Thứ Bảy, 30/11/2024
Phú Yên thực hiện quy chế công tác dân vận: Nhiều kết quả khích lệ
Công tác dân vận góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới. Trong ảnh: Người dân xã Hòa Thành (huyện Đông Hòa) làm đường bê tông nông thôn - Ảnh: H.NHƯ

SÁT DÂN, GẦN DÂN, HƯỚNG VỀ CƠ SỞ

Nét nổi bật là chất lượng, hiệu quả và vai trò của hệ thống dân vận được nâng lên; nội dung, phương thức hoạt động được đổi mới, chú trọng nhiệm vụ dân vận của các cơ quan Nhà nước. Công tác dân vận tập trung hướng mạnh về cơ sở, khu dân cư, chú ý các địa bàn phức tạp. Công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ trong hệ thống chính trị làm công tác dân vận của Đảng được chú trọng; chủ động nắm bắt diễn biến tình hình tư tưởng của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân, nhất là các vấn đề liên quan đến thực hiện chế độ chính sách, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, hoạt động tôn giáo… Qua đó kiến nghị các cấp có thẩm quyền giải quyết, góp phần chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân, ổn định tình hình an ninh chính trị ở địa phương, tăng cường sự đồng thuận trong xã hội.

Bên cạnh đó, nhận thức về công tác dân vận của các tổ chức trong hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đã có chuyển biến tích cực. Cấp ủy đảng, chính quyền các cấp và cán bộ, đảng viên luôn coi trọng việc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, lắng nghe ý kiến của dân về việc xây dựng, thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; kịp thời kiến nghị cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tiễn ở cơ sở. Nhiều điển hình, mô hình trong phong trào thi đua “Dân vận khéo” được nhân rộng, phát huy hiệu quả trong các lĩnh vực của đời sống xã hội, góp phần thiết thực vào sự nghiệp xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh… Một minh chứng khẳng định hiệu quả của việc thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị ở Phú Yên thời gian qua là xã Bình Kiến (TP Tuy Hòa), địa phương đầu tiên của tỉnh được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 6 vừa rồi. Phó Bí thư thường trực Đảng ủy xã Bình Kiến Hồ Văn Lũy cho biết: Trong thành tích chung của xã chúng tôi có sự đóng góp rất lớn của công tác dân vận. Chính nhờ bám sát Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị mà tổ dân vận ở 4 thôn trong xã triển khai đạt hiệu quả các chương trình, kế hoạch đề ra hàng năm. Qua đó động viên quần chúng nhân dân tích cực tham gia, đóng góp công sức, tiền của, giám sát các hoạt động để xây dựng nông thôn mới thành công. Trong thời gian tới, Đảng ủy xã tiếp tục thực hiện tốt Quy chế công tác dân vận để lãnh đạo phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới bền vững, ngày càng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân.

PHÁT HUY TÍNH NÊU GƯƠNG CỦA CÁN BỘ, ĐẢNG VIÊN

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Quy chế công tác dân vận theo tinh thần các quyết định 290, 4177 vẫn còn bộc lộ những hạn chế, khuyết điểm cần tập trung khắc phục. Đó là trách nhiệm thực hiện quy chế công tác dân vận của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể ở một số đơn vị chưa rõ nét; quy trình thực hiện công tác dân vận ở một số ngành chưa tốt; công tác cải cách thủ tục hành chính, thực hiện quy chế dân chủ triển khai chưa đồng bộ, vẫn có biểu hiện gây phiền hà, khó khăn đối với người dân… Theo Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Huỳnh Tấn Việt, phương hướng chung của việc thực hiện các quyết định 290, 4177 trong thời gian tới là toàn tỉnh tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể nhân dân, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ công tác dân vận trong hệ thống chính trị. Đẩy mạnh hơn nữa công tác dân vận chính quyền của các cơ quan Nhà nước, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thực hiện tốt công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; kịp thời phổ biến chính sách, pháp luật đến với nhân dân, xây dựng phong cách người cán bộ, công chức, viên chức “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với dân”. Đồng thời tăng cường khối đoàn kết toàn dân tộc và mối quan hệ máu thịt giữa Đảng với nhân dân; kết hợp thực hiện Quy chế công tác dân vận của hệ thống chính trị với thực hiện Nghị quyết 25 của Ban Chấp hành Trung ương (khóa XI) “Về tăng cường và đổi mới sự lãnh đạo của Đảng” đối với công tác dân vận trong tình hình mới; tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Cùng với triển khai quyết liệt, đồng bộ các giải pháp để tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quyết định 290, 4177, một vấn đề rất quan trọng là phải thường xuyên chú ý phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong công tác và đạo đức lối sống hàng ngày. Bởi vì cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức - nhất là cán bộ chủ chốt, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị - luôn đề cao tính nêu gương trong các lĩnh vực thì mới tạo thuận lợi cho công tác dân vận. Đây chính là động lực để tăng cường đoàn kết và sự đồng thuận xã hội, động viên các tầng lớp nhân dân tham gia đóng góp tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh.

Nguồn: baophuyen.com.vn, ngày 29/12/2015

Gửi cho bạn bè

Phản hồi

Thông tin người gửi phản hồi

Xem nhiều nhất