Trao đổi kinh nghiệm hoạt động Hội đồng nhân dân
Ngày
17-10, Hội nghị trao đổi kinh nghiệm hoạt động Hội đồng nhân dân 14
tỉnh trung du và miền núi phía Bắc lần thứ IX (nhiệm kỳ 2011-2016) với
chủ đề “Những vấn đề cần quan tâm khi triển khai Luật Tổ chức chính
quyền địa phương ở cấp tỉnh” đã diễn ra tại thành phố Việt Trì, tỉnh Phú
Thọ.
Phát
biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn
Thị Kim Ngân khẳng định chính quyền địa phương có vị trí, vai trò đặc
biệt quan trọng trong tổ chức bộ máy nhà nước. Luật Tổ chức chính quyền
địa phương được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII
có nhiều điểm mới. Theo đó, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân, Phó Chủ
tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện được tăng lên, thành lập
thêm các ban của Hội đồng nhân dân cấp xã.
Phó
Chủ tịch Quốc hội đề nghị các đại biểu thảo luận, làm rõ những vấn đề
như việc lựa chọn, bố trí con người cụ thể ở các địa phương đảm nhận các
vị trí, số lượng cán bộ chuyên trách cho phù hợp, tiêu chuẩn và điều
kiện thành lập Ban Dân tộc… nhằm xây dựng, hướng dẫn cụ thể, đảm bảo
nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp.
Phó
Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh cần bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ
chức và hoạt động của chính quyền địa phương ngay từ khi triển khai
thực hiện Luật. Đây là nhân tố hết sức quan trọng góp phần bảo đảm hiệu
lực, hiệu quả hoạt động của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các cấp ở
địa phương.
Tại
Hội nghị, các đại biểu đã tập trung trao đổi, thảo luận các vấn đề về
mô hình tổ chức Hội đồng nhân dân; công tác quy hoạch, bố trí cán bộ Hội
đồng nhân dân, tiêu chuẩn đại biểu Hội đồng nhân dân; nhiệm vụ, quyền
hạn của Hội đồng nhân dân từng cấp; quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, chế
độ hoạt động của Thường trực và các thành viên của Thường trực Hội đồng
nhân dân; giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của
Hội đồng nhân dân; công tác đào tạo, bồi dưỡng đại biểu Hội đồng nhân
dân các cấp; chế độ hoạt động của Văn phòng Đoàn đại biểu Quốc hội và
Hội đồng nhân dân…
Bộ Nội vụ giải đáp về trường hợp bổ nhiệm Giám đốc Sở tuổi 30
Trình
tự, thủ tục bổ nhiệm Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Quảng Nam đã
được thực hiện đúng quy trình thủ tục và phù hợp với chính sách thu hút
tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của tỉnh, đồng thời thực hiện đúng Chỉ
thị 36-CT/TW ngày 30-5-2014 của Bộ Chính trị và Hướng dẫn số
26-HD/BTCTW ngày 18-8-2014 của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân
sự cấp ủy tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng.
Thông
tin này được lãnh đạo Bộ Nội vụ khẳng định tại buổi họp báo ngày 18-10.
Theo lý giải của Bộ Nội vụ thì qua buổi làm việc với Tỉnh ủy và Ủy ban
nhân dân tỉnh Quảng Nam, nghe báo cáo về việc bổ nhiệm ông Lê Phước Hoài
Bảo, 30 tuổi giữ chức vụ Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh, cho thấy
trường hợp ông Bảo không phải là trường hợp cá biệt mà nằm trong 51
trường hợp được giới thiệu ứng cử luân chuyển bổ nhiệm có độ tuổi rất
trẻ từ 30-40 tuổi của tỉnh.
Về
tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Giám đốc Sở theo quy định của Quyết định
82/2004/QĐ-BNV ngày 17-11-2004 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ về việc ban hành
tiêu chuẩn Giám đốc Sở và các chức vụ tương đương thuộc Ủy ban nhân dân
tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ yêu cầu đạt tiêu chuẩn chuyên
môn nghiệp vụ từ ngạch chuyên viên chính trở lên, không quy định phải
được bổ nhiệm vào ngạch chuyên viên chính; phải có kinh nghiệm công tác 5
năm trở lên trong chuyên ngành được phân công, trong đó có ít nhất 3
năm làm công tác quản lý về lĩnh vực chuyên môn, chuyên ngành được giao.
Phó Vụ trưởng Vụ Công chức, viên chức (Bộ Nội vụ) Lê Minh Hương cho
biết, ông Lê Phước Hoài Bảo đã đi làm được hơn 6 năm cũng như đã giữ các
vị trí quản lý lãnh đạo.
Thứ
trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn cho biết ông Lê Phước Hoài Bảo đã đạt đủ
tiêu chuẩn của ngạch chuyên viên chính, từ khi đi làm đến khi được bổ
nhiệm đều nằm trong các lĩnh vực quản lý theo dõi liên quan đến đầu tư,
dù là ở các cơ quan khác nhau, đã có đủ kinh nghiệm, trải nghiệm trong
quá trình làm việc. Không cứ người trẻ tuổi mà cả những người có tuổi,
đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đều có cơ hội như nhau. Mọi người dân có đủ
phẩm chất, trình độ năng lực đều có thể trở thành công chức, viên chức
theo quy định của pháp luật, phải được sử dụng, bố trí đúng với năng lực
để họ phát huy...
Đề nghị sửa đổi, bãi bỏ hơn 150 thủ tục hành chính
Chánh
Văn phòng - Người phát ngôn của Bộ Tư pháp Trần Tiến Dũng cho biết,
trong quý III năm 2015, Bộ Tư pháp đã triển khai đồng bộ, toàn diện, có
trọng tâm, trọng điểm các mặt công tác, bám sát chỉ đạo của Chính phủ,
Thủ tướng Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều
hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Cụ
thể, Bộ Tư pháp đã thẩm định 58 văn bản quy phạm pháp luật và 12 điều
ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế; trả lời, góp ý 223 văn bản. Về công tác
kiểm soát thủ tục hành chính, Bộ đã tham gia ý kiến, đề nghị sửa đổi
hoặc bãi bỏ 88/103 thủ tục hành chính tại 26 dự thảo văn bản (chiếm
85%); trong 23 dự thảo văn bản thẩm định có thủ tục hành chính, đã đề
nghị sửa đổi hoặc bãi bỏ 63/67 thủ tục hành chính (chiếm 94%). Về kết
quả lấy ý kiến nhân dân đối với dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Bộ đã
nhận được báo cáo kết quả lấy ý kiến nhân dân của tất cả các bộ, ngành,
cơ quan, tổ chức Trung ương và địa phương với khoảng 7 triệu lượt ý
kiến tham gia.
Về
những nhiệm vụ trọng tâm công tác cuối năm, Người phát ngôn Bộ Tư pháp
cho biết, trong quý IV năm 2015, Bộ sẽ tiếp tục tập trung hoàn thành các
nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp với một số nhiệm vụ chính như: đảm
bảo tiến độ và chất lượng các văn bản do Bộ Tư pháp chủ trì soạn thảo
phải trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong quý IV năm 2015; các nội
dung Bộ Tư pháp được giao chủ trì xây dựng để trình Quốc hội tại kỳ họp
thứ 10 và phiên họp thứ 42 Ủy ban Thường vụ Quốc hội gồm: Bộ luật Dân
sự (sửa đổi), Bộ luật Hình sự (sửa đổi), Luật Đấu giá tài sản, Luật Tiếp
cận thông tin… Chủ trì, phối hợp các bộ, ngành tập trung rà soát các
quy định của pháp luật trong nước để đề xuất sửa đổi, bổ sung đảm bảo
phù hợp với các quy định của của Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương
(TPP).
Rút ngắn hết mức thời gian cấp "sổ đỏ"
Trao
đổi với phóng viên, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội
Nguyễn Hữu Nghĩa đã nói: “Người dân nếu phát hiện cán bộ nhũng nhiễu nên
phản ánh ngay để chúng tôi xử lý, đừng có nhờ “cò” hay lo tiêu cực phí,
phong bì nữa”.
