị trấn. Lượng rác thu gom khá lớn, khoảng 200 tấn/tháng. Ông Nguyễn Văn Quỹ, Chủ tịch HĐQT HTX chia sẻ: “Điều quan trọng nhất của hoạt động này là giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường ở nông thôn, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và tạo thêm công ăn, việc làm cho các xã viên…”.

Hiện nay, toàn tỉnh hiện có 5 HTX chuyên về vệ sinh môi trường và hơn 30 HTX có dịch vụ vệ sinh môi trường. Nếu khu vực đô thị, việc thu gom rác được cơ giới hóa thì khu vực ngoại thành, nông thôn vẫn là hoạt động thủ công. Mô hình thực hiện chủ yếu là giao các tổ tự quản của thôn, xã thu gom rác trong khu dân cư bằng các phương tiện thô sơ, vận chuyển đến điểm tập kết và HTX thu gom vận chuyển từ các điểm tập kết về khu xử lý tập trung của các địa phương. Một thực tế là các HTX khi mở rộng thêm hoạt động vệ sinh môi trường đều trên cơ sở mang tính công ích hoặc do yêu cầu của địa phương nên đứng ra thành lập. Các HTX gặp nhiều khó khăn về nguồn vốn, kỹ năng chuyên môn, quy mô hoạt động còn nhỏ; công nghệ xử lý rác thải còn lạc hậu. HTX thực hiện dịch vụ môi trường là mô hình mới, đa phần được đưa vào khoảng 10 năm trở lại đây. Kinh phí để hoạt động còn hạn chế, chủ yếu từ nguồn thu phí vệ sinh môi trường nhưng mức thu và tỷ lệ các hộ dân nộp phí thấp chưa đáp ứng được hoạt động thu gom, xử lý rác thải. Đa phần chỉ đủ trang trải tiền công lao động nên phải lấy hoạt động kinh doanh khác để bù lỗ nên thu nhập của các xã viên còn hạn hẹp và HTX cũng không có nguồn để tái đầu tư vào trang bị phương tiện. Bên cạnh đó, do năng lực và kinh phí hạn chế, việc xử lý rác thải của nhiều HTX theo phương pháp thủ công, chôn lấp tại chỗ hoặc dùng chế phẩm và đốt cháy tự nhiên không đảm bảo vệ sinh môi trường.

Đồng chí Trần Văn Phiệt, Phó Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh cho biết, để hỗ trợ các HTX trong hoạt động thu gom rác thải, Liên minh HTX tỉnh thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về quản lý HTX; hỗ trợ, nâng cao năng lực quản lý điều hành tổ chức hoạt động cho HTX trên cơ sở đó vận động chính quyền địa phương hỗ trợ cho hoạt động môi trường của các HTX. Có thể nhận thấy, hiệu quả từ các mô hình HTX làm dịch vụ vệ sinh môi trường đã ngày càng rõ nét. Rác thải được thu gom sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh môi trường và mỹ quan cho các vùng nông thôn. Như vậy, nếu được duy trì và nhân rộng, mô hình này sẽ là yếu tố quan trọng góp phần làm thay đổi bộ mặt và chất lượng sống của bà con ở các vùng nông thôn đồng thời tạo thêm việc làm cho nhiều lao động góp phần thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM. Theo lộ trình, để xử lý rác thải sinh hoạt nông thôn, trong thời gian tới, các xã còn lại sẽ thành lập tổ, đội, HTX vệ sinh môi trường. Để các HTX hoạt động hiệu quả rất cần sự quan tâm của chính quyền địa phương trong công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường trong nhân dân, huy động sự tham gia của cộng đồng trong đóng góp kinh phí để các HTX duy trì hoạt động./.

Hoàng Tuấn

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi