Thứ Sáu, 15/11/2024
Xây dựng nông thôn mới ở huyện Mường Khương

Với đặc thù là huyện vùng cao, biên giới đặc biệt khó khăn, là một trong 62 huyện nghèo của cả nước, xuất phát điểm kinh tế thấp, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ dân trí không đồng đều, cơ sở hạ tầng chưa được đầu tư đồng bộ, giao thông khó khăn, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, thiên tai thường xuyên xảy ra. Thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 05/8/2008 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn; Quyết định số 800/QĐ-TTg ngày 04/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, giai đoạn 2011 - 2020. Trong những năm qua Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện đã tập trung xây dựng và triển khai đồng bộ các giải pháp xây dựng nông thôn mới. Đến nay, toàn huyện có hơn 80% số hộ dân có nhà vệ sinh, trong đó 50% số hộ dân có nhà tiêu hợp vệ sinh. Tỷ lệ người dân được dùng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 97%; đổ bê tông gần 200 km đường giao thông, làm mới 116 nhà văn hóa thôn, 06 nhà văn hóa xã... Tổng số tiêu chí nông thôn mới đạt 171/304 tiêu chí, bình quân 10,68 tiêu chí/xã; hoàn thành 02 thôn “Kiểu mẫu”, 01 thôn “Nông thôn mới”. Toàn huyện đã có 3 xã đạt chuẩn Nông thôn mới là: Bản Lầu, Bản Xen và xã Lùng Vai. Những kết quả đạt được trong những năm qua tạo tiền đề vững chắc để huyện thực hiện xây dựng Nông thôn mới trong giai đoạn tiếp theo.

 Là xã được huyện chọn phấn đấu về đích Nông thôn trong năm 2017, Thanh Bình đã dồn sức hoàn thành các tiêu chí nông thôn mới. Xác định nâng cao thu nhập của nhân dân là động lực để hoàn thành các tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Do vậy việc nâng cao thu nhập, giảm nghèo bền vững luôn được xã Thanh Bình chú trọng, quan tâm hàng đầu. Trong đó, xã xác định tập trung xây dựng nhiều mô hình kinh tế nông nghiệp, như: Quy hoạch vùng chè tập trung cho năng suất, chất lượng cao, vùng lúa, vùng ngô lai hành hóa, vùng mía; đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ Khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng và cơ giới hóa trong các khâu sản xuất, gắn sản xuất với nhu cầu thị trường. Bên cạnh đó, xã cũng khuyến khích người dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao thu nhập trên một đơn vị diện tích canh tác... Nhờ đó, sản xuất nông nghiệp của xã đã có bước phát triển bền vững, thu nhập và đời sống của người dân từng bước được cải thiện. Hiện, mức thu nhập bình quân của xã đạt trên 21,5 triệu đồng/người/năm. Được huyện chọn làm điểm xây dựng Nông thôn mới, đến nay, xã Thanh Bình mới hoàn thành 9/19 tiêu chí, gồm tiêu chí: Quy hoạch, Thủy lợi, Cơ sở hạ tầng thương mại nông thôn, Thông tin và Truyền thông, Nhà ở dân cư, Lao động có việc làm, Giáo dục, Y tế,  Quốc phòng và an ninh. Hiện Thanh Bình còn 10 tiêu chí chưa đạt đó là: Tiêu chí Giao thông, tiêu chí Điện, tiêu chí Trường học, tiêu chí Cơ sở vật chất văn hóa, tiêu chí Thu nhập, Hộ nghèo, Tổ chức sản xuất, Văn hóa, Môi trường và an toàn thực phẩm, Hệ thống tổ chức chính trị và tiếp cận pháp luật. Do xét thấychưa đủ lực về đích trong năm 2017, tỉnh đã sớm quyết định lựa chọn xã khác thay thế xã Thanh Bình về đích xây dựng nông thôn mới trong năm 2017.

Vậy nhưng, với những việc làm cụ thể, hướng đi phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, tin tưởng rằng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc huyện Mường Khương sẽ tiếp tục khắc phục khó khăn, khai thác tốt lợi thế, thực hiện tốt việc phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa đời sống cho người dân. Qua đó, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra./.

Thùy Linh


 

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất