Thứ Năm, 25/4/2024
Ngày làm việc thứ chín, Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường và đời sống nhân dân
 

Các đại biểu Quốc hội trao đổi ý kiến trong giờ nghỉ giải lao 


Đề cao vai trò của các thành phần kinh tế

Nhận định về công tác thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của nước ta thời gian qua, nhiều đại biểu khẳng định: Những thành quả tích cực trong năm 2019 là tiền đề tốt để tạo đà phát triển cho năm 2020, trong đó có nhiệm vụ quan trọng là chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tuy nhiên, cùng với việc tập trung tháo gỡ khó khăn cho khu vực kinh tế tư nhân, Chính phủ cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét và tập trung thực hiện cải cách mạnh mẽ các thành phần kinh tế, như kinh tế nhà nước và kinh tế tập thể, gắn với triển khai thắng lợi các Nghị quyết của Đảng và QH.

Một nội dung được nhiều đại biểu QH đề cập, đó là việc đẩy mạnh vận động toàn dân sử dụng giao dịch thanh toán điện tử, hạn chế tiêu dùng bằng tiền mặt và đã thu được một số kết quả đáng mừng. Tuy nhiên, vẫn còn không ít cơ quan, tổ chức sử dụng NSNN chậm thi hành, thậm chí trì trệ trong triển khai chính sách nêu trên. Đại biểu Nguyễn Thanh Thủy (Hậu Giang) và một số đại biểu khác cho rằng, thực trạng này bắt nguồn từ sự chậm trễ, thiếu quyết liệt của ngành tài chính trong cải cách thủ tục thanh toán, quyết toán bằng chứng từ điện tử. Cụ thể, việc thanh toán tiền điện, nước, điện thoại, vé máy bay, tàu xe, chi trả lương, phụ cấp... đến nay ở nhiều nơi vẫn chưa được áp dụng phương thức thanh toán điện tử và chữ ký số, khiến tình trạng lãng phí thời gian, vật tư văn phòng và quan trọng hơn là các vấn đề tiêu cực liên quan đến mua bán hóa đơn tài chính vẫn tiếp diễn.

Một số đại biểu bày tỏ băn khoăn đối với những chính sách liên quan đến khu vực doanh nghiệp FDI. Dẫn số liệu về vốn giải ngân FDI từ năm 2016 đến nay đóng góp 40% vốn đầu tư xã hội và 20% GDP, đồng thời 70% tổng kim ngạch xuất khẩu của nước ta những năm qua đến từ doanh nghiệp nước ngoài, đại biểu Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, Chính phủ và các địa phương cần lưu ý, ưu tiên các yếu tố an ninh, quốc phòng, môi trường, công nghệ khi cấp phép đầu tư cho các doanh nghiệp FDI. Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng khuôn khổ pháp lý về những khái niệm mới, như: cách mạng công nghiệp 4.0, đổi mới sáng tạo, kinh tế số, kinh tế chia sẻ... song song với việc hoàn thiện pháp luật về sở hữu trí tuệ, cơ cấu lại thị trường tài chính, hoàn thiện kinh tế vùng liên kết cùng phát triển, xây dựng trung tâm tài chính tiền tệ quốc tế. Ngoài ra, cần quan tâm hơn nữa đến thị trường trong nước, tránh để nền kinh tế Việt Nam bị động trước những rào cản thương mại đến từ chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch của một số quốc gia trên thế giới.

Bảo vệ chủ quyền và an ninh, trật tự đất nước

Trong phiên làm việc hôm qua, các đại biểu bày tỏ quan tâm tình hình quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc. Nhấn mạnh việc mỗi người dân Việt Nam đều khát khao giữ vững độc lập, tự do và tinh thần không nhân nhượng khi bảo vệ chủ quyền đất nước, đại biểu Nguyễn Trọng Nghĩa (Tiền Giang) khẳng định, đây là điểm then chốt để củng cố, tăng cường khối Đại đoàn kết toàn dân tộc. Trong tổng thể các mối quan hệ của sự nghiệp cách mạng, trong đó có sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc phải được đặt lên hàng đầu. Để thực hiện nhiệm vụ thiêng liêng, cao cả này, cần hết sức quan tâm giữ vững ổn định chính trị trong nước, đa dạng hóa các giải pháp kinh tế, chủ động nắm được các tình huống.

Liên quan công tác quản lý xuất nhập cảnh, cư trú, lao động, đầu tư kinh doanh của người nước ngoài tại Việt Nam, đại biểu Đinh Công Sỹ (Sơn La) cùng một số đại biểu khác nêu rõ: Với 21 văn bản quy phạm pháp luật về xuất cảnh, nhập cảnh; 14 văn bản quy phạm pháp luật về lao động nước ngoài; 24 văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến đầu tư, kinh doanh có liên quan đến yếu tố nước ngoài, nước ta hiện sở hữu hành lang pháp lý thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho người nước ngoài đến du lịch, tìm kiếm cơ hội đầu tư, kinh doanh. Tuy nhiên, việc lượng người nước ngoài vào Việt Nam tăng mạnh thời gian gần đây lại kéo theo một số vấn đề tiêu cực, điển hình là tình trạng người nước ngoài kinh doanh trái pháp luật, tổ chức đánh bạc, tàng trữ và buôn bán ma túy trái phép, lừa đảo, vi phạm pháp luật về cư trú, lao động... Đáng chú ý, từ những vụ việc đơn lẻ, nay đã có dấu hiệu hình thành đường dây, tổ chức tội phạm xuyên quốc gia. Những hệ lụy nêu trên không chỉ xuất phát từ các kẽ hở trong hệ thống pháp luật, mà thực tế còn do ý thức chấp hành pháp luật của một số nhà tuyển dụng, sử dụng và cấp phép xuất nhập cảnh, lao động và cư trú cho người nước ngoài còn kém; các quy định về thẩm quyền quản lý người nước ngoài tại Việt Nam còn nhiều điểm chồng chéo, mâu thuẫn; sự thiếu sâu sát của cơ quan chuyên môn và chính quyền một số địa phương trong quản lý xuất nhập cảnh và cư trú... Do đó, cần sớm hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý người nước ngoài, đặc biệt là các văn bản dưới luật, đồng thời sớm cụ thể hóa, triển khai có hiệu quả Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam. Công tác thanh tra, kiểm tra cần phải tiến hành thường xuyên, trong đó lưu ý đến những địa phương tập trung nhiều người nước ngoài cư trú, lao động. Xử lý nghiêm, kịp thời, minh bạch và triệt để trách nhiệm của cá nhân, tổ chức, địa phương để xảy ra sai phạm sau quá trình thanh tra, điều tra.

Bảo đảm môi trường và đời sống nhân dân

Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu đã thẳng thắn nêu ý kiến chung quanh các hệ lụy về môi trường và đời sống nhân dân liên quan quá trình phát triển kinh tế - xã hội. Trong khi đó, các cơ quan chức năng lại tỏ ra thiếu nhanh nhạy, chưa đưa ra cảnh báo và các biện pháp xử lý kịp thời, dẫn đến tâm lý hoang mang, lo lắng trong nhân dân.

Đại biểu Ngô Sách Thực (Bắc Giang) và một số đại biểu khác dẫn số liệu cho biết: Trong năm 2018, chỉ có hơn 12% lượng nước thải tại đô thị loại 4 được xử lý trước khi thải ra môi trường, tỷ lệ xả thải trực tiếp còn rất cao; nhiều nơi, quy định dành 1% nguồn chi ngân sách cho bảo vệ môi trường chưa được thực hiện đầy đủ. Gần đây, những sự cố về ô nhiễm nguồn nước, không khí xảy ra liên tiếp nhưng người dân không nhận được cảnh báo, thông báo kịp thời… Vì vậy, cần tăng cường chỉ đạo quản lý nhà nước về vấn đề tài nguyên môi trường, cụ thể là chỉ đạo kiểm tra thực hiện nghiêm việc đánh giá tác động môi trường trước khi quyết định triển khai các dự án đầu tư; khuyến khích ứng dụng công nghệ sạch, thân thiện môi trường; kiểm soát xả thải, nhập khẩu công nghệ, siết chặt chất cấm nhập khẩu; quy định cơ chế người xả thải phải trả phí, người gây ô nhiễm môi trường phải bị xử lý hình sự trước pháp luật…

Nhiều đại biểu QH bày tỏ lo ngại với thực trạng người dân nhiều địa phương đang đối diện với ô nhiễm và những hệ quả tất yếu về sức khỏe hằng ngày. Theo đó, mục đích của phát triển kinh tế là nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống toàn dân. Thế nhưng, việc nhân dân phải sống trong ô nhiễm, từ môi trường không khí, nguồn nước, thực phẩm cho thấy chạy theo phát triển kinh tế nóng thiếu bền vững đã làm tổn hại môi trường, dẫn đến chất lượng cuộc sống chưa được bảo đảm. Đưa ra dẫn chứng về hàng loạt sự cố môi trường liên quan đến xả thải ra sông, biển trong nhiều năm qua và gần đây là việc nguồn nước sinh hoạt của người dân Hà Nội bị nhiễm bẩn, đại biểu Thái Trường Giang (Cà Mau) cho rằng, đây là thực tế đáng báo động về sự lỏng lẻo trong quản lý. Chính phủ cần nhanh chóng chỉ đạo các bộ, ngành chủ động ngăn chặn việc gây ô nhiễm nguồn nước thô cung cấp cho các nhà máy nước sạch; rà soát quy hoạch và xây dựng các hồ chứa nước ngọt dự trữ tại các địa phương;

Tại các phiên thảo luận hôm qua, các thành viên Chính phủ đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất