Thứ Năm, 25/4/2024
Sức mạnh của công tác dân vận
 
Nhờ sự đồng thuận của nhân dân trong bàn giao mặt bằng, hiện nay, công trình đập đầu mối
 Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng đang được khẩn trương thi công.


Từ sự phức tạp của công trình

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với phát triển KT-XH của tỉnh Hòa Bình nói chung và các huyện Lạc Sơn, Yên Thủy nói riêng. Theo quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ, mục tiêu xây dựng hồ chứa điều tiết nguồn nước để bảo đảm cấp nước tưới cho 6.460 ha đất canh tác của 17 xã thuộc 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy; tạo nguồn cấp nước bổ sung cho các công trình ở hạ lưu trong mùa khô (trong đó tưới cho 2.500 ha ở huyện Thạch Thành, tỉnh Thanh Hóa). Đồng thời, cấp nước cho 200 ha khu công nghiệp Lạc Thịnh (Yên Thủy); cấp nước sinh hoạt cho 3.500 hộ dân thị trấn Vụ Bản (Lạc Sơn). Dự án cũng tạo cơ sở cho phát triển kinh tế vùng theo định hướng tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần ổn định đời sống nhân dân các huyện.

Dự án xây dựng hồ chứa có dung tích khoảng 95 triệu m3, bao gồm các hạng mục: đập ngăn sông, tràn xả lũ, cống lấy nước và các công trình phụ trợ nằm trên địa phận xã Yên Phú (Lạc Sơn); hệ thống đường ống cấp nước nằm trên địa phận 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy. Thời gian thực hiện từ năm 2017 - 2022, tổng mức đầu tư 3.115 tỷ đồng, gồm vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2017 - 2020; vốn ngân sách địa phương và huy động các nguồn vốn hợp pháp khác.

Để thực hiện dự án, tổng diện tích phải giải phóng mặt bằng (GPMB) khoảng 1.238 ha, trong đó, đất cho công trình 728,5 ha, đất phục vụ tái định cư (TĐC) 510 ha. Xây dựng 3 khu TĐC (khu TĐC Yên Phú có 2 điểm, khu TĐC Bình Hẻm 3 điểm, khu TĐC Văn Nghĩa 3 điểm).

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng cho biết: Đây là công trình trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại hiệu quả lớn cho 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy. Có thể nói, sau xây dựng Nhà máy thủy điện Hòa Bình thì đây là công trình lớn nhất. Chịu sức ép về tiến độ khi thời gian thực hiện và hoàn thành trong 3 năm, trong khi dự án có khối lượng bồi thường rất lớn. Có tới 652 hộ phải di chuyển, bố trí TĐC cho 630 hộ. Ngoài ra, tại các xã phải di chuyển hơn 1.800 ngôi mộ của các gia đình.

Không chỉ tác động trực tiếp đến cuộc sống, sinh hoạt hàng ngày và lợi ích của các gia đình. Thực hiện dự án còn liên quan đến vấn đề tâm linh, phong tục tập quán trong việc mai táng của người dân tộc Mường, bởi xưa nay luôn quan niệm "đào sâu, chôn chặt”. Đó là một trong những nguyên nhân chính khiến dự án gặp nhiều khó khăn, đặc biệt trong thời gian đầu chưa nhận được sự đồng tình, ủng hộ của nhân dân. Qua tìm hiểu được biết, đã có những cuộc lãnh đạo huyện, xã tổ chức họp dân không thành công. Có cuộc cả lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành về gặp gỡ, tuyên truyền, vận động nhưng chỉ từ một tín hiệu, tất cả bà con đứng dậy bỏ về.

Tiếp đó, là có xóm bà con không đồng ý chuyển đến điểm TĐC mới, vì lý do cách xa nơi sản xuất. Nhiều hộ có ý kiến giá đất tại nơi đến cao hơn nhiều giá đất bồi thường tại nơi đi nên chưa nhất trí với phương án TĐC. Một số chế độ, chính sách về bồi thường, hỗ trợ trong khung chính sách người dân còn có ý kiến thắc mắc, so sánh với quy định về bồi thường GPMB của tỉnh. Phần lớn diện tích đất lâm nghiệp của hộ dân trước đây được cấp theo Nghị định số 02, ghi trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mục đích là rừng khoanh nuôi; cấp theo Quyết định số 672 của Thủ tướng Chính phủ ghi mục đích sử dụng là rừng phòng hộ. Vì vậy, theo quy định các hộ sẽ không được bồi thường về đất, gây khó khăn cho công tác GPMB. Trong khi thực tế sử dụng các hộ đã trồng cây keo được 3 chu kỳ... Cùng với đó, các yêu cầu về trình tự, thủ tục GPMB, đánh giá tác động môi trường rất phức tạp, thời gian kéo dài cũng là khó khăn khi triển khai dự án.

Riêng đối với xã Yên Phú, đồng chí Bùi Văn Đức, Chủ tịch UBND xã chia sẻ: Để thực hiện dự án, xã phải thu hồi trên 200 ha đất, nhà ở của 252 hộ, di dời 268 ngôi mộ để bàn giao cho nhà thầu thi công các hạng mục. Đây là áp lực GPMB chưa từng có đối với địa phương. Bởi, không chỉ có phạm vi, đối tượng ảnh hưởng nhiều mà quá trình GPMB cho thấy, việc vận động di dời mồ mả khó gấp nhiều lần so với vận động người dân đồng thuận bàn giao nhà, đất vì liên quan đến tâm linh, phong tục tập quán lâu đời của địa phương. Tuy nhiên, với quan điểm đặt mình vào vị trí của người dân để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, đồng thời, áp dụng quy trình làm việc đảm bảo công khai, minh bạch, công bằng, dân chủ, những khó khăn, vướng mắc đã dần được tháo gỡ.

Trao đổi về triển khai thực hiện dự án, đồng chí Bùi Văn Hành, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn cho biết: Dự án xây dựng hồ chứa nước Cánh Tạng có quy mô lớn, địa phương chưa làm bao giờ nên có nhiều trăn trở, lo lắng. Xác định đây là trách nhiệm lớn lao nên phải tính toán chi tiết để hoàn thành nhiệm vụ với T.Ư, với tỉnh. Do vậy, thời gian qua, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc tuyên truyền, vận động các hộ dân bị ảnh hưởng phải di chuyển để thực hiện dự án.

Cái gì có lợi nhất cho dân thì làm

Đó là chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình tại nhiều cuộc làm việc với các sở, ngành, huyện Lạc Sơn về Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng. Chính từ chủ trương này mà những vấn đề được xem là khó khăn, vướng mắc nhất của dự án đã và đang từng bước được giải quyết.

Khu tái định cư (TĐC) Đồng Xe ở xóm Đá, xã Yên Phú (Lạc Sơn) đang thay đổi từng ngày, bởi từ trước Tết Nguyên đán Canh Tý đến nay, người dân lúc nào cũng tất bật, hối hả với việc chuyển đến nơi ở mới và xây dựng nhà ở. Nơi đây đã mang hình hài của một khu dân cư khang trang, đầm ấm. Những dãy nhà kiên cố, nhà cao tầng mọc lên trong niềm vui của người dân. Điều đáng nói, có những người trước đây từng kịch liệt phản đối chủ trương thu hồi đất, di chuyển nhà ở, mồ mả nay lại chính là hộ đi đầu thực hiện và vận động bà còn cùng đồng thuận di dân TĐC.

"Cảm ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, giờ đây bà con vui lắm. Chúng tôi được chuyển đến nơi ở mới rộng rãi, sạch đẹp, hạ tầng đồng bộ, lại gần trung tâm xã và huyện. Tết vừa rồi, bà con được nhận quà của các cấp, ngành và cơ quan, đơn vị nên đã đón cái Tết đủ đầy, ấm áp” - bà Dương Thị Dung, khu TĐC Đồng Xe không giấu được niềm vui. Trải lòng của bà khi có nơi ở tốt hơn cũng là tâm tình của nhiều người dân chúng tôi có dịp trò chuyện. Khu TĐC có tổng diện tích 6,56 ha của 132 hộ gia đình, cá nhân và 1 tổ chức. Hiện có 64 hộ bốc thăm ra nơi ở mới, trong đó, nhiều hộ đã chuyển ra ở ổn định, mỗi hộ được nhận 400 m2 đất xây dựng nhà ở, canh tác. Tiến độ thi công khu TĐC Đồng Xe đã đạt khoảng 95% khối lượng. Còn hạng mục cấp nước sinh hoạt đang tiến hành, dự kiến hoàn thành trước ngày 15/3/2020. Ngoài ra, 100% hộ dân bị ảnh hưởng trên địa bàn xã đã đồng thuận với phương án kiểm đếm, đền bù, hỗ trợ TĐC.

Từ chỗ không nhận được sự ủng hộ của nhân dân thì đến nay công việc triển khai khá suôn sẻ. Kết quả này phải khẳng định là nhờ các cấp ủy, chính quyền đã khắc sâu lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công việc, đó là "Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”; "Việc gì có lợi cho nhân dân, dù khó mấy cũng phải ra sức làm cho kỳ được”, nhất là đã vận dụng sáng tạo chuyên đề năm 2019 "Xây dựng ý thức tôn trọng nhân dân, phát huy dân chủ, chăm lo đời sống nhân dân theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh" vào thực tiễn công việc.

Nói về công tác dân vận, đồng chí Bùi Văn Hành, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn chia sẻ: Đảng bộ huyện luôn nêu cao quyết tâm chính trị, đảm bảo vai trò lãnh đạo, làm tốt công tác tuyên truyền và quan tâm giải quyết từng vấn đề đối với nhân dân. Thời gian qua, cả BTV Huyện ủy đã vào cuộc. Phân công mỗi đồng chí trưởng ban một tổ công tác, cùng các thành viên về cơ sở trực tiếp gặp gỡ, trò chuyện với các nhóm hộ, có khi là từng gia đình để tuyên truyền về mục tiêu, ý nghĩa, tầm quan trọng của dự án đối với sự phát triển KT-XH của quê hương và với chính cuộc sống bà con nên đã mang lại kết quả quan trọng bước đầu.

Bên cạnh đó, lãnh đạo Tỉnh ủy, UBND tỉnh cùng các sở, ngành thường xuyên làm việc với Ban chỉ đạo huyện, đồng thời kiểm tra thực địa tại công trình, kịp thời nắm bắt tình hình, những khó khăn, vướng mắc để có phương án lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; kiểm tra tiến độ, giao nhiệm vụ từng ngày. Ý kiến của nhân dân chưa đồng tình với phương án bồi thường, hỗ trợ được Ban chỉ đạo tỉnh đặc biệt quan tâm chỉ đạo các sở, ngành chức năng, nhất là Sở TN&MT, Tài chính nghiên cứu vận dụng hết cỡ các chính sách có lợi cho người dân. Có thông báo cụ thể về giá đất, những nội dung các hộ được hỗ trợ, hưởng lợi khi chuyển ra nơi ở mới.

Đồng chí Nguyễn Văn Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: Với trách nhiệm trước Đảng, trước dân và thực hiện tốt quy chế dân chủ, nắm chắc tình hình dân cư, tâm tư, nguyện vọng của nhân dân để giải quyết công tác giải phóng mặt bằng (GPMB), TĐC nên chỉ trong vài tháng, nhiều nhà ở và hàng trăm ngôi mộ đã được di dời để bàn giao mặt bằng xây dựng công trình đập đầu mối. Rõ ràng, khi đã hiểu được mục tiêu, tầm quan trọng của dự án thì bà con sẽ đồng thuận, chấp hành quy định. Có thể khẳng định, đây là mô hình mẫu trong công tác dân vận ở nông thôn. Trên cơ sở những kinh nghiệm đã có trong triển khai công việc, những khó khăn, vướng mắc lớn nhất đã được tháo gỡ. Thời gian tới, tuy công việc còn nhiều bề bộn, song với quyết tâm chính trị cao, chắc chắn chúng ta sẽ vượt qua.

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng khởi công ngày 7/6/2019. Hiện nay, toàn bộ diện tích để xây dựng đập cơ bản hoàn thành, tạo điều kiện giúp đơn vị thi công triển khai theo kế hoạch. Theo đó, đã thực hiện bồi thường, GPMB được 286,14 ha với số tiền trên 236,7 tỷ đồng của 769 hộ, 9 tổ chức; di chuyển 424 ngôi mộ. UBND tỉnh đang tập trung chỉ đạo các sở, ngành chức năng và huyện Lạc Sơn khẩn trương thực hiện các quy trình, thủ tục để xây dựng 7 điểm TĐC còn lại và giai đoạn 2 của tiểu dự án số 1. Trong đó, yêu cầu coi trọng lựa chọn nhà thầu có năng lực và phải ấn định thời gian thực hiện cụ thể; kiểm soát chặt chẽ hồ sơ; đề nghị nhà thầu lập tiến độ từng tháng, nếu không đảm bảo năng lực sẽ cho thay nhà thầu khác.

"Giải quyết được khó khăn, vướng mắc trong công tác bồi thường, hỗ trợ GPMB, TĐC là hết sức quan trọng. Song khó khăn vẫn còn nhiều trong công tác giải ngân, xây dựng mặt bằng các khu TĐC còn lại để di chuyển dân, thực hiện ngăn dòng và giải quyết các công việc tiếp theo là vấn đề lớn. Huyện sẽ làm tròn trách nhiệm với Tỉnh ủy, UBND tỉnh để giúp dự án được triển khai đúng tiến độ kế hoạch, trong đó đặc biệt quan tâm làm tròn cả về mặt quy định của pháp luật, theo đúng quy trình, thủ tục” - đồng chí Bùi Văn Hành, Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn khẳng định.

Dự án hồ chứa nước Cánh Tạng là công trình trọng điểm, có ý nghĩa hết sức quan trọng, mang lại hiệu quả lớn cho 2 huyện Lạc Sơn, Yên Thủy. Khi hoàn thành, công trình sẽ phục vụ đắc lực cuộc sống, sản xuất cho cả vùng và nơi đây hứa hẹn là điểm du lịch đẹp, hấp dẫn.

(baohoabinh.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất