Thứ Tư, 22/1/2025
Thủ tướng chủ trì Hội nghị với doanh nghiệp về phục hồi nền kinh tế


Đây được đánh giá là Hội nghị Diên Hồng trong bối cảnh nền kinh tế như “lò xo nén lại” vì dịch COVID-19 và nay đang chờ bật lên, tái khởi động khi dịch bệnh đã cơ bản được đẩy lùi tại Việt Nam.

Diễn ra trong “trạng thái bình thường mới”, Hội nghị lần này được tổ chức theo hình thức đặc biệt với quy mô tiếp cận lớn nhất từ trước tới nay, được truyền hình trực tuyến với 63 điểm cầu địa phương, 30 điểm cầu các bộ, ngành cũng như truyền hình trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam. Do đó, khoảng 800.000 doanh nghiệp trên toàn quốc, trên 5 triệu hộ kinh doanh và nhân dân cả nước có thể theo dõi.

Tại Hội nghị, có 2 báo cáo chính được trình bày là, báo cáo về tác động của dịch COVID-19, thách thức và thời cơ, cơ hội phát triển kinh doanh và thông báo nội dung cơ bản của dự thảo Nghị quyết Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công, bảo đảm trật tự an toàn xã hội. Nội dung này do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình bày.

Báo cáo thứ hai do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trình bày, tổng hợp các kiến nghị, sáng kiến của doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp; đánh giá hiệu quả, mức độ tiếp nhận, hấp thụ của doanh nghiệp đối với các giải pháp, chính sách hỗ trợ của Chính phủ, đồng thời đề xuất giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp.

Sau đó, Hội nghị sẽ lắng nghe ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội, chuyên gia với tinh thần mà theo Thủ tướng, thể hiện quyết tâm vượt khó, có chí tiến thủ, chung sức đưa kinh tế đất nước bật dậy, chứ không “than nghèo, kể khổ”. Nỗi khổ, khó khăn của doanh nghiệp thì Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã thấu hiểu (thể hiện qua hàng loại gói hỗ trợ được đưa ra thời gian qua).

Các bộ, ngành, địa phương sẽ trả lời các kiến nghị, vướng mắc của doanh nghiệp, đặc biệt nêu rõ được những hỗ trợ nào khác đối với doanh nghiệp thay vì chỉ nói “toàn chuyện biết rồi”. Cụ thể, Bộ Tài chính nói về giải pháp, đề xuất chính sách trong lĩnh vực tài khóa, thuế, phí; Ngân hàng Nhà nước về tiền tệ, tín dụng, lãi suất hỗ trợ doanh nghiệp; Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về giải pháp hỗ trợ người dân, người lao động và sử dụng lao động gặp khó khăn; Văn phòng Chính phủ về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh, cung cấp dịch vụ công trực tuyến…

Tại Hội nghị, có 23 lượt ý kiến phát biểu của các hiệp hội, doanh nghiệp, doanh nhân, các bộ, cơ quan; 81 kiến nghị trực tiếp của 4 hiệp hội doanh nghiệp nước ngoài, 9 hiệp hội doanh nghiệp trong nước và 437 kiến nghị trên Cổng Dịch vụ công quốc gia, 180 kiến nghị đã gửi đến VCCI.

Sau gần 4 tiếng đồng hồ lắng nghe các ý kiến phát biểu, kết luận Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu nhận định chung là các đại biểu trong nước và quốc tế đều đánh giá cao công tác chỉ đạo chống dịch COVID-19 thành công ở Việt Nam.

 
Thủ tướng phát biểu kết luận Hội nghị.


Đây là một điểm sáng, Việt Nam đã đi trước nhiều nước, đặc biệt là các nước Đông Nam Á, trong kiểm soát, đẩy lùi dịch bệnh. Chúng ta đã xác lập một trạng thái bình thường mới để đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh bình thường ở Việt Nam. Do đó, Việt Nam sẽ tiếp tục đồng ý đưa các chuyên gia, các nhà quản lý người nước ngoài vào Việt Nam để hợp tác cùng Việt Nam phát triển kinh tế đất nước, trước hết là Lào, Campuchia và nhiều nước khác trong thời gian tới.

Thủ tướng cũng nhấn mạnh cơ hội cho Việt Nam nếu biết quản lý Nhà nước tốt, kinh doanh tốt và hợp tác tốt.

Khẳng định vị trí của doanh nghiệp là lực lượng chủ chốt trên mặt trận kinh tế, từ đóng góp tăng trưởng đến giải quyết việc làm, thu ngân sách, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, Thủ tướng nêu ra 3 yêu cầu đối với doanh nghiệp. Một là các doanh nghiệp không được trông chờ, ỷ lại trong phát triển. Thứ hai, doanh nghiệp phải được tái cơ cấu, nâng cao trình độ quản trị để phát triển bền vững. Thứ ba, các cấp, các ngành, đặc biệt là doanh nghiệp áp dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, nhất là cuộc cách mạng 4.0 để nâng cao năng suất.

Tại Hội nghị, Thủ tướng ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp về trách nhiệm của các cơ quan Nhà nước trong việc tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển.

Chính phủ, các cơ quan liên quan lắng nghe, tiếp thu ý kiến các đại biểu, nhà đầu tư, doanh nghiệp, hiệp hội trong và ngoài nước để Chính phủ có nghị quyết tốt nhất tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện cho doanh nghiệp phát triển trong thời gian tới.

Các bộ, cơ quan, đặc biệt là các địa phương cần có chương trình hành động cụ thể để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát triển, trong đó “có một vài ý lớn mà các doanh nghiệp đều nói, đó là cải thiện tình hình kiểm soát, tăng cường hậu kiểm, làm nhanh các thủ tục”. Đặc biệt quan tâm đến doanh nghiệp và người lao động yếu thế, nhất là các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Quan tâm xử lý kiến nghị của doanh nghiệp nhanh hơn, thuận lợi hơn, không được đổ qua, đổ lại làm mất thời cơ kinh doanh của doanh nghiệp.

“Tất cả doanh nghiệp đang chờ tiếng nói giải quyết nhanh của các cơ quan Nhà nước, đặc biệt các địa phương, tháo gỡ cho doanh nghiệp hiện nay có nhiều vướng mắc”, Thủ tướng nói. Chủ tịch UBND các tỉnh, các Bộ trưởng có liên quan phải có trách nhiệm xử lý nhanh những kiến nghị này để tháo gỡ cho doanh nghiệp.

Đối với doanh nghiệp cũng như với các cơ quan Nhà nước, Thủ tướng cho rằng hiện nay cần phải giữ 3 thứ, đó là giữ lao động; giữ thị trường và phát triển thị trường; giữ danh dự, bản lĩnh doanh nhân Việt Nam đổi mới, trung thực và quyết tâm phát triển. Trên tinh thần đó, phải cải cách, tái cơ cấu doanh nghiệp phù hợp với bối cảnh hiện nay.

Một số vấn đề lớn mà các cơ quan Nhà nước phải quan tâm xử lý, đó là tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp, hợp tác, hỗ trợ doanh nghiệp cả về chính sách, chia sẻ cùng doanh nghiệp. “Đặc biệt, các doanh nghiệp đều mong muốn cần phải giữ ổn định vĩ mô, nhất là giữ lạm phát, giữ giá trị đồng Việt Nam”, Thủ tướng nói.

Thủ tướng cũng nhắc lại tinh thần không hình sự hoá các quan hệ kinh tế, dân sự. “Các đồng chí kiểm tra, thanh tra nhiều quá cũng ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Chúng ta thực hiện hậu kiểm trong bối cảnh khó khăn này”.

Nâng cao đạo đức công vụ, tạo mọi thuận lợi phát triển này, chủ động tìm nguồn lực cho phát triển, nhất là hạ tầng. Các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm lớn, các địa phương có liên quan, các sân bay, bến cảng… đều phải phát triển nhanh, nhất là phát triển dịch vụ logistics ở Việt Nam tốt nhất để giảm chi phí cho doanh nghiệp vì không có hạ tầng thì khó phát triển.

Các hiệp hội đóng vai trò tập hợp thông tin, đặc biệt là những thông tin tiến bộ khoa học kỹ thuật, tiến bộ về quản lý để áp dụng nhanh vào các doanh nghiệp thuộc hiệp hội mình.

Doanh nghiệp Việt Nam, doanh nghiệp nước ngoài đầu tư ở Việt Nam gắn liền với niềm tự hào của dân tộc.

Dẫn câu nói “lửa thử vàng, gian nan thử sức”, Thủ tướng nhấn mạnh “khó khăn bằng hai thì chúng ta phải cố gắng bằng ba để vượt qua”. Chúng ta cùng đoàn kết, cùng quyết tâm, cùng nhau lập thành tích, hoàn thành nhiệm vụ cao nhất trong năm nay và các năm tiếp theo, đóng góp vào phát triển dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.

(baochinhphu.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi