Thứ Bảy, 28/12/2024
Long An: Nhiều cách làm sáng tạo trong 'Năm Dân vận chính quyền'
 

Tổ hướng dẫn thủ tục hành chính tại xã Long Hiệp - mô hình hiệu quả trong thực hiện “Năm Dân vận chính quyền”


1. Chúng tôi đến UBND xã Long Hiệp, huyện Bến Lức, tỉnh Long An vào một ngày đầu tuần, bàn hướng dẫn thủ tục hành chính (TTHC) đặt ngay lối vào UBND xã. Nơi đó có bố trí đủ bàn, ghế, viết,... và cán bộ hướng dẫn tận tình mỗi khi người dân đến làm các TTHC. “Vào ngày thứ hai, người dân đến liên hệ bộ phận “một cửa” khá đông. Có khi một ngày, chúng tôi tiếp vài chục người đến nộp hồ sơ với nhiều TTHC khác nhau. Tổ hướng dẫn có 5 người, hỗ trợ người dân vào các ngày trong tuần” - chị Bùi Thị Hồng Phúc - công chức bộ phận “một cửa”, bộc bạch.

Nhằm xây dựng nền hành chính thật sự dân chủ, trong sạch và chuyên nghiệp, địa phương không ngừng đẩy mạnh cải cách TTHC bằng việc đưa vào hoạt động văn phòng tiếp dân theo cơ chế “một cửa”. Ngoài ra, xã còn tuyên truyền, giúp cán bộ, công chức, viên chức, doanh nghiệp và người dân địa phương nhận thức đầy đủ, đúng đắn về cải cách hành chính, kiểm soát TTHC.

Chủ tịch UBND xã Long Hiệp - Huỳnh Thanh Phong thông tin, mô hình Tổ hướng dẫn TTHC được địa phương thực hiện từ năm 2014. Xã chỉ đạo các cán bộ tiếp xúc với dân phải niềm nở, tận tình hướng dẫn người dân, doanh nghiệp và ngày càng đơn giản hóa các TTHC. Từ đầu năm đến nay, xã tiếp nhận hơn 8.800 hồ sơ, không có hồ sơ trễ hẹn. Không những vậy, xã còn thực hiện trao thư chúc mừng cho hộ gia đình có thêm thành viên mới và thư chia buồn hộ gia đình có thành viên qua đời. Đây cũng là một cách để chính quyền cùng làm tốt công tác DV, thể hiện sự quan tâm của địa phương đối với người dân sinh sống trên địa bàn.

Từ những cách làm nêu trên, không khó để Long Hiệp được nhận xét là địa phương đi đầu trong công tác cải cách hành chính cấp xã. Từ đó, giúp mối quan hệ giữa Đảng, chính quyền, nhân dân “xích lại” gần nhau.

2. Chiều, trời đổ mưa. Bà Nguyễn Thị Sáu vội vã đến bộ phận “một cửa” xã Phước Tuy, huyện Cần Đước, tỉnh Long An để kịp giờ hành chính. Đó là nơi làm việc sạch sẽ và không quá rộng.

Khu vực này có bố trí ghế, nước uống, lắp đặt tivi để cho người dân giải trí trong lúc chờ trả TTHC. Nơi đó còn niêm yết công khai các TTHC cũng như quy định tiếp công dân của Chủ tịch UBND xã để người dân được biết.

Có mặt tại nơi đây, chúng tôi cảm nhận được sự nhiệt tình, vui vẻ của cán bộ, công chức làm nhiệm vụ tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Sau khi được công chức hướng dẫn tận tình các thủ tục, hồ sơ, bà Sáu cười nói: “Mấy cháu ở đây nhiệt tình lắm! Tôi già rồi, nhiều khi mắt không nhìn rõ, mấy cháu cũng chẳng phiền hà. Nói chung là tôi rất hài lòng với cách làm việc của bộ phận “một cửa” địa phương”. 

3 năm làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ, chị Trần Thị Huyền Trang hiểu hơn về đặc thù công việc của mình. Chị chia sẻ: “Bộ phận “một cửa” tiếp xúc hàng ngày với dân nên không tránh khỏi những lúc sai sót. Tuy nhiên, chúng tôi luôn tận tình hướng dẫn; giải quyết kịp thời, nhanh chóng và không để trễ hẹn những hồ sơ, thủ tục của người dân”.

Từ thái độ phục vụ chuẩn mực, nhã nhặn, giải quyết thấu đáo những vướng mắc, bộ phận “một cửa” luôn mang đến sự hài lòng cho người dân. Từ đầu năm đến nay, hầu hết hồ sơ tại xã đều được giải quyết đúng hẹn. Ngoài việc hướng dẫn các yêu cầu về thủ tục hồ sơ, quy trình và thời gian giải quyết theo cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”, cán bộ tiếp nhận và trả kết quả luôn vui vẻ, chào hỏi khi giao tiếp với người dân. Đó là một trong những nội dung quan trọng trong mô hình 3 không tại địa phương (không phiền hà, nhũng nhiễu; không hướng dẫn nhiều lần; không trễ hẹn). Mô hình DV chính quyền này đã tăng cường sự gắn bó giữa nhân dân với chính quyền địa phương.

Không chỉ làm tốt công tác cải các hành chính, chính quyền xã Phước Tuy lắng nghe, giải quyết những vướng mắc của nhân dân để làm tốt hơn vai trò của mình. Từ sự “xắn tay” cùng làm với người dân, hàng loạt công trình, nhất là giao thông nông thôn với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm được xây dựng trên địa bàn. “Tấc đất tấc vàng! Vì vậy, lúc đầu khi đụng đến lợi ích, thuyết phục người dân hiến đất rất khó. Thế nhưng, chúng tôi cùng với lãnh đạo UBND xã tổ chức đối thoại nhiều lần, gặp gỡ trực tiếp với người dân để giải thích rõ ràng, nêu lên những lợi ích của các công trình,... Dần dần, họ cũng đồng tình hiến đất giải phóng mặt bằng” - Phó Bí thư Đảng ủy xã Phước Tuy - Trần Thanh Diệu cho hay.

3. Theo Đại tá Nguyễn Văn Hòa - Phó Giám đốc Công an tỉnh Long An, điểm nổi bật nhất của ngành công an trong thực hiện “Năm DV chính quyền” là xây dựng được rất nhiều mô hình. Tiêu biểu và hiệu quả nhất là Camera giám sát an ninh, trật tự. Đến nay, toàn tỉnh triển khai lắp đặt trên 46.000 camera, góp phần bảo đảm an ninh, trật tự. Kế đến là mô hình Móc khóa tiếp nhận, xử lý thông tin an ninh, trật tự được triển khai ở 7/15 huyện, thị xã, thành phố, đã cấp phát được gần 186.000 móc khóa. Ngoài ra, phải kể đến 114 mô hình khác đang hoạt động hiệu quả, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng địa bàn;... Bên cạnh đó, công an các đơn vị, địa phương, lãnh đạo xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường,... cũng xây dựng ít nhất 1 mô hình trong tuyên truyền, phòng, chống tội phạm; mỗi huyện, thị xã, thành phố xây dựng từ 1-2 mô hình cấp huyện, kết hợp tổ chức diễn tập ít nhất 1 mô hình; 100% địa bàn chọn chuyển hóa xây dựng và củng cố ít nhất 1 mô hình phòng, chống tội phạm, bảo vệ an ninh, trật tự theo hướng “tự quản, tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải”.

Trưởng Ban DV Tỉnh ủy - Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cho biết, DV chính quyền là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của hệ thống hành chính trong thực hiện dân chủ cơ sở. Qua kiểm tra tại một số địa phương, đơn vị trong tỉnh về thực hiện “Năm DV chính quyền” cho thấy, nhận thức về vị trí, yêu cầu của công tác DV trong hệ thống hành chính, đội ngũ công chức được tiếp tục quán triệt và có chuyển biến tích cực. Đã khắc phục cơ bản tình trạng coi công tác DV là nhiệm vụ của hệ thống cơ quan DV, của Đảng, đoàn thể. Hiện nay, nhiều nơi đã xác định chính quyền cần làm DV. Điểm nổi bật nữa là nhiều nơi có rất nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được thực hiện qua phong trào DV khéo.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Hạnh cũng cho rằng, tuy có nhiều mô hình nhưng đa phần liên quan đến cộng đồng, công tác an sinh xã hội; còn mô hình gắn liền với công tác DV chính quyền thật sự chưa nhiều. Một vài nơi chưa nhận thức đúng về công tác DV nên công tác triển khai, chưa có sự chỉ đạo, phối hợp chặt chẽ. Đó cũng là một trong những lý do dẫn đến một ít địa phương, đơn vị còn xảy ra tình trạng khiếu kiện, khiếu nại qua nhiều năm.

Vì vậy, bà đề nghị, các địa phương, đơn vị trong tỉnh cần nhìn nhận đúng về công tác DV chính quyền để làm tốt hơn nữa vai trò kết nối của Đảng, chính quyền và nhân dân, góp phần thực hiện phương châm hành động của Chính phủ năm 2019 “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”./.

(baolongan.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi