Thứ Bảy, 20/4/2024
Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội khóa XV: Thông qua Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở


Trước đó, theo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở do Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng trình bày, sau khi tiếp thu, chỉnh lý theo ý kiến của đại biểu Quốc hội, Luật có 6 chương, 91 điều, giảm 1 điều so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư.

Về việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân và tên gọi của Ban Thanh tra nhân dân, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật nêu rõ, trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng tiếp tục quy định việc thành lập Ban Thanh tra nhân dân ở xã, phường, thị trấn, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước như hiện nay. Không quy định về thành lập Ban Thanh tra nhân dân tại doanh nghiệp và tổ chức khác có sử dụng lao động thuộc khu vực ngoài Nhà nước. Do vấn đề đổi tên của chế định này chưa nhận được sự đồng thuận, thống nhất cao nên Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin phép Quốc hội cho giữ tên gọi là “Ban Thanh tra nhân dân” như hiện hành nhưng chức năng, nhiệm vụ của Ban này gồm kiểm tra, giám sát như ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Về thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị, trong quá trình thảo luận, có ý kiến đại biểu đề nghị không quy định về tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong dự thảo Luật vì nội dung này chủ yếu được kế thừa từ Nghị định số 04/2015/NĐ-CP của Chính phủ, trong khi việc thực hiện Nghị định này trên thực tế còn nhiều khó khăn, vướng mắc.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho biết, một trong những phương thức hữu hiệu để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động thực hiện dân chủ tại cơ quan, đơn vị là thông qua Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động để trao đổi, bàn và quyết định. Quá trình tổng kết cho thấy, nguyên nhân của việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiện nay vẫn còn hình thức, chưa phát huy đầy đủ hiệu quả trong thực tế một mặt là do người đứng đầu cơ quan, đơn vị thiếu trách nhiệm trong việc triển khai thực hiện, nhưng mặt khác là do nội dung này đang được điều chỉnh trong các văn bản dưới luật với các quy định còn chưa đầy đủ, cụ thể. Vì vậy, việc luật hóa các nội dung này trong dự thảo Luật là cần thiết. Để khắc phục những tồn tại, bất cập nêu trên và bảo đảm tính khả thi, phát huy được hiệu quả thực chất, trên cơ sở tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã rà soát, chỉnh lý Điều 51 của dự thảo Luật theo hướng quy định cụ thể, chặt chẽ hơn việc tổ chức Hội nghị cán bộ, công chức, viên chức, người lao động.

(daibieunhandan.vn) 

Gửi cho bạn bè

Các tin khác

Xem nhiều nhất