Thứ Sáu, 22/11/2024
Nông dân tự quản bảo vệ môi trường

 Tuyến đường tự quản ở thôn 4, xã Nghĩa Hưng

Mỗi chi hội một mô hình

Dạo một vòng thôn 4, xã Nghĩa Hưng, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang chúng tôi nhận thấy đường làng, ngõ xóm phong quang, sạch sẽ. Theo ông Trần Văn Lâm, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân thôn, kết quả này có được là do bà con duy trì hiệu quả mô hình tự quản tuyến đường xanh, sạch, đẹp. Sau khi thành lập 5 tổ tự quản, các tổ trưởng đôn đốc hội viên thu gom rác ở khu dân cư đến nơi quy định. Ngày 14 hằng tháng tổng vệ sinh toàn bộ các tuyến đường. Bên cạnh đó, các hội viên góp tiền mua bóng điện lắp đặt ở những đoạn đường tự quản.

Ở Chi hội Nông dân thôn 5, hội viên triển khai mô hình ruộng đồng không vỏ thuốc bảo vệ thực vật. Các hội viên tuyên truyền về tác hại của việc vứt bừa bãi vỏ bao bì, nhắc nhở nhau để đúng nơi quy định. Cách làm này giúp nông dân thay đổi nhận thức, hành vi và thói quen trong lao động, sản xuất, bảo vệ môi trường.

Tương tự, tại Chi hội Nông dân thôn Toàn Mỹ, thị trấn Vôi, mỗi gia đình đều có xô đựng rác, thu gom, phân loại tại nguồn. Ở các xã Đào Mỹ, Hương Sơn, Tân Thanh, nhiều gia đình tự làm lò xử lý rác thải mini, không vứt rác ra đường.

Tạo sức lan tỏa

 

Trong Chiến dịch cao điểm vệ sinh môi trường vừa qua, Hội Nông dân huyện Lạng Giang đã chỉ đạo 100% chi hội phối hợp với các hội, đoàn thể ở địa phương nạo vét, khơi thông hơn 230 km kênh mương; quét dọn gần 1.500 km hành lang đường giao thông liên thôn, xã.

 

Phong trào Hội Nông dân tham gia bảo vệ môi trường nông thôn được Hội Nông dân tỉnh phát động từ năm 2015. Các mô hình được nhiều chi hội lựa chọn là: Tuyến đường nông dân tự quản sáng - xanh - sạch - đẹp; thu gom thuốc bảo vệ thực vật; thu gom rác thải; nhà sạch, đường đẹp...

Để thực hiện có hiệu quả, Hội Nông dân huyện có hướng dẫn để Hội Nông dân các xã, thị trấn căn cứ tình hình thực tế ở địa phương để lựa chọn mô hình cho phù hợp. Các cấp hội đẩy mạnh tuyên truyền về ý nghĩa, tầm quan trọng của việc giữ gìn vệ sinh môi trường trên loa truyền thanh, tại các buổi sinh hoạt chuyên đề của chi, tổ hội; phát tờ rơi hoặc trực tiếp đến từng hộ vận động. Riêng đối với việc xử lý môi trường chăn nuôi nông hộ, Hội chủ động phối hợp với các ngành chức năng tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi theo quy trình an toàn. Hiện trên địa bàn huyện có hơn 1.000 hộ chăn nuôi áp dụng các biện pháp giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Anh Nguyễn Văn Ngọc, thôn Tuấn Thịnh, xã Tân Thanh chia sẻ: "Gia đình tôi thường xuyên chăn nuôi lợn quy mô từ 50 - 100 con. Trước đây, vào những ngày thời tiết nóng nực, chất thải bốc mùi rất khó chịu. Năm 2015, được Chi hội vận động, tôi đã xây dựng hầm khí biogas, vừa tiết kiệm chi phí chất đốt vừa giảm thiểu ô nhiễm môi trường".

Ông Hà Văn Hồng, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện cho biết: Phong trào đã làm thay đổi cảnh quan môi trường nông thôn theo hướng tích cực. Tình trạng ô nhiễm trong chăn nuôi giảm đáng kể, ý thức của người dân được nâng lên. Thời gian tới, Hội tiếp tục phát huy vai trò của Hội Nông dân các cấp trong việc chủ động tham gia giám sát các hoạt động bảo vệ môi trường tại địa phương./.

Tuệ An

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi