Thứ Bảy, 28/12/2024
Ngày làm việc thứ 18, kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XIV: Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy
 
 Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà phát biểu ý kiến làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu


Nhiều tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC không còn phù hợp

Báo cáo của Ðoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018 nêu rõ, giai đoạn 2014 - 2018, kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, tốc độ đô thị hóa nhanh, số lượng các cơ sở, công trình, khu công nghiệp, khu dân cư, chung cư, nhà cao tầng, nhà siêu cao tầng, chợ, trung tâm thương mại và các cơ sở khác ngày càng gia tăng cả về số lượng và quy mô. Trong khi đó, hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật chưa đồng bộ, tình trạng ùn tắc giao thông ở các đô thị, biến đổi khí hậu, phong tục tập quán sinh hoạt, sản xuất ở nhiều nơi còn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ, đã tác động không nhỏ đến tình hình cháy, nổ và công tác PCCC trên cả nước. Từ tháng 7-2014 đến tháng 7 - 2018, cả nước xảy ra 13.149 vụ cháy, làm chết 346 người, bị thương 823 người, thiệt hại về tài sản ước tính 6.524,8 tỷ đồng và 6.462 héc-ta rừng. Trung bình mỗi năm xảy ra 3.287 vụ cháy, làm chết 87 người, bị thương 206 người, thiệt hại về tài sản trị giá 1.631,2 tỷ đồng và 1.615,5 héc-ta rừng. Trung bình mỗi ngày xảy ra chín vụ cháy, làm chết hoặc bị thương một người, thiệt hại về tài sản ước tính 4,4 tỷ đồng và 5,3 héc-ta rừng.

Theo báo cáo của Bộ Công an, hiện nay, Việt Nam có tổng cộng 188 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia về PCCC. Trong đó, có 68 tiêu chuẩn, quy chuẩn quốc gia chuyên ngành về PCCC, 120 tiêu chuẩn, quy chuẩn có liên quan đến PCCC. Tuy nhiên, nhiều quy chuẩn, tiêu chuẩn có những nội dung không còn phù hợp tình hình hiện nay nhưng chậm được rà soát, sửa đổi, bổ sung. Có những loại hình cơ sở có tính chất đặc thù nhưng chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn về PCCC, phải vận dụng tiêu chuẩn nước ngoài cho nên gặp phải những khó khăn do thiếu đồng bộ giữa hệ thống cơ sở hạ tầng, khoa học kỹ thuật của Việt Nam và các quốc gia này. Trong giai đoạn giám sát, toàn quốc đã thẩm duyệt PCCC đối với 58.504 dự án, công trình, tổ chức nghiệm thu về PCCC cho 29.230 dự án, công trình. Tuy nhiên, hiện vẫn còn 2.662 công trình có nguy hiểm về cháy, nổ đã đưa vào sử dụng nhưng chưa được thẩm duyệt thiết kế hoặc đã thẩm duyệt nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC. Tính đến tháng 7-2018, còn 110 công trình chung cư, nhà cao tầng đã được chủ đầu tư đưa vào hoạt động nhưng chưa được nghiệm thu về PCCC.

Giai đoạn 2014 - 2018, các cơ quan, tổ chức, đơn vị đã xây dựng mới 96.792 phương án chữa cháy, tổ chức thực tập 52.032 phương án, trong đó có 3.642 phương án xử lý tình huống cháy, nổ lớn có huy động nhiều lực lượng. Trong bốn năm, lực lượng Cảnh sát PCCC đã tham gia và phối hợp các lực lượng dập tắt được gần mười nghìn vụ cháy (chiếm 73,1% số vụ cháy), lực lượng PCCC tại chỗ xử lý được hơn ba nghìn vụ cháy từ khi phát sinh. Mặc dù vậy, việc xây dựng và thực tập phương án chữa cháy ở một số cơ sở vẫn còn tính hình thức hoặc đối phó. Việc xây dựng, bố trí các điều kiện chữa cháy (giao thông, nguồn nước, phương tiện...) chưa được quan tâm, chưa đáp ứng yêu cầu chữa cháy. Nhiều vụ cháy do nhiều lý do không được dập tắt kịp thời đã phát triển thành cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản, công tác phối hợp hiệp đồng giữa các lực lượng PCCC chưa thật sự chặt chẽ.

Chú trọng bảo đảm PCCC tại chung cư, trường học

Thảo luận báo cáo của Ðoàn giám sát của QH về việc thực hiện chính sách, pháp luật về PCCC giai đoạn 2014 - 2018 đại biểu Ðặng Thị Phương Thảo (Nam Ðịnh); Thạch Phước Bình (Trà Vinh), cùng một số đại biểu cho rằng, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ việc mất an toàn PCCC trong các nhà trường để lại hậu quả đáng tiếc. Nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn trong chính các nhà trường vì thực tế đáng lo ngại là việc chấp hành PCCC tại một số nhà trường chưa nghiêm. Trong các trường học có các khu dễ xảy ra cháy, nổ như khu bếp ăn, phòng thí nghiệm, phòng máy tính... Nhiều khu vực trường học gần khu dân cư cũng dễ phát sinh cháy, nổ do cháy lan. Nhiều cơ sở giáo dục tư thục, tự ý chuyển đổi nhà thành trường, không bảo đảm tiêu chuẩn, quy chuẩn PCCC cũng dễ phát sinh nguy cơ cháy, nổ. Bởi vậy, trong giai đoạn hiện nay, cần đặc biệt quan tâm đến PCCC và cứu nạn cứu hộ trong các nhà trường. Khi tuyên truyền PCCC trong nhà trường không nên coi là phong trào mà phải xem là kiến thức quan trọng bảo đảm an toàn tính mạng học sinh, giáo viên và an toàn cơ sở vật chất nhà trường.

Nhiều ý kiến đại biểu cho rằng, phòng, chống cháy nổ tại các chung cư cao tầng đang là vấn đề cấp bách. Việc xây dựng hàng loạt chung cư cao tầng là xu thế tất yếu để bảo đảm nhu cầu sống. Tuy nhiên, tại nhiều chung cư, có tình trạng cho thuê các căn hộ sử dụng thành văn phòng khiến tăng số lượng người sinh hoạt, tăng sử dụng năng lượng điện, dễ phát sinh các vụ việc cháy, nổ. Nguy hiểm hơn, nhiều nhà chung chưa bảo đảm các tiêu chuẩn, quy chuẩn về PCCC đã đưa vào sử dụng; chính các cư dân sinh sống bên trong tòa nhà cũng chưa chấp hành nghiêm quy định PCCC. Nhiều khu hầm tại chung cư cao tầng có nguy cơ gây ra những vụ cháy lớn vì là nơi để xe ô-tô, xe máy chứa đầy xăng chưa được bảo đảm PCCC theo đúng quy định. Việc chữa cháy tại chung cư còn gặp khó khăn vì nhiều chung cư xây dựng tại khu vực đường nhỏ, hẹp hoặc khu vực có mật độ giao thông đông đúc khó tiếp cận để chữa cháy. Bởi vậy, để nâng cao hiệu quả PCCC ở chung cư cao tầng, cần làm tốt công tác quy hoạch kiến trúc công trình ngay từ đầu. Trong quá trình thực hiện cần nghiêm túc thực hiện thẩm duyệt PCCC. Lực lượng Cảnh sát PCCC cần tham mưu cho các cấp chính quyền ban hành các văn bản tăng cường PCCC và phát động những kế hoạch thi đua đặc biệt về PCCC đối với chung cư cao tầng.

Công tác tuyên truyền PCCC cần thực hiện nghiêm túc

Ðại biểu Cao Thị Xuân (Thanh Hóa); Nguyễn Thanh Hiền (Nghệ An) cùng một số đại biểu cho rằng, công tác tuyên truyền về PCCC trong thời gian qua chưa bảo đảm yêu cầu. Chưa đủ độ về thời gian, thời lượng và thời điểm tuyên truyền cũng như chất lượng các nội dung tuyên truyền chưa đạt cho nên chưa bao phủ được các cấp. Do đó, việc tuyên truyền chưa thật sự làm chuyển biến về nhận thức và trách nhiệm của người dân, chưa làm cho người dân, nhất là người có trách nhiệm lo lắng để phòng tránh, quan tâm và có giải pháp tự mình chủ động thực hiện tốt công tác PCCC. Thực tế cho thấy, số vụ cháy của người dân do bất cẩn, do sơ suất trong sử dụng lửa, khí đốt, thiếu kiến thức cơ bản về PCCC còn xảy ra nhiều. Bởi vậy, công tác tuyên truyền phải được chú trọng, nhất là đối với những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Cần đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, ưu tiên thời lượng, thời điểm phát sóng trên các phương tiện thông tin để nhiều người xem, người nghe tiếp cận được; đưa kiến thức PCCC vào chương trình giáo dục trong nhà trường.

Ðại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Ðồng Tháp) cùng một số đại biểu nêu ý kiến, lãnh đạo nhiều đơn vị, địa phương, người đứng đầu cơ sở chưa quan tâm, thực hiện đầy đủ vai trò, trách nhiệm, thẩm quyền của mình về công tác PCCC, chưa thật sự gắn công tác này với nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động sản xuất, kinh doanh. Chưa thực hiện tốt chế độ tự kiểm tra, công tác xử lý vi phạm thiếu kiên quyết. Cùng với đó, công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC thiếu sự phối hợp giữa các lực lượng, chưa quyết liệt, triệt để, cho nên tác dụng răn đe, phòng ngừa vi phạm pháp luật về PCCC còn hạn chế. Lãnh đạo UBND các cấp chưa thể hiện rõ vai trò, trách nhiệm trong công tác xử lý vi phạm quy định an toàn PCCC. Ðáng chú ý, rất ít sai phạm dẫn đến cháy nổ bị xử lý, thường là sau khi xảy ra sự cố mới tiến hành truy tố các sai phạm để truy cứu trách nhiệm. Tuy nhiên, trong quá trình truy cứu có tình trạng cấp trên đổ cho cấp dưới không chấp hành, cấp dưới đổ cho cấp trên là không hướng dẫn.

Ðối với việc phòng, chống cháy rừng, nhiều đại biểu cho rằng, từ việc hàng loạt vụ cháy rừng thời gian qua, có thể thấy công tác PCCC rừng còn hạn chế. Hiện tại, đang thiếu "đường băng xanh", "đường băng trắng" để chữa cháy rừng. Ðể bảo vệ rừng, chính quyền địa phương, chủ rừng, lực lượng kiểm lâm, cần tăng cường kiểm tra, tăng cường ý thức PCCC cho người dân, tổ chức diễn tập phòng, chống cháy rừng. Tạo đường băng cản lửa, đường để lực lượng PCCC di chuyển khi tham gia chữa cháy rừng. Khu vực nào có điều kiện thuận lợi có thể xây hồ chứa nước để phục vụ chữa cháy. Hằng năm, có thể đốt thảm thực bì dưới rừng để hạn chế vật liệu dễ gây cháy trong rừng.

Tại phiên thảo luận, một số đại biểu đề nghị chú trọng bảo đảm PCCC tại các di tích, đình, chùa cổ vì tại đây có nhiều vật liệu dễ cháy như: cột gỗ, nhang đèn, dầu lửa... Nếu không làm tốt PCCC, nguy cơ nhiều di sản văn hóa, lịch sử bị thiêu rụi không thể phục hồi.

Chiều qua, sau khi nghe các đại biểu thảo luận, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà và Bộ trưởng Công an Tô Lâm đã phát biểu giải trình làm rõ một số vấn đề được các đại biểu đề cập. Ðối với những vấn đề còn tồn tại về PCCC và cứu nạn cứu hộ mà các đại biểu phản ánh, hai Bộ trưởng cho biết sẽ tiếp thu nghiêm túc và có phương hướng khắc phục trong thời gian tới.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi