Thứ Sáu, 15/11/2024
Hậu Giang: Nỗ lực thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới
​Quyết tâm xây dựng NTM
 
Hưởng ứng phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng NTM” của Chính phủ, tháng 12/2011, UBND tỉnh đã phát động phong trào thi đua “Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang chung sức xây dựng NTM” giai đoạn 2011 - 2020 và cuộc thi “Mô hình có cảnh quan, môi trường sáng, xanh, sạch, đẹp”. Đến nay, phong trào xây dựng NTM đã được các ngành, các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân hưởng ứng tích cực, với nhiều nội dung, hình thức phong phú như mô hình trồng cam sành theo tiêu chuẩn VietGap ở xã Tân Thành; mô hình Cánh đồng lớn ở xã Vị Thanh (huyện Vị Thủy), xã Trường Long Tây (huyện Châu Thành A); mô hình con đường đẹp với hàng rào cây xanh, cảnh quan môi trường sáng - xanh - sạch đẹp ở xã Vị Thắng (huyện Vị Thủy) và xã Tân Thành (thị xã Ngã Bảy)...

Ngoài ra, tỉnh đã chủ động lồng ghép các nội dung của Chương trình xây dựng NTM vào công tác chuyên môn của từng ngành, lĩnh vực, cũng như các chương trình toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa, phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc, qua đó, phát huy được hiệu quả và huy động sự tham gia của nhiều tầng lớp nhân dân. Với những kết quả đó, Hậu Giang đã trở thành một trong những cánh chim đầu đàn của đồng bằng sông Cửu Long trong phong trào xây dựng NTM.

Hỗ trợ địa phương thực hiện tiêu chí môi trường

Trên cơ sở Chương trình, Nghị quyết và các văn bản hướng dẫn, chỉ đạo của Chính phủ và UBND tỉnh về thực hiện Chương trình xây dựng NTM, Sở TN&MT Hậu Giang đã ban hành các văn bản hướng dẫn địa phương thực hiện tiêu chí 17 về môi trường. Đồng thời, Sở TN&MT còn phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể triển khai các hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân về tiêu chí môi trường trong xây dựng NTM bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng như lồng ghép với các cuộc họp tổ, nhóm trong khu dân cư; phổ biến trên hệ thống loa truyền thanh của phường, xã, thôn xóm; xây dựng pano, khẩu hiệu về NTM và BVMT tại các xã; tổ chức hoạt động hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới, Chiến dịch Làm cho Thế giới sạch hơn… Qua đó, góp phần làm chuyển biến nhận thức, hành vi của từng cá nhân, hộ gia đình trong công tác BVMT.

Hàng năm, bằng nguồn vốn sự nghiệp môi trường, Sở đã hỗ trợ các địa phương thực hiện tiêu chí môi trường. Năm 2016, Sở đã hỗ trợ xây dựng 800 hố đốt rác cho hộ dân nghèo trên địa bàn 8 xã; triển khai 91 điểm thu gom và lưu giữ chất thải nguy hại từ sản xuất nông nghiệp tại các ấp trên địa bàn 7 xã; cải tạo và xây mới 10 lò đốt rác tại 11 điểm trường; xây 3 hệ thống xử lý nước thải của trạm y tế xã; lắp đặt 65 pano tuyên truyền về BVMT tại các ấp, góp phần quan trọng cải thiện môi trường nông thôn. Bên cạnh đó, Sở đã tiến hành kiểm tra các cơ sở sản xuất kinh doanh - dịch vụ hoạt động trên địa bàn các xã về thực hiện quy định pháp luật trong lĩnh vực môi trường để hướng dẫn doanh nghiệp xây dựng công trình xử lý chất thải, nước thải đạt quy chuẩn. Đối với một số xã tập trung nhiều hộ gia đình làm nghề hầm than củi, Sở đã xây dựng đề án chuyển đổi nghề, hoặc đề xuất giải pháp xử lý khói, bụi lò hầm than trước khi thải ra môi trường.

Nhờ những nỗ lực trên, đến cuối năm 2016, Hậu Giang có 23/54 xã đạt tiêu chí về môi trường (chiếm 42,6%). Tỷ lệ người dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh đạt 91,49%; các cơ sở sản xuất, kinh doanh trên địa bàn các xã đã lập các thủ tục về môi trường như báo cáo đánh giá tác động môi trường, cam kết BVMT, đề án BVMT, kế hoạch BVMT… Tại 23 xã đạt tiêu chí môi trường, khoảng 90 - 95% hộ gia đình có hàng rào cây xanh và pêtông kiên cố, ý thức tạo cảnh quan môi trường Xanh - Sạch - Đẹp. Các xã đã thành lập các tổ đội thu gom rác thải sinh hoạt, việc thu gom rác thải đã đi vào nề nếp, góp phần chấm dứt tình trạng vứt rác xuống lòng sông, lề đường, nơi công cộng. Rác thải sinh hoạt được xử lý bằng biện pháp đốt hoặc chôn lấp.

Bên cạnh những kết quả đạt được thì việc thực hiện tiêu chí 17 về môi trường ở một số xã chưa có chuyển biến tích cực. Ban Chỉ đạo ở các xã chưa tạo được mối quan tâm và tham gia tích cực của người dân trong các hoạt động BVMT. Công tác tuyên truyền vận động đến cộng đồng dân cư chưa được triển khai thường xuyên, liên tục nên nhận thức về công  tác BVMT của các hộ dân chưa cao, tình trạng vứt rác xuống sông, rạch vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi. Nguồn lực đầu tư cho BVMT còn hạn hẹp, chưa đáp ứng yêu cầu…

Để nâng cao hiệu quả thực hiện tiêu chí môi trường, góp phần BVMT nông thôn, thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục phối hợp với các xã NTM trên địa bàn toàn tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền về BVMT, xem đây là giải pháp quan trọng, nhiệm vụ trọng tâm thường xuyên của các cấp, các ngành, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương, nhằm nâng cao ý thức, tính tự giác cho cán bộ và nhân dân trong giữ gìn vệ sinh môi trường. Mặt khác, sẽ tăng cường và ưu tiên bố trí nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia cho các xã để tạo điều kiện hoàn thành tiêu chí số 17 về môi trường; nghiên cứu áp dụng thí điểm và nhân rộng những mô hình BVMT, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong xử lý nước thải, xử lý rác thải, chất thải chăn nuôi, nước thải sinh hoạt (xử lý nước thải sau biogas, đệm lót sinh học, lò đốt rác thải tập trung...) phù hợp với điều kiện thực tế khu vực nông thôn hiện nay. Đối với các xã chưa đạt tiêu chí môi trường cần xây dựng lộ trình từng năm thực hiện các nội dung của tiêu chí và tùy vào điều kiện thực tế sẽ đề nghị tỉnh hỗ trợ. Tuy nhiên, không chỉ riêng ở Hậu Giang mà đối với các tỉnh, TP trên cả nước, để hoàn thành tiêu chí môi trường cần có sự vào cuộc của chính quyền, các đoàn thể và nhân dân cùng chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, thực hiện nếp sống văn minh, góp phần xây dựng nông thôn xanh.

Nguyễn Thị Tâm

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất