Thứ Tư, 1/1/2025
Khai mạc Phiên họp thứ Mười lăm của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
 

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu khai mạc Phiên họp


Phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, trong thời gian dự kiến 4 ngày, Phiên họp thường kỳ tháng 9 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung vào 2 nhóm vấn đề chính.

Thứ nhất là các nội dung Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét trình Quốc hội vào Kỳ họp thứ Tư diễn ra vào tháng 10 tới. Trước hết là kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016-2021”. Đây là một trong hai chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2022. Tại Kỳ họp thứ Ba, Quốc hội đã tiến hành giám sát về công tác quy hoạch rất thành công. Bên cạnh thực hiện nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, vấn đề đẩy mạnh công cuộc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí là vấn đề lớn hiện nay, bao trùm từ trung ương đến địa phương, liên quan đến cả khu vực công và khu vực tư, liên quan đến trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.

Với tầm quan trọng như vậy, thành phần của Đoàn giám sát lần này có sự tham gia của nhiều cơ quan, bộ, ngành liên quan. Tại Phiên họp tháng 8 vừa qua, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến lần đầu, sau đó, Đoàn giám sát do Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương làm Trưởng đoàn tiếp tục làm việc với một số bộ, ngành, địa phương quan trọng, đồng thời tổ chức tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để hoàn thiện các dự thảo trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trước khi trình Quốc hội xem xét quyết định tại Kỳ họp thứ Tư tới. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Quốc hội bám sát các mục tiêu, định hướng lớn trong nội dung giám sát để cho ý kiến toàn diện về nội dung dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội, tạo điều kiện làm căn cứ để tạo ra bước chuyển biến cơ bản đối với công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.

Bên cạnh đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghe và cho ý kiến về các báo cáo công tác năm 2022 của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tham nhũng; tình hình tội phạm, vi phạm pháp luật và công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ nghe và cho ý kiến về các báo cáo của Chính phủ, Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân năm 2022. Nội dung này gắn liền với chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021” được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp lần này cũng như công tác dân nguyện hàng tháng. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung đánh giá công tác tiếp công dân, tình hình giải quyết khiếu nại tố cáo, so sánh đối chiếu với tháng trước và 5 năm qua để xác định rõ trách nhiệm của từng cơ quan trong hệ thống chính trị nhằm tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả của công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, nhất là giải quyết dứt điểm các vụ việc khiếu nại, tố cáo kéo dài.

Liên quan đến Báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là nội dung rất quan trọng, gắn với việc triển khai Kết luận số 19-KL/TW của Bộ Chính trị và Kế hoạch 81 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV. Đồng thời, trong Phiên họp lần này, nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tư, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng xem xét báo cáo công tác năm 2022 và kế hoạch kiểm toán năm 2023 của Kiểm toán nhà nước. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội tập trung, căn cứ vào các yêu cầu về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí và nâng cao hơn nữa kỷ luật, kỷ cương trong kiểm tra hành chính Nhà nước và tài sản công để cho ý kiến về công tác kiểm toán hàng năm có trọng tâm, trọng điểm, đúng chức năng, nhiệm vụ, Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Thứ hai, trong Phiên họp lần này, các Đoàn giám sát sẽ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định ban hành Nghị quyết về công tác giám sát đối với hai chuyên đề là: Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo trong giai đoạn 2016-2021; Việc thực hiện các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã trong giai đoạn 2019-2021. Đây là hai chuyên đề thuộc kế hoạch giám sát năm 2022 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội đề nghị tập trung cho ý kiến toàn diện cả về Báo cáo giám sát, Tờ trình và dự thảo Nghị quyết bảo đảm trọng tâm, ngắn gọn, dễ hiểu, bám sát các quan điểm, phạm vi, mục tiêu để sau Phiên họp sẽ ban hành Nghị quyết về nội dung này.

Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho ý kiến về công tác dân nguyện tháng 8/2022.

Trọng tâm của Phiên họp lần này là công tác giám sát của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đồng thời chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Tư, một số vấn đề thuộc chức năng, thẩm quyền Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định. Nhấn mạnh điều này, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, với một số nội dung khác, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ tổ chức Phiên họp chuyên đề pháp luật để chuẩn bị các dự án Luật, dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư tới với chất lượng cao nhất.

Cũng tại Phiên họp này, theo chương trình, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến với một số nội dung bằng văn bản như: Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững; Kết quả thực hiện Nghị quyết số 03/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19”.

(daibieunhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất