Thứ Sáu, 19/4/2024
Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 2

 


Phát biểu ý kiến khai mạc phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, nhờ tinh thần chủ động, quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả, “chống dịch như chống giặc”, Thủ tướng cho rằng, hệ thống chính trị đã chỉ đạo phòng, chống dịch Covid -19 một cách căn bản, đạt kết quả đáng mừng. Chính phủ kiên định quan điểm sẵn sàng hy sinh một số lợi ích kinh tế để bảo vệ tốt nhất an toàn sức khỏe cho nhân dân, du khách và người nước ngoài ở Việt Nam. Cho nên, ngay từ đầu, bên cạnh việc tham khảo, tham vấn các đánh giá từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) và nhiều tổ chức khác nhau, chúng ta tham khảo chặt chẽ tình hình dịch bệnh ở Trung Quốc, “Việt Nam đã bình tĩnh, có thể rất tỉnh táo trong nhìn nhận vấn đề theo nhãn quan của mình và chuẩn bị sẵn sàng mọi khả năng từ rất sớm”.

Đến nay, chúng ta chỉ có 16 ca mắc; đã điều trị hồi phục sức khỏe cho cả 16 người; 18 ngày qua không ghi nhận ca nhiễm bệnh mới. Dịch ở Việt Nam không bị lan tràn, ít ảnh hưởng nhất, mặc dù chúng ta có biên giới dài và giao thương lớn với Trung Quốc.

Thủ tướng nêu rõ, Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao các cấp, các ngành, các lực lượng vũ trang nhân dân, đặc biệt là ngành y tế, các chiến sĩ áo trắng đã quyết liệt thực hiện các giải pháp đề ra, đạt được kết quả khả quan bước đầu trong phòng, chống dịch. Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao hoạt động của Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, cộng đồng doanh nghiệp, nhân dân cả nước đã ủng hộ. Tuy nhiên, trong nhiều ngày qua, tại nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới, dịch Covid-19 vẫn tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, số người mắc tăng nhanh, lan rộng sang nhiều nước. Thủ tướng yêu cầu, “tuyệt đối không được chủ quan, do dự, tiếp tục thực hiện quyết liệt nhiệm vụ phòng, chống dịch đã đề ra”. Thủ tướng đề nghị các thành viên Chính phủ tiếp tục đóng góp ý kiến cho công tác này.

Về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH), Thủ tướng cho biết, do dịch Covid-19, tất cả các nền kinh tế lớn của thế giới đều bị ảnh hưởng. Doanh thu hàng không toàn cầu được dự báo là thiệt hại khoảng 30 tỷ USD; du lịch thiệt hại khoảng 80 tỷ USD. Tâm lý bi quan khiến tất cả thị trường chứng khoán toàn cầu giảm điểm mạnh. USD tăng giá mạnh (đã tăng 4% kể từ đầu năm); giá vàng tăng cao nhất trong bảy năm qua; giá dầu thế giới đã giảm thấp, có thời điểm xuống dưới 50 USD/thùng. Đối với Việt Nam, nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh Covid-19 có tác động trước hết đến hàng không, du lịch, dịch vụ, tiếp đến là thương mại, đầu tư, đặc biệt là gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất.

Về tình hình tháng 2, theo Thủ tướng, tuy bị ảnh hưởng nhiều mặt, nhưng cơ bản chúng ta giữ ổn định: xuất khẩu vẫn tăng; nhập siêu trong kiểm soát; xuất khẩu ước đạt 36,9 tỷ USD, tăng 2,4% so với cùng kỳ; nhập siêu khoảng 176 triệu USD; nông nghiệp vẫn được duy trì ổn định, dịch bệnh dần được kiểm soát; số lượng doanh nghiệp thành lập mới và số vốn đăng ký tiếp tục đạt mức cao so với cùng kỳ; các vấn đề an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm triển khai thực hiện. Nhìn tổng quát, dưới tác động của dịch Covid-19, nhiều ngành, lĩnh vực gặp khó khăn, bộc lộ những hạn chế, bất cập, nhất là ngành hàng không, du lịch, vận tải. “Chúng ta thấy có những khách sạn gần như đóng cửa, nhiều khu du lịch vắng người”, Thủ tướng cho rằng, không thể vì doanh thu, mở cửa đón khách du lịch tràn lan để ảnh hưởng đến sức khỏe của nhân dân.

Tốc độ tăng của nhiều ngành giảm so với cùng kỳ, trong đó có ngành chế biến chế tạo, tổng mức bán lẻ hàng hóa, nhập khẩu nguyên vật liệu, nhiều doanh nghiệp đối mặt nguy cơ thiếu nguyên liệu, sự đứt gãy chuỗi cung ứng… Đây là những vấn đề cần thảo luận để có những giải pháp tháo gỡ, Thủ tướng nhấn mạnh. Hai tháng qua, giải ngân vốn đầu tư công còn thấp, khoảng 7,38%, còn sáu bộ, cơ quan Trung ương và chín địa phương chưa phân bổ hết vốn kế hoạch. Điều này cũng cần thảo luận để khắc phục.

Thủ tướng cũng đề nghị các thành viên Chính phủ góp ý về chỉ thị của Thủ tướng về các giải pháp cấp bách nhằm tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19. “Sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn. Chính phủ thấu hiểu điều này, các ngành, các cấp phải thấu hiểu điều này để có biện pháp chỉ đạo sát hơn”, Thủ tướng nói.

Tại phiên họp, Chính phủ đánh giá tình hình KTXH tháng 2 và hai tháng đầu năm 2020, nhất là đánh giá tác động của dịch Covid-19 đối với tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn và trung hạn. Nhiều chuyên gia nhận định, dịch bệnh Covid-19 có tác động rất mạnh, thậm chí là nghiêm trọng đến kinh tế Việt Nam bởi tác động của nó là nhiều chiều, lên tất cả các lĩnh vực của nền kinh tế; với ba tác động chính vào tăng trưởng, đầu tư và thương mại; gián đoạn các chuỗi giá trị sản xuất quan trọng; suy giảm tiêu dùng tác động lớn đến dịch vụ và du lịch. Tăng trưởng kinh tế Việt Nam còn phụ thuộc nhiều diễn biến của dịch bệnh Covid-19 thời gian tới và khả năng khống chế dịch bệnh.


Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, chúng ta đã chủ động triển khai sớm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh (PCDB) Covid-19 kiên quyết, đồng bộ, không để dịch bệnh lây lan. Đến nay kết quả PCDB, chúng ta đã đạt kết quả tích cực, được nhân dân và quốc tế đánh giá cao. Trong bối cảnh khó khăn về dịch bệnh Covid-19, thiên tai nghiêm trọng thì kết quả đạt được của tháng 2 và hai tháng qua là rất lớn, kinh tế-xã hội có nhiều điểm sáng. Đó là nhờ sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp (DN) vượt mọi khó khăn vươn lên. Trước diễn biến dịch đang phức tạp, Thủ tướng yêu cầu không được chủ quan, tiếp tục theo dõi đưa ra biện pháp mới để Việt Nam là đất nước an toàn. Chúng ta cần quyết liệt chỉ đạo tích cực hơn, đồng bộ hơn để nâng cao uy tín Việt Nam trên trường quốc tế trong bối cảnh Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN.

Tuy nhiên, Thủ tướng lưu ý, nhiều ngành, lĩnh vực gặp nhiều khó khăn, hạn chế, bất cập: tốc độ xuất khẩu giảm, du lịch và hàng không bị tác động lớn; nhiều DN thiếu nguyên liệu, khu vực dịch vụ bị ảnh hưởng lớn. Tinh thần chỉ đạo của Chính phủ là cần hết sức thận trọng nhưng không bi quan, trên cơ sở phân tích tình hình, xem xét để có giải pháp ứng phó kịp thời, phù hợp. Huy động mạnh mẽ sự vào cuộc của hệ thống chính trị nhân dân, DN thực hiện nhiệm vụ kép, vừa chống dịch, không để lây lan, vừa hoàn thành nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội đã đề ra. Cần chuẩn bị tốt mọi điều kiện, khắc phục mọi khó khăn, có chính sách hỗ trợ tốt nhất trong khả năng của Chính phủ, các cấp, ngành, đối với sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, tạo niềm tin cho DN phát triển thời gian tới trên tinh thần “biến nguy thành cơ”, “biến bại thành thắng”. Có như vậy, chúng ta mới hoàn thành các mục tiêu nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước giao phó.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng nêu rõ, tiếp tục thực hiện giải pháp cách ly khách đi từ vùng dịch hoặc qua vùng dịch vào Việt Nam, các lực lượng chủ động phối hợp chặt chẽ, đề xuất giải pháp phù hợp. Yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ Giao thông vận tải khuyến cáo, thông báo đầy đủ với các doanh nghiệp, du khách quốc tế khuyến cáo cách ly 14 ngày đối với khách đi qua, đến từ vùng dịch. Tạo điều kiện cho các chuyên gia, nhà quản lý, lao động cấp cao vào làm việc ở Việt Nam với việc áp dụng các biện pháp xét nghiệm nhanh. Máy bay Việt Nam gần như dừng hạ cánh ở vùng dịch một số nước; từng thời điểm sẽ có biện pháp phù hợp. Chúng ta phải chấp nhận để bảo vệ tính mạng, sức khỏe của nhân dân.

Thủ tướng hoan nghênh Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) có hội thảo, trình Chính phủ chỉ thị tháo gỡ khó khăn, duy trì sản xuất, kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội, ứng phó dịch Covid-19, Thủ tướng yêu cầu Bộ KH-ĐT chủ trì, phối hợp Văn phòng Chính phủ, khẩn trương tiếp thu ý kiến, sửa đổi trình Chính phủ ban hành ngay ngày 4-3; tinh thần chung của Chỉ thị là đề ra các giải pháp cụ thể, địa chỉ cụ thể, triển khai ngay; đặc biệt nhấn mạnh chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa, thương mại, đầu tư, cải cách thủ tục hành chính và các lĩnh vực chịu ảnh hướng lớn do dịch bệnh, trước hết là du lịch, hàng không, xuất nhập khẩu; hỗ trợ các đối tượng bị thiệt hại do Covid-19 gây ra; thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trở lại; hỗ trợ chứ không phải bao cấp cho sự yếu kém. Theo đó Theo đó, sẽ có gói hỗ trợ tín dụng 250 nghìn tỷ đồng lãi suất thấp và một gói hỗ trợ tài khóa để hoãn, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí ít nhất gần 30 nghìn tỷ đồng để hỗ trợ doanh nghiệp. Các gói hỗ trợ này phải có hiệu lực ngay đến DN và người dân, không được để lâu, cấm tư tưởng "xin-cho", không minh bạch. Quan tâm hơn nữa thị trường trong nước gần 100 triệu dân bằng hàng Việt Nam chất lượng cao, quan tâm DN nhỏ và vừa. Các thành phố lớn trực thuộc T.Ư, các vùng kinh tế trọng điểm phải vươn lên mạnh mẽ, đóng góp vào sự phát triển đất nước. Vấn đề đặt ra là ổn định vĩ mô, kiểm soát lạm phát là giải pháp tập trung nhất phải ứng phó tác động bất lợi từ bên ngoài. Chúng ta chưa đặt vấn đề nới lỏng chính sách tiền tệ hay đưa ra gói kích thích kinh tế, nhưng Thủ tướng yêu cầu các Bộ Tài chính, Công thương, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) chuẩn bị sẵn các kịch bản ứng phó tình hình thế giới và dịch Covid-19 khi cần, không để bị động bất ngờ. Tất cả các bộ, ngành, địa phương liên quan đều phải có phương án đối phó, thúc đẩy, nâng cao năng lực phân tích dự báo các biến động bên ngoài. Theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường để kiểm soát lạm phát. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT) phải chỉ đạo tái đàn tốt, bảo đảm dồi dào thịt lợn hơi để kéo giá thịt lợn xuống. Giảm ngay giá xăng dầu theo thế giới, không tăng giá điện và các dịch vụ công trong thời gian tới; chống buôn lậu, gian lận thương mại, xử lý nghiêm hành vi găm hàng, nâng giá. Xử lý nghiêm các hành vi chuyển hàng qua đường mòn, lối mở, chỉ xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu quốc tế.

Về tiền tệ - tín dụng, NHNN ổn định tỷ giá, thị trường ngoại tệ, thị trường vàng, giảm lãi suất, bảo đảm thanh khoản của hệ thống, củng cố dự trữ ngoại hối; cung ứng tín dụng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất kinh doanh (SXKD), bảo đảm an toàn hệ thống. Cơ cấu lại các khoản nợ, bảo đảm đủ vốn trong gói hỗ trợ của NHNN, bảo đảm hoạt động PCDB. NHNN và các ngân hàng thương mại và DN và nhân dân cùng chia sẻ, vượt qua thách thức trong tình hình hiện nay, nhất là ngân hàng giảm lãi suất. Về đầu tư, Thủ tướng yêu cầu tập trung đẩy nhanh các công trình trọng điểm giao thông, năng lượng, các công trình dở dang, các dự án yếu kém. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, ODA. Đây cũng là kênh Thủ tướng quan trọng, là giải pháp kinh điển thúc đẩy tổng cầu. Tạo thuận lợi hơn nữa để thu hút các dự án tư nhân, FDI, nhất là các dự án chất lượng cao, đầu tư xã hội. Từng bộ, ngành, địa phương phải tháo gỡ khó khăn vướng mắc theo thẩm quyền, trường hợp cần thiết báo cáo Thủ tướng Chính phủ để xử lý, không được chậm chễ. Tháo gỡ các ách tắc các dự án dầu khí, điện lực. Thực hiện cơ chế hậu kiểm, ưu đãi từng dự án, thu hút nguồn vốn đầu tư FDI đang chuyển hướng, nhất là các tập đoàn lớn của thế giới.

Bộ Tài chính cùng các bộ ngành rà soát đề xuất miễn, hoãn, giãn các khoản thuế, phí, lệ phí, trong đó có thuế thu nhập DN, tiền thuê đất, BHXH, tiền công đoàn... tạo điều kiện cho DN tháo gỡ khó khăn, quan tâm những ngành, DN bị ảnh hưởng lớn bởi dịch Covid-19. Ngành tài chính phải nhìn nhận vấn đề này quyết liệt hơn để kịp thời đề xuất Chính phủ sự hỗ trợ; tích cực bảo đảm nguồn thu, chống nợ đọng thuế, thất thu; hạn chế mua sắm xe công, hạn chế chi tiêu không cần thiết để PCDB...

Về cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng yêu cầu các BNĐP phải bám sát vấn đề vào để tháo gỡ, không được quan liêu, xa rời cuộc sống để tạo cho DN, người dân yên tâm phát triển SXKD. Khắc phục việc chậm cổ phần hoá, giải ngân vốn đầu tư công. Đẩy mạnh công tác xây dựng thể chế, hoàn thiện thể chế pháp luật, đề xuất Chính phủ trình Quốc hội những khó khăn, bất cập trong thể chế, chính sách. Bộ NN-PTNT sớm trình phương án tổng thể thúc đẩy xuất khẩu nông sản, tăng cường chuỗi liên kết; giảm chi phí đầu vào cho nông nghiệp; tăng cường chế biến nông sản; triển khai phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn, chống cháy rừng mùa khô. Tiếp tục chỉ đạo thúc đẩy Ủy ban châu Âu gỡ bỏ “thẻ vàng” đối với thủy sản Việt Nam; lưu ý công tác chăn nuôi để giữ giá thịt ổn định.

Đẩy mạnh ngành chế biến chế tạo, chế biến nông sản, bảo đảm nguồn và lưới điện, nhất là các công trình trọng điểm theo Tổng sơ đồ VII điều chỉnh. Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại DN chỉ đạo các tập đoàn, tổng công ty nhà nước trực thuộc nỗ lực bảo đảm hoàn thành vượt mức kế hoạch nhất là năng lượng, dầu, điện, than, viễn thông, tài chính, ngân hàng...; sớm sửa đổi biểu giá bán lẻ điện; đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, nhất là giao thông, giải phóng mặt bằng sân bay Long Thành... Về du lịch, dịch vụ, ngoài chính sách hỗ trợ, Thủ tướng đề nghị các ngành Giao thông vân tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch rà soát, có biện pháp hỗ trợ giảm chi phí vận chuyển. Đối với vấn đề lao động trong DN, nhu cầu sử dụng lao động của DN và hỗ trợ các biện pháp cung ứng lao động. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phải có biện pháp cụ thể; tạm dừng cấp phép lao động mới cho người nước ngoài đến từ vùng có dịch trong thời gian Việt Nam công bố có dịch. Ngành giáo dục có chủ trương hướng dẫn, kiểm soát để học sinh học trở lại, bảo đảm an toàn cho học sinh; tăng cường khử trùng lớp học, các biện pháp PCDB.

Ngành công thương tận dụng lợi thế các Hiệp định Thương mại tự do đã ký như EVFTA. Chuẩn bị tốt các hội nghị quốc tế như ASEAN. Ngành ngoại giao thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân Việt Nam ở vùng có dịch Covid-19. Các ngành, địa phương được giao nhiệm vụ cách ly phải ứng xử với người bị cách ly lịch sự; ngành truyền thông làm tốt việc tạo đồng thuận xã hội, tạo niềm tin cho nhân dân, nêu cao tấm gương trong chống dịch Covid-19; Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông xử lý nghiêm các trường hợp lợi dụng dịch bệnh phao tin đồn nhảm.

(nhandan.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất