Buổi sáng
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Tòng Thị Phóng. Quốc hội đã nghe Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu và chỉnh lý dự án Bộ luật Lao động (sửa đổi). Sau đó, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Bộ luật Lao động (sửa đổi), kết quả như sau: i) Về Điều 107, quy định làm thêm giờ, có 454 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94%); trong đó, có 433 đại biểu tán thành (bằng 89,65%); ii) Về Điều 112, quy định nghỉ lễ, Tết, có 455 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 94,2%); trong đó, có 452 đại biểu tán thành (bằng 93,58%); iii) Về Điều 170, quy định quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở, có 448 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 92,75%); trong đó, có 445 đại biểu tán thành (bằng 92,13%). iv) Về toàn bộ dự thảo Bộ luật, có 453 đại biểu tham gia biểu quyết (bằng 93,79%); trong đó, có 435 đại biểu tán thành (bằng 90,06%).
Cũng trong buổi sáng cùng ngày, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển. Tại phiên thảo luận, có 24 đại biểu phát biểu, trong đó đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết, sửa đổi, bổ sung Luật Đầu tư và cho rằng, việc sửa đổi, bổ sung luật sẽ góp phần thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật, nâng cao chất lượng đầu tư, thu hút vốn đầu tư trong nước, nước ngoài đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế.
Để tiếp tục hoàn thiện dự án luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những nội dung sau: Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng, nguyên tắc áp dụng Luật Đầu tư; về chính sách đầu tư kinh doanh; ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh (trong đó có ý kiến đề nghị rà soát, đánh giá thêm quy định cấm “kinh doanh dịch vụ đòi nợ”; bổ sung quy định cấm mua bán bào thai, quản lý chặt chẽ và xử lý nghiêm đối với hành vi đầu tư, kinh doanh bóng cười, shiha); về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện; ngành, nghề tiếp cận thị trường có điều kiện đối với nhà đầu tư nước ngoài; về ưu đãi và hỗ trợ đầu tư (hình thức và đối tượng áp dụng ưu đãi đầu tư; ngành nghề ưu đãi đầu tư và địa bàn ưu đãi đầu tư); về góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp; về nguyên tắc, điều kiện thực hiện thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư; thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ; trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; thủ tục cấp, điều chỉnh, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; việc triển khai thực hiện dự án đầu tư như bảo đảm thực hiện dự án, thời hạn hoạt động của dự án, giám định máy móc, thiết bị, dây chuyền công nghệ, chuyển nhượng dự án, chấm dứt dự án; hình thức hỗ trợ đầu tư từ ngân sách nhà nước; bảo đảm đầu tư kinh doanh trong trường hợp thay đổi pháp luật; ngành, nghề cấm đầu tư ra nước ngoài; ngành, nghề đầu tư ra nước ngoài có điều kiện...
Sau phiên thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Kết thúc phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghiêm túc nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội trước khi báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Buổi chiều
Quốc hội họp phiên toàn thể tại Hội trường dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, thảo luận về dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Tại phiên thảo luận đã có 19 đại biểu phát biểu, một đại biểu tranh luận; trong đó, đa số ý kiến đại biểu cơ bản tán thành với Tờ trình của Chính phủ, Báo cáo thẩm tra của Quốc hội về sự cần thiết sửa đổi, bổ sung Luật Doanh nghiệp nhằm thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng, bảo đảm tính đồng bộ của hệ thống pháp luật, tính tương thích với một số quy định của các luật mới ban hành, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực thi pháp luật. Qua đó, tiếp tục hoàn thiện thể chế, góp phần cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp; nâng cao chất lượng tổ chức quản trị doanh nghiệp, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cổ đông, nhà đầu tư khi tham gia đầu tư kinh doanh tại doanh nghiệp; đáp ứng yêu cầu thực tiễn và hội nhập kinh tế quốc tế.
Để góp phần hoàn thiện dự án luật, tại phiên thảo luận, các đại biểu tập trung cho ý kiến về những vấn đề sau: Về phạm vi điều chỉnh; giải thích từ ngữ; về tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp; về quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp; về tiêu chí, quyền, nghĩa vụ của doanh nghiệp xã hội; các hành vi bị nghiêm cấm; về doanh nghiệp nhà nước; trình tự, thủ tục đăng ký doanh nghiệp; cung cấp thông tin về đăng ký doanh nghiệp; con dấu của doanh nghiệp; cơ cấu tổ chức quản lý công ty cổ phần; quyền thành lập, góp vốn, mua cổ phần, mua phần vốn góp và quản lý doanh nghiệp; thực hiện góp vốn thành lập công ty và giấy chứng nhận phần vốn góp; quyền của cổ đông phổ thông; cổ phần ưu đãi biểu quyết do tổ chức được Chính phủ ủy quyền nắm giữ; về chứng chỉ lưu ký không có quyền biểu quyết; về phát hành trái phiếu; về thẩm quyền của Giám đốc, Tổng giám đốc; Hội đồng quản trị, Ban kiểm soát, Kiểm soát viên; cơ cấu, tiêu chuẩn, điều kiện là thành viên Hội đồng quản trị; chuyển doanh nghiệp tư nhân thành công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần, công ty hợp danh; thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp…
Sau thảo luận, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã giải trình ý kiến của đại biểu Quốc hội. Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ chỉ đạo cơ quan soạn thảo, cơ quan thẩm tra nghiên cứu tiếp thu đầy đủ các ý kiến, hoàn thiện dự thảo luật, gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội và báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV.
Thứ năm, ngày 21/11/2019, Buổi sáng, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thư viện. Sau đó, Quốc hội thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Thanh niên (sửa đổi).
(quochoi.vn)