|
Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trao tặng kỷ niệm chương
cho 11 đồng chí là lãnh đạo, cán bộ Cục Quản lý môi trường |
Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn- Bí thư Trung ương Đoàn và PGS- TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục quản lý Môi trường, Bộ Y tế chủ trì Hội nghị. Tham dự còn có Ban Thanh niên Nông thôn Trung ương Đoàn, các phòng ban của Cục quản lý Môi trường, Bộ Y tế.
Sau 5 năm phối hợp triển khai Chương trình Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, Trung ương Đoàn và các đơn vị đã chủ động phối hợp triển khai các hoạt động, thông qua đó, Đoàn thanh niên đã xác định vệ sinh yêu nước, phòng chống dịch bệnh, nâng cao sức khỏe cho đoàn viên, thanh thiếu nhi là một nhiệm vụ trọng tâm trong hoạt động Đoàn và phong trào TTN hằng năm. Các hoạt động được hai bên chỉ đạo tổ chức đã từng bước làm thay đổi thái độ, hành vi, thói quen sống của đoàn viên, thanh thiếu nhi và nhân dân qua đó góp phần nâng cao ý thức vệ sinh môi trường, thay đổi tập quán vệ sinh lạc hậu, thực hiện các hành vi vệ sinh có lợi cho sức khỏe của đoàn viên, thanh thiếu nhi, nhất là thanh niên ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc.
Hằng năm, Trung ương Đoàn phối hợp với Bộ Y tế tổ chức chiến dịch truyền thông hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân, cụ thể: Nmaw 2013, tổ chức Ngày hội “Sức khỏe – người bạn đồng hành” tại thành phố Đà Nẵng với các hoạt động Thi tìm hiểu về các nội dung nâng cao sức khỏe, phòng chống các loại dịch bệnh như: tay chân miệng, sốt xuất huyết, cúm A/H5N1, cúm A/H1/N1…; Tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân năm 2014 với sự tham gia của các đại biểu và 1.500 đoàn viên, thanh niên tỉnh Thái Nguyên; Năm 2015 được tổ chức tại xã Minh Đài, huyện Tân Sơn, tỉnh Phú Thọ với sự tham gia của các đại biểu và 1.000 đoàn viên, thanh niên tỉnh Phú Thọ. Các hoạt động sau Lễ được tổ chức thiết thực như: phát động đoàn viên, thanh thiếu nhi tham gia thực hiện các biện pháp giữ gìn đảm bảo vệ sinh, tăng cường rèn luyện thân thể; đào hố rác gia đình, trồng cây xanh; tư vấn cách phòng chống bệnh Tay chân miệng, hướng dẫn rửa tay bằng xà phòng cho trẻ em…
Năm 2016, Trung ương Đoàn phát động Chiến dịch “Mười triệu bàn tay sạch” và tổ chức đồng loạt hoạt động rửa tay bằng xà phòng tại các trường Tiểu học, Trung học cơ sở tại tỉnh Hưng Yên; hướng dẫn, tuyên truyền rửa tay bằng xà phòng phòng tránh dịch bệnh; tổ chức ra quân dọn vệ sinh môi trường; tổ chức Liên hoan đội tuyên truyền Giữ sạch đôi tay.
Năm 2017, Trung ương Đoàn hỗ trợ thành lập 05 đội hình tham gia tuyên truyền và triển khai phong trào vệ sinh yêu nước, tuyên truyền sử dụng nước sạch, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, vận động đồng bào dân tộc sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh, di dời chuồng trại ra xa nơi ở tại các tỉnh miền núi phía Bắc với sự tham gia của 200 đoàn viên, thanh niên. Các đội hình triển khai hoạt động gắn với hưởng ứng Ngày vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân và duy trì trong suốt chiến dịch Thanh niên tình nguyện hè năm 2017... Đặc biệt, trong đợt cao điểm dịch sốt xuất huyết, Trung ương Đoàn và các đơn vị liên quan lựa chọn triển khai 35 điểm tuyên truyền là các điểm có số ca mắc sốt xuất huyết cao tại 05 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Cần Thơ, Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang với các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn đoàn viên, thanh niên và nhân dân về phòng chống bệnh sốt xuất huyết và hỗ trợ các dụng cụ diệt và xua đuổi muỗi.
|
Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn phát biểu tại Hội nghị |
Công tác tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng về phong trào Vệ sinh yêu nước nâng cao sức khỏe nhân dân cũng được chú trọng, giai đoạn 2012 - 2017, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã tổ chức 07 hội nghị tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng truyền thông về phong trào vệ sinh yêu nước cho 1.000 đoàn viên, thanh niên là thành viên nòng cốt của các đội thanh niên xung kích tham gia tuyên tuyền phong trào vệ sinh yêu nước tại các tỉnh: Lai Châu, Hưng Yên, Phú Thọ, Đắk Lắk, Thái Nguyên.
5 năm qua, đã xuất hiện những mô hình, cách làm hay, sáng tạo, không chỉ ở một địa phương mà còn nhân rộng ra rất nhiều địa phương, như việc di dời chuồng trại, nhà tiêu hợp vệ sinh, bắt đầu từ dân tộc Sán Rìu thuộc huyện Ba Chẽ, Quảng Ninh với tập quán sinh hoạt, chăn nuôi rất lạc hậu, từ vấn đề đó, Tỉnh đoàn Quảng Ninh đã xây dựng đề án tổ chức các hoạt động tình nguyện giúp đỡ cho bà con di dời, cải tạo lại chuồng trại chăn nuôi, xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh; riêng tỉnh Quảng Ninh trong năm 2013 đạt được 318 hộ gia đình, từ đó mô hình được nhân rộng cho các tỉnh miền núi phía Bắc và các tỉnh miền Trung Tây Nguyên rất hiệu quả.
Mô hình tiêu biểu nữa là “Hố rác gia đình”, mô hình được xây dựng hoàn toàn từ tinh thần sáng tạo, tình nguyện của ĐVTN, với sự phối hợp của ngành Y tế, ngành Tài nguyên Môi trường các địa phương tổ chức các chương trình như Chiến dịch TNTN Hè, Xuân tình nguyện, Ngày thứ 7 tình nguyện, Ngày Chủ nhật xanh ... cùng với người dân đào hố rác gia đình để xử lý một phần rác thải sinh hoạt của hộ gia đình, đảm bảo rác thải hợp vệ sinh môi trường.
Hiện nay, trong quá trình thực hiện xây dựng Nông thôn mới, hầu hết các xã đạt chuẩn nông thôn mới và các xã đang phấn đấu tiêu chí Nông thôn mới, tại các cánh đồng đều xây dựng các bể thu gom rác thải, các chất bảo vệ thực phẩm nhằm đảm bảo vệ sinh môi trường cho cộng đồng. Ngoài ra, mô hình “Chân rác” được xây dựng ở Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng đem lại kết quả hết sức khả quan, mô hình biến các điểm tập kết rác không theo quy định thành vườn hoa của thanh niên trên địa bàn thành phố, bước đầu góp phần làm đẹp cảnh quan, mỹ quan, đồng thời nâng cao ý thức giữ gìn vệ sinh công cộng cho người dân…
Giai đoạn 2017- 2022, đồng chí Nguyễn Anh Tuấn đề nghị cần đa dạng hóa các kênh, phương thức tuyên truyền, không chỉ dừng lại ở việc tổ chức sự kiện, phải kết hợp với “người nổi tiếng”, mạng xã hội cùng vào vào cuộc nhằm nâng cao hơn nữa sự hiểu biết của cộng đồng về phong trào vệ sinh yêu nước, trong đó xây dựng các bộ công cụ tuyên truyền sinh động như Baner, Video, Infographic, các tiểu phẩm... Bên cạnh đó, cần phát huy sáng kiến của ĐVTN trong thực hiện phong trào vệ sinh yêu nước; đồng thời phải làm rộng nhưng phải chọn đối tượng, đặc biệt là những nơi triển khai mô hình để làm sao sau khi triển khai mô hình xong phải có tính nhân rộng; Trung ương đoàn sẽ phối hợp với Cục quản lý Môi trường kêu gọi sự tham gia của các tổ chức Quốc tế, các tập đoàn, các doanh nghiệp tài trợ cho nhiệm vụ này tạo nên sức mạnh chung nhằm có nguồn lực tốt hơn, đầy đủ hơn.
Ngoài ra, Bí thư Trung ương Đoàn Nguyễn Anh Tuấn cũng đề xuất tổ chức hoạt động bình chọn “Bệnh viện thân thiện với môi trường”, chương trình sẽ được tuyên dương hàng năm nhằm thu hút sự quan tâm hơn nữa của cộng đồng đối với phong trào vệ sinh yêu nước.
Tại Hội nghị, Cục trưởng Cục quản lý Môi trường, Bộ Y tế Nguyễn Liên Hương đánh giá cao sự phối hợp của Trung ương Đoàn trong quá trình thực hiện. Cục trưởng cũng hoàn toàn nhất trí với 5 đề xuất của Trung ương Đoàn đưa ra.
Trong thời gian tới, ngoài những nội dung hai bên đã triển khai trong 5 năm qua liên quan đến vệ sinh môi trường cũng như vệ sinh cá nhân, PGS- TS Nguyễn Thị Liên Hương cũng mong muốn sẽ cùng Trung ương Đoàn tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức, triển khai các mô hình vận động cho người dân biết cách sử dụng nước sạch.
Năm 2016, Bộ Y tế đã triển khai mô hình cơ sở y tế xanh- sạch- đẹp góp phần nâng cao chất lượng của bệnh viện, trong năm tiếp theo sẽ phối hợp với Trung ương Đoàn triển khai các sáng kiến về cơ sở y tế xanh- sạch- đẹp do đoàn thanh niên thực hiện tại các bệnh viện; phối hợp triển khai mô hình điểm ở 21 tỉnh thuộc miền núi phía Bắc, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ…/.
Hoàng Phong