Thứ Bảy, 28/12/2024
Bảo đảm nước sinh hoạt hợp vệ sinh cho người dân nông thôn
Sử dụng nước máy trong sinh hoạt tại hộ ông Phạm Hắc Đền (tổ 3, thôn Suối Tre, xã Châu Pha, huyện Tân Thành)

GẦN 100% NGƯỜI DÂN SỬ DỤNG NƯỚC HỢP VỆ SINH

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thời gian qua, UBND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng các nhà máy cung cấp nước sạch ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Bên cạnh đó, từ năm 2011, Trung tâm Nước sinh hoạt và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đã triển khai Đề án giải quyết nhu cầu về nước hợp vệ sinh cho các hộ dân nông thôn.

Đề án triển khai trong 2 giai đoạn: giai đoạn 1 (từ năm 2011 - 2012), giải quyết nguồn nước hợp vệ sinh cho các hộ dân ở 4 xã: Châu Pha (huyện Tân Thành), Long Tân (huyện Đất Đỏ), Bưng Riềng (huyện Xuyên Mộc) và Quảng Thành (huyện Châu Đức); giai đoạn 2 (từ năm 2013-2015), giải quyết nguồn nước hợp vệ sinh cho các hộ dân tại 26 xã vùng nông thôn khác. Hiện nay, Đề án đã hoàn thành, mang lại những hiệu quả thiết thực, góp phần nâng tỷ lệ dân nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh trong toàn tỉnh.

Với những chính sách đầu tư, hỗ trợ của tỉnh, đến nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang quản lý, vận hành 6 nhà máy cấp nước, với tổng công suất 58.400m3/ngày đêm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của người dân tại 38 xã, thị trấn trên địa bàn tỉnh. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có khoảng 99,8% hộ dân sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh. 

NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG NGUỒN NƯỚC

Mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng việc cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực nông thôn hiện vẫn còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Ông Lê Văn Hà, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, địa hình nhiều vùng nông thôn của tỉnh không bằng phẳng, dẫn đến chênh lệch về áp lực trong cấp nước nên vẫn còn xảy ra tình trạng thiếu nước cục bộ ở một số khu vực có địa hình cao.

Bên cạnh đó, hiện nay, nguồn nước mặt cung cấp phục vụ sinh hoạt khu vực nông thôn chủ yếu lấy từ các hồ thủy lợi. Nguồn nước các hồ này ngoài cung cấp nước sinh hoạt, còn phục vụ sản xuất nông nghiệp. Do đó, vào mùa khô, mực nước các hồ hạ thấp rất nhanh, nước bị đục, ảnh hưởng đến chất lượng. Thêm vào đó, nguy cơ ô nhiễm nguồn nước luôn tiềm ẩn do tác động tổng hợp của hoạt động sản xuất nông nghiệp, nhất là chăn nuôi tại các vùng nông thôn.

Từ thực trạng nêu trên, ngành nông nghiệp đang triển khai nhiều biện pháp nhằm bảo đảm và nâng cao chất lượng nguồn nước tại khu vực nông thôn. Theo đó, đối với các địa phương có số lượng hộ dân chăn nuôi cao (Xuyên Mộc, Châu Đức, Tân Thành), sẽ tiến hành rà soát hiện trạng và thực hiện quy hoạch phù hợp với thực tế, di dời các cơ sở chăn nuôi không đúng quy hoạch, tách các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ ra khỏi khu dân cư, bảo đảm việc chăn nuôi không gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến các hồ cấp nước của tỉnh.

Đối với địa phương có nhiều hộ gia công, sơ chế, chế biến hải sản (Long Điền), sẽ tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm đối với những hộ, cơ sở kinh doanh không đầu tư hệ thống xử lý nước thải.

Hiện nay, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh đang đẩy nhanh tiến độ thi công nhà máy cấp nước Sông Hỏa để hoàn thành dự án trong năm 2017. Khi nhà máy này đi vào hoạt động, sẽ bảo đảm cung cấp đủ nước cho người dân trên địa bàn huyện Xuyên Mộc. 

Lê Hoa

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi