Xác định người dân là chủ thể của việc bảo vệ môi trường, MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên luôn chú trọng đẩy mạnh các phương pháp, hình thức tuyên truyền, vận động phong phú, đa dạng gắn với những phong trào thiết thực. Qua đó, góp phần huy động được sức mạnh cộng đồng chung tay giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, xây dựng nếp sống văn minh.
Thực hiện tốt vai trò chủ trì các hoạt động về bảo vệ môi trường, xây dựng đời sống văn hóa, các cấp Hội LHPN trong tỉnh luôn chú trọng xây dựng nhiều cách làm hiệu quả, được đông đảo cán bộ, hội viên triển khai hiệu quả tại cộng động: Sử dụng túi sinh học tự phân hủy, thu gom rác thải, tái chế phế liệu, phân loại và xử lý rác thải tại gia đình, vận động hội viên dùng làn đi chợ…
Tìm hiểu tại TP Cẩm Phả, chúng tôi được chị Phạm Mai Hương, Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố, cho biết: Được cơ quan Khối MTTQ và các đoàn thể thành phố giao chủ trì tham mưu công tác vệ sinh môi trường, thời gian qua, Hội LHPN thành phố thường xuyên phối hợp tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao ý thức, trách nhiệm của cộng đồng về bảo vệ môi trường. Đặc biệt, thông qua đội ngũ cán bộ trách nhiệm, nhiệt tình, bám sát cơ sở, Hội đã kịp thời chủ động nắm bắt các vấn đề về môi trường của từng thôn, khu, xóm; từ đó chủ động đăng ký với cấp ủy địa phương và hội cấp trên, tiến hành xây dựng các mô hình cụ thể và phát động các phong trào thi đua để huy động hội viên, phụ nữ và cộng đồng chung tay thực hiện… Nổi bật như phong trào “Ngày thứ bảy, chủ nhật xanh” đã lan tỏa sâu rộng trong nhân dân, trở thành nền nếp của các khu dân cư, mỗi phường, xã đều có ít nhất 1 tuyến đường trồng hoa, cây xanh thường xuyên được chăm sóc, tạo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.
Không chỉ riêng Hội Phụ nữ mà MTTQ và các đoàn thể đều đã và đang tích cực triển khai các hoạt động thiết thực, phù hợp với điều kiện của tổ chức mình, nhằm tạo sự chuyển biến và nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật bảo vệ môi trường, trách nhiệm xã hội của người dân, doanh nghiệp trong việc gìn giữ và bảo vệ môi trường sống. Từng tổ chức lại có những mô hình triển khai tới các cấp cơ sở về công tác vệ sinh môi trường tại cộng đồng với cách làm đa dạng: Đoàn Thanh niên với các phong trào tình nguyện, xung kích, ra quân bóc xóa quảng cáo bẩn, dọn về sinh bờ biển và duy trì các đoạn đường thanh niên quản lý. Liên đoàn Lao động đẩy mạnh phong trào “Xanh, sạch, đẹp - Bảo đảm an toàn vệ sinh lao động”… Tại các trường học, nhiều nội dung về bảo vệ môi trường cũng đã được quan tâm lồng ghép, tích hợp vào các tiết học, giờ ngoại khóa để tuyên truyền, giúp các em học sinh nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng trong bảo vệ, giữ gìn môi trường sống.
Đặc biệt, thời gian qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương triển khai thực hiện tốt Chương trình phối hợp giữa Ban Thường trực Trung ương MTTQ Việt Nam, Bộ Tài nguyên và Môi trường với các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2015 - 2020. Điển hình như Ban Trị sự tỉnh hội Phật giáo, Giáo hạt Công giáo tỉnh, đều chủ động xây dựng kế hoạch hành động hằng năm, định kỳ với các nhiệm vụ chính: Hướng dẫn, vận động chức sắc, nhà tu hành và tín đồ nắm bắt, cập nhật kiến thức về bảo vệ môi trường, khắc phục những hủ tục lạc hậu, thói quen sinh hoạt, lao động sản xuất làm ảnh hưởng tới môi trường sống; xây dựng, giữ gìn các cơ sở tôn giáo, nơi thờ tự xanh, sạch, đẹp. Với tổng số tín đồ là trên 190.000 người (gần 16,6% dân số tỉnh), các tôn giáo trên địa bàn tỉnh cơ bản đã thực hiện tốt việc gắn thực hiện những quy định trong giáo luật, giáo lý với kế hoạch hành động bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu theo chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước, chương trình hành động của MTTQ Việt Nam.
Những tác động của ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu đến đời sống ngày càng trở nên cấp bách, do đó rất cần chung tay, góp sức của cả cộng đồng để công tác bảo vệ môi trường đạt kết quả cao và bền vững. Đây vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ, vừa là quyền lợi của mỗi công dân hiện đại.
Hoàng Giang