Ông
Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đã rút
ngắn thời gian hoàn thành thủ tục theo quy định từ 52-60 ngày xuống còn
không quá 20 ngày làm việc. Hồ sơ cũng đơn giản đi rất nhiều. Có hồ sơ
theo quy định phải công chứng, chứng thực nhưng xét thấy không cần tới
mức đó thì chỉ yêu cầu người dân nộp bản photo. Điều này không có nghĩa
là thẩm định sơ sài, thiếu chặt chẽ mà cán bộ thụ lý phải tự khai thác
trong kho dữ liệu của Sở để bổ sung thông tin hồ sơ chứ không yêu cầu
người dân phải nộp. Với hồ sơ đủ điều kiện, tỷ lệ trả hồ sơ đúng hẹn đạt
gần 100%. Với hồ sơ bị thiếu, tỷ lệ này đạt 93-94%.
Về
tinh thần, thái độ phục vụ ông Nguyễn Hữu Nghĩa cho biết, cán bộ, công
chức tiếp xúc với người dân đã được tuyên truyền, giáo dục, tập huấn kỹ
về chuyên môn nghiệp vụ. Nếu cán bộ có biểu hiện nhũng nhiễu, khi lãnh
đạo Sở có thông tin sẽ vào cuộc xác minh ngay. Nếu đúng là có thái độ,
hành vi không đúng với quy định, sẽ xử lý nghiêm khắc. Ví dụ, tuần
trước, khi nghe dư luận về 2 cán bộ ở bộ phận một cửa trong công việc có
thái độ không đúng với tác phong của cán bộ, công chức, gây khó khăn
cho người dân tới giao dịch, Sở đã yêu cầu làm kiểm điểm và điều chuyển
làm công việc khác. Một Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chỉ để hồ
sơ chậm 2 ngày cũng phải kiểm điểm, giải trình hay một Giám đốc Chi
nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai cấp quận cũng bị đình chỉ công tác, kiểm
điểm vì có thái độ không phù hợp khi làm việc với người dân. Lãnh đạo
Sở khẳng định, nếu có đơn thư, sẽ lập đoàn thanh tra công vụ để làm rõ
và xem xét nghiêm túc, không né tránh hay bỏ qua. Không có “vùng cấm”
nào trong xử lý cán bộ, công chức có thái độ, tác phong làm việc, hành
vi không đúng quy định.
Tất
cả những địa điểm tiếp dân đều niêm yết công khai các thủ tục hành
chính để người dân tìm hiểu, tra cứu. Sở còn bố trí cán bộ hướng dẫn.
Trang web của Sở, Cổng thông tin điện tử thành phố đã công khai các thủ
tục hành chính theo quy định. Mọi thứ đều minh bạch.
Theo
ông Nguyễn Hữu Nghĩa, trên thực tế vẫn còn hiện tượng “cò sổ đỏ” vì
nhận thức của một bộ phận người dân chưa theo kịp với những cải cách
hành chính hiện nay. “Cò” lợi dụng điểm này để tồn tại. Trước đây, đúng
là cấp “sổ đỏ” có khi kéo dài thậm chí hàng năm nên một số người vẫn tư
duy là đi làm “sổ đỏ” rất khó khăn, mệt mỏi hay bị “hành”, nhũng
nhiễu... nhưng thực tế hiện nay không còn như vậy. Thủ tục giờ đã rút
gọn, thời gian thụ lý cũng rất ngắn, hồ sơ đơn giản... Các cơ quan thông
tin đại chúng cần tuyên truyền để người dân hiểu là nên tới cơ quan có
thẩm quyền để nộp hồ sơ theo quy định, không nên qua “cò”. Hồ sơ đủ điều
kiện là được cấp, hết sức minh bạch, trường hợp không đủ, sẽ được hướng
dẫn làm cho đủ. Hồ sơ đủ rồi thì cán bộ buộc phải làm, anh không làm,
để quá hạn là bị xử lý.
Hiện
nay, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội đang đẩy nhanh đề án xây dựng
cơ sở dữ liệu tổng thể quản lý đất đai Hà Nội (dự kiến hoàn thành năm
2018). Khi đề án này hoàn thành, người dân có thể ngồi nhà nhắn tin điện
thoại để kiểm soát “vết” đi của hồ sơ mình đã nộp, xem hiện đang ở khâu
nào, cơ quan nào, ai thụ lý, có vướng mắc gì không... Tất cả nhằm hạn
chế tới mức thấp nhất tỷ lệ người không hài lòng với các thủ tục hành
chính trong lĩnh vực đất đai.
Theo
ông Lê Tuấn Định, Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai Hà Nội, tới nay,
Hà Nội đã cấp được 1.250.212 “sổ đỏ”, đạt tỷ lệ 100% trường hợp hồ sơ đủ
điều kiện và đã kê khai đăng ký. Số chưa cấp “sổ đỏ” là các trường hợp
chưa kê khai hoặc có nguồn gốc sử dụng đất vi phạm pháp luật đất đai.
Tại
các dự án phát triển nhà, đến tháng 12-2014, Hà Nội đã cấp được 72.300
“sổ đỏ”; 9 tháng đầu năm 2015, Sở đã thẩm định, giải quyết 20.260 hồ sơ
cấp “sổ đỏ” và 8.141 hồ sơ trình UBND quận, huyện cấp “sổ đỏ” lần đầu.
TP. Hồ Chí Minh hướng đến lấy chính quyền điện tử làm trung tâm
Ông
Trương Văn Lắm, Giám đốc Sở Nội vụ Thành phố Hồ Chí Minh cho biết
"trong giai đoạn 2016-2020, Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến xây dựng đô
thị thông minh lấy chính quyền điện tử làm trung tâm."
Để
thực hiện mục tiêu trên, Thành phố tiếp tục thực hiện xây dựng chính
quyền điện tử các cấp; đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng quản lý văn
bản, điều hành và tác nghiệp; tăng cường sử dụng văn bản điện tử tại
chính quyền các cấp để hoàn thiện ứng dụng văn phòng điện tử. Lấy nhân
dân, doanh nghiệp và tổ chức là trung tâm để hoàn thiện các dịch vụ hành
chính công theo hướng công khai, minh bạch, hiệu quả và tiện lợi.
Thành
phố cũng tập trung triển khai các ứng dụng phục vụ liên thông, kết nối
và trao đổi thông tin giữa các cơ quản lý nhà nước trong giải quyết thủ
tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức để tạo sự thuận lợi
tối đa cho người dân, doanh nghiệp, tổ chức khi tham gia giao dịch với
cơ quan hành chính nhà nước.
Theo ông Trương Văn Lắm, các lĩnh vực cần tập trung là giao dịch đất đai, nhà ở; đăng ký doanh nghiệp, đăng ký đầu tư.
Để
thực hiện hiệu quả trong xây dựng chính quyền điện tử, Thành phố cần
tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác ứng dụng công
nghệ trong quản lý nhà nước, trong công tác cải cách hành chính, trong
công cuộc xây dựng nền hành chính điện tử, chính quyền điện tử. Thực tế
tại Thành phố trong những năm qua, ở đơn vị nào người đứng đầu quan tâm
đến công tác này thì đơn vị đó ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản
lý nhà nước, công tác cải cách hành chính rất hiệu quả. Chất lượng dịch
vụ hành chính công cung cấp cho người dân, doanh nghiệp và tổ chức luôn
được cải thiện không ngừng. Mặt khác, Thành phố cần quan tâm nâng cao
chất lượng, chính sách đào tạo, đãi ngộ nguồn nhân lực trong công tác
ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ quản lý nhà nước.
Cùng
với đó, chính quyền Thành phố cần phải cải thiện chất lượng cung ứng
các dịch vụ công thiết yếu khác để người dân cảm thấy hài lòng khi sử
dụng thông qua việc ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực giao
thông, môi trường, y tế và giáo dục để xây dựng một đô thị hiện đại, đô
thị thông minh; cần phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để
thống nhất những nội dung thông tin, giải pháp kỹ thuật khi thực hiện
xây dựng các hệ thống thông tin chuyên ngành, nhằm khai thác sử dụng các
cơ sở dữ liệu hiện có của Thành phố./.
Nguồn: tapchicongsan.org.vn, ngày 19/10/2015