Là khu vực ven biển, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh nói chung và huyện Tiên Yên nói riêng đã phải chịu hậu quả nặng nề do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu dẫn đến thời tiết bất thường, nắng nóng kéo dài, mưa lớn, lũ lụt... Có thể nhận thấy, những tác động của biến đổi khí hậu rõ nét nhất là đợt mưa vượt ngưỡng lịch sử kéo dài thời gian đã gây ra những thiệt hại về người và tài sản, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân. Chính vì vậy, trong thời gian qua, MTTQ các cấp đã nỗ lực xây dựng các mô hình điểm bảo vệ môi trường, nhất là tại các xã nông thôn mới (NTM). Để nâng cao ý thức trong việc bảo vệ môi trường ở khu vực nông thôn, năm 2016, Ủy ban MTTQ tỉnh Quảng Ninh đã phát động xây dựng mô hình điểm “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu” tại thôn Thác Bưởi 1 (xã Tiên Lãng) và Khe Và (xã Yên Than), huyện Tiên Yên, tỉnh Quảng Ninh.
|
Kể từ khi mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường gắn
với ứng phó với biến đổi khí hậu” đi vào hoạt động, môi trường trên địa bàn xã Yên Than đã được đảm bảo |
Để phát huy hiệu quả các mô hình điểm, thông qua đó nâng cao ý thức vệ sinh môi trường trong khu dân cư, ngay sau khi đi vào hoạt động, các xã đã kết hợp với tổ trưởng các khu, thôn để tuyên truyền, vận động nhân dân về công tác bảo vệ môi trường, coi đó là một trong những tiêu chí xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư, gia đình văn hoá. Thông qua các cuộc họp dân ở thôn, khu, bà con đã nắm được mục đích, ý nghĩa của việc xây dựng mô hình điểm bảo vệ môi trường, từ đó tích cực tham gia dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, trồng cây xanh bóng mát ở khu công cộng, rác thải đổ đúng nơi quy định.
Thôn Thác Bưởi 1 (xã Tiên Lãng) được chọn làm Mô hình điểm bảo vệ môi trường. Sau gần 1 năm triển khai, môi trường tại thôn đã có sự chuyển biến rõ nét, hệ thống đường giao thông khang trang, sạch sẽ, người dân đã chủ động thu gom rác để đúng nơi quy định. Hằng tháng người dân trong các khu dân cư đều cùng nhau vệ sinh làm sạch đường làng, ngõ xóm, sửa sang lại những đoạn đường bị hỏng và phát quang các bụi cây che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông. Bà Bùi Thị Lan, cư trú tại thôn Thác Bưởi 1, cho biết: “Quan trọng nhất là ý thức của người dân trong việc chấp hành các quy định về việc bảo vệ môi trường sống của mình. Rác vứt bừa bãi vừa là nguyên nhân gây các mầm bệnh, đồng thời có thể gây mất đoàn kết giữa các hộ dân với nhau. Từ khi mô hình điểm bảo vệ môi trường được triển khai thì người dân đã tự bảo nhau phải thực hiện nghiêm, đồng thời hoạt động này cũng trở thành tiêu chí để hàng năm đánh giá gia đình văn hoá, nên mọi người chấp hành rất tốt”.
Không thuận lợi như Thác Bưởi 1, thôn Khe Và (xã Yên Than) gặp khó khăn hơn do nhận thức của người dân còn hạn chế, tuy nhiên, chỉ sau một thời gian triển khai cùng sự vào cuộc quyết liệt trong công tác tuyên truyền, giải thích của cán bộ xã thì ý thức chấp hành của người dân đã có chuyển biến tích cực. Nếu như trước kia những xác động vật chết hoặc chất thải được xả ra ngoài môi trường thì nay người dân đã mang đi chôn lấp nên đã hạn chế được tình trạng ô nhiễm trong khu dân cư. Bên cạnh đó, người dân cũng đã chủ động phân loại và để rác đúng nơi quy định. Ông Nguyễn Cao Khải, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Yên Than, cho biết: Mô hình “Khu dân cư thực hiện hài hoà xoá đói, giảm nghèo và bảo vệ môi trường gắn với ứng phó với biến đổi khí hậu” được triển khai đúng thời điểm chương trình xây dựng NTM đi vào giai đoạn quyết liệt nhất nên đã góp phần không nhỏ vào việc giúp địa phương nhanh chóng hoàn thiện tiêu chí về môi trường. Bây giờ người dân đã chủ động nhắc nhau giữ gìn môi trường chung để không ảnh hưởng tới sinh hoạt, cuộc sống. Hằng tháng mọi người đều dọn dẹp đường làng, ngõ xóm, chấp hành tốt các quy định về đảm bảo môi trường trong khu dân cư.
Nguyễn Duy