Thứ Năm, 23/1/2025
Điểm tựa để đồng bào Chứt “chuyển mình”
 
Cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng hướng dẫn nhân dân trồng lúa nước


Xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại, đồng bào Chứt định cư ở vùng đất biên giới xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình đang dần làm chủ việc trồng cây lúa nước, lương thực, chăn nuôi gia súc. Để có được những kết quả đó, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình đã phải mất hơn 10 năm bám bản, dân vận bằng hành động.

Sau bữa cơm tối, Trung tá Phạm Bá Tuyên và Thiếu tá Trần Đức Duật, cùng là nhân viên Đội Vận động quần chúng, Đồn Biên phòng Cà Xèng, BĐBP Quảng Bình rời đơn vị xuống nhà cán bộ Ban quản lý bản Mò O Ồ Ồ để trao đổi công việc. Đêm đến, bản làng của đồng bào Chứt không khác gì những vùng quê khác ở dưới xuôi, ánh điện chiếu sáng cả tuyến đường, trẻ em đạp xe, vui đùa thoải mái. Hệ thống điện “ánh sáng làng quê” được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Cà Xèng xây dựng cho bà con dân bản vừa được đưa vào sử dụng. Ở cổng của ngôi nhà bám mặt đường liên xã, nam thanh niên đã chờ sẵn để đón những cán bộ Biên phòng. Đó chính là anh Cao Xuân Long, Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Mò O Ồ Ồ, mới 24 tuổi và đã có 3 năm đứng trong hàng ngũ của Đảng.

Dưới ánh điện của căn nhà nhỏ được bố trí tươm tất, Trung tá Tuyên nhấp ngụm nước được nấu từ thân một loại cây rừng, mùi thơm thoang thoảng, rồi bắt đầu trao đổi công việc: “Dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chúng ta phải tăng cường tuyên truyền để nhân dân vừa lao động sản xuất và phòng tránh dịch bệnh. Phải vận động bà con hạn chế đi ra khỏi địa bàn, không tiếp xúc với người lạ từ nơi khác đến. Lúa trên đồng cũng sắp chín rồi, đồng chí Long phải thông báo cho các gia đình chuẩn bị thu hoạch để còn kịp trở lại làm đất, xuống giống vụ Hè Thu”. 

Sau lời trao đổi của cán bộ Biên phòng, anh Cao Xuân Long chỉ đáp ngắn gọn: “Dạ, sáng mai cháu sẽ thông báo cho bà con rõ”. Ngoài công việc chung của bản làng, anh Long coi những cán bộ Đồn Biên phòng Cà Xèng như cha, chú trong gia đình. Cũng dễ hiểu thôi, cả anh Tuyên, anh Duật và một số cán bộ ở Đồn Biên phòng Cà Xèng đã gắn bó với bản làng của đồng bào Chứt từ khi Bí thư Chi bộ - Trưởng bản Mò O Ồ Ồ còn là một đứa trẻ mới hơn 10 tuổi. Họ là những người góp công sức nhiều nhất để hướng dẫn người dân ở đây làm quen với việc trồng cây lúa nước.

Đồng bào Chứt ở Thượng Hóa vốn sống trong rừng sâu, hang đá chỉ quen với việc săn bắt, hái lượm, rồi được BĐBP, chính quyền địa phương vận động, đưa về địa bàn này định cư. Thế nhưng, trải qua thời gian dài, cuộc sống của người dân vẫn vô cùng khó khăn do chưa quen với việc trồng trọt, chăn nuôi. Quyết tâm làm cuộc “cách mạng” với đồng bào dân tộc Chứt, tháng 2-2010, BĐBP Quảng Bình đã triển khai dự án khai hoang cánh đồng lúa nước có diện tích 10ha ở thung lũng Rục Làn để từng bước hướng dẫn bà con làm quen với phương thức sản xuất mới. Nhiều cán bộ “đa năng” như anh Tuyên, anh Duật... công tác ở các đơn vị khác được BĐBP Quảng Bình điều động tăng cường cho Đồn Biên phòng Cà Xèng thực hiện nhiệm vụ. Hằng ngày, các anh khai hoang đất, đêm đến xuống bản vận động nhân dân tham gia lao động sản xuất. “Khi bắt đầu triển khai dự án, chỉ có vài ba gia đình cùng làm với bộ đội, còn phần lớn nhân dân đến chỉ ngồi trên bờ xem, rồi cười. Anh em chúng tôi biết rằng, chỉ có thể làm cho dân thấy thì họ mới tin, làm theo. Bộ đội bám ruộng, khắc chế thời tiết, nhiều đêm mất ngủ vì lúa xuất hiện sâu bệnh. Rồi tất cả vui mừng, hạnh phúc khi vụ thu hoạch đầu tiên đã mang về khoảng 40 tấn lúa để tặng cho dân bản” - Thiếu tá Duật nhớ lại.

Thấy BĐBP làm được, nhân dân bắt đầu tin tưởng, nghe theo, Đồn Biên phòng Cà Xèng đã vận động đồng bào trồng lúa nước theo mô hình “hợp tác xã” với khoảng 10-12 gia đình/tổ sản xuất. Mỗi tổ đều có 1-2 cán bộ Biên phòng phụ trách, chịu trách nhiệm về kỹ thuật, cũng như đôn đốc nhân dân tham gia lao động. Cứ như vậy, mỗi năm, cánh đồng Rục Làn được canh tác 2 vụ lúa, giúp đồng bào dần tự túc được nhu cầu lương thực trong gia đình và thành thạo các khâu canh tác. Đến nay, diện tích ruộng lúa đã được chia đều cho các gia đình tự cày, cấy, Đồn Biên phòng Cà Xèng chỉ duy trì 3 cán bộ phụ trách hướng dẫn nhân dân về kỹ thuật. 

(baobienphong.com.vn)

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi