Chủ Nhật, 29/12/2024
Sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh góp phần đẩy lùi dịch bệnh

Nhà vệ sinh của gia đình chị Lường Thị Thoa, xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình 
được xây dựng theo chương trình hỗ trợ xây dựng nhà tiêu hợp vệ sinh 
cho các hộ nghèo, gia đình chính sách

Xây dựng nhà tiêu HVS là một bài toán nan giải do tập quán của người dân và các hành vi vệ sinh cá nhân chậm thay đổi. Việc chậm thay đổi về nhận thức trong thực hiện vệ sinh cá nhân là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật như: tiêu chảy, thương hàn, tả, đau mắt hột… làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe cộng đồng, tác động tiêu cực đến sự phát triển của kinh tế - xã hội. Thêm vào đó, để xây dựng một nhà tiêu HVS cũng phải tốn kém vài triệu đồng. Đây là điều khó khăn cho nhiều gia đình, nhất là những hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, bà con chưa nhận thức được hết những ảnh hưởng của việc sử dụng nhà tiêu không HVS, bởi không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khoẻ của mỗi thành viên trong gia đình mà con là nơi tiềm ẩn để dịch bệnh phát triển.

Để đẩy mạnh chương trình mở rộng quy mô vệ sinh và nước sạch nông thôn, Trung tâm Y tế dự phòng (YTDP) tỉnh - đầu mối tham mưu về chương trình đã phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, các đơn vị liên quan tổ chức, triển khai các hoạt động thuộc hợp phần. Bước đầu, Trung tâm YTDP đã mở các lớp tập huấn cho các ban, ngành, đoàn thể  của tỉnh và các huyện để nâng cao nhận thức về chương trình; tổ chức các đợt truyền thông hưởng ứng “Tuần lễ quốc gia nước sạch và vệ sinh môi trường”; lễ phát động “Phong trào rửa tay bằng xà phòng”. Theo đó, các đoàn thể như: Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, Đoàn Thanh niên... cũng đã tích cực tuyên truyền, vận động, hỗ trợ bà con xây dựng nhà tiêu HVS. Trong năm 2017, chương trình sẽ lựa chọn 7 xã thực hiện “vệ sinh toàn xã”, hỗ trợ xây mới 730 nhà tiêu hộ gia đình.

Xác định việc giữ gìn vệ sinh môi trường, trong đó có phong trào làm nhà vệ sinh là một trong những nhiệm vụ quan trọng, góp phần thực hiện thành công tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới, từ đầu năm 2017 đến nay, 11 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh đã tích cực triển khai bằng nhiều việc làm cụ thể, tổ chức ký cam kết giữa các tổ chức đoàn thể chính trị tại các huyện, thành phố, giữa các thôn trong xã; đồng thời  tranh thủ mọi nguồn lực hỗ trợ của nhà nước, các tổ chức cá nhân trợ giúp nhân dân làm nhà vệ sinh.

Xã Hữu Khánh, huyện Lộc Bình được lựa chọn xây dựng “vệ sinh toàn xã” năm 2017. Được sự quan tâm của Đảng ủy, chính quyền địa phương và nhân dân, xã đã tập trung chỉ đạo các tổ chức đoàn thể, các thôn bản đẩy mạnh tuyên truyền nhằm thay đổi hành vi, tập quán canh tác, tập quán sinh hoạt hằng ngày của nhân dân; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên trong việc đi đầu làm nhà tiêu HVS. Hiện 7 thôn trên địa bàn xã đã có 263/645 hộ gia đình có nhà tiêu HVS. Trong chương trình, xã Hữu Khánh đã thực hiện hỗ trợ xây mới 30 nhà tiêu HVS trong năm 2017 cho các hộ nghèo, gia đình chính sách, hiện tại đã đưa vào sử dụng 6 nhà tiêu HVS. Chị Lường Thị Thoa, thôn Bản Rỵ, xã Hữu Khánh cho biết: “Trước đây, gia đình sử dụng nhà tiêu hở nên rất mất vệ sinh, được Nhà nước hỗ trợ một phần, gia đình tôi đã xây dựng được nhà tiêu 3 ngăn khép kín, đưa vào sử dụng, vệ sinh rất sạch sẽ, không còn mùi hôi và ô nhiễm môi trường như trước nữa”.

Bà Nguyễn Thị Hoa, Phó Giám đốc Trung tâm YTDP tỉnh cho biết: “Thay đổi hành vi vệ sinh cho mỗi người cần mất hàng chục năm. Ngay từ bây giờ, các cấp, ngành, đoàn thể, địa phương cần tiếp tục vào cuộc mạnh mẽ trong tuyên truyền, vận động, nâng cao ý thức của các gia đình, nhất là đồng bào dân tộc ở các xã vùng sâu, vùng xa trên địa bàn về vấn đề này để góp phần nâng cao sức khỏe nhân dân,  chất lượng cuộc sống của người dân ở vùng nông thôn./.

Tiến Thành

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